Nghị định 145/2020/NĐ-CP về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động” bao gồm các điều khoản hỗ trợ cho việc nuôi con bằng sữa mẹ, là bản sửa đổi bổ sung từ nghị định 85/2015/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều Bộ luật lao động về chính sách đối với lao động nữ”.
Theo Nghị định 85/2015/NĐ-CP, các điều khoản hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ như sau:
1. Lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa và nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.
2. Khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, phòng trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế của nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.
Nghị định mới 145/2020/NĐ-CP tiếp tục tăng cường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc với các điều khoản bổ sung:
3. Trong trường hợp người sử dụng lao động sử dụng 1.000 lao động nữ trở lên thì bắt buộc phải lắp đặt phòng vắt sữa tại nơi làm việc.
4. Phòng cho con bú là không gian riêng tư, không phải là phòng tắm, nhà vệ sinh, có trang bị các thiết bị vệ sinh cơ bản; bố trí ở vị trí thuận tiện, tránh sự xâm nhập, tầm nhìn của đồng nghiệp và công chúng để nhân viên nữ có thể cho con bú hoặc vắt và trữ sữa.
Ảnh: WHO.
WHO nhấn mạnh, nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những cách hiệu quả nhất để đảm bảo sức khỏe và sự sống còn của trẻ.
Chính vì vậy, WHO khuyến nghị cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và giới thiệu thức ăn bổ sung (dạng rắn) đầy đủ dinh dưỡng và an toàn khi trẻ được 6 tháng cùng với việc tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi trở lên.
Môi trường làm việc cần ưu tiên việc thực hành bảo vệ thai sản và thân thiện với hoạt động nuôi con bằng sữa mẹ để giúp tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ và cải thiện sức khỏe của bà mẹ và trẻ em. WHO mong muốn tất cả phụ nữ đang cho con bú được hỗ trợ tại nơi làm việc của họ.