Trong thông báo trên nền tảng X, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này cùng Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, chính phủ các nước và các đối tác đang tăng cường ứng phó với đợt bùng phát. Ông nêu rõ: “Tôi đang cân nhắc việc triệu tập một ủy ban khẩn cấp để đánh giá khả năng tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ vốn đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại hay không. Tuy nhiên, cần thêm kinh phí và hỗ trợ để có phản ứng toàn diện”.
Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm, lần đầu tiên được xác định ở người vào năm 1970 tại Congo. Bệnh này đã xuất hiện trong nhiều năm ở một số quốc gia Tây và Trung Phi, khi virus lây truyền từ động vật bị nhiễm bệnh sang người. Trong bài viết trên tạp chí Science mới đây, ông Tedros khẳng định: “Loại virus này có thể ngăn chặn và phải được ngăn chặn bằng các biện pháp y tế công cộng tăng cường, bao gồm giám sát, sự tham gia của cộng đồng, điều trị và triển khai vaccine có mục tiêu cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao hơn”.
Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ, nhưng với một số người khác bệnh có triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hoặc biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch. Triệu chứng điển hình về bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu giật, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, tăng bạch huyết.
Tháng 7/2022, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) và tái khẳng định quy chế này vào tháng 11/2022 và tháng 2/2023. Tháng 5/2023, WHO dỡ bỏ PHEIC đối với bệnh đậu mùa khỉ. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra đối với một dịch bệnh.