WHO chuẩn hóa về 'COVID kéo dài' tạo thuận lợi cho chẩn đoán, điều trị

14-10-2021 19:31 | Y học 360
google news

SKĐS- COVID kéo dài hoặc hậu COVID-19 là những thuật ngữ chung dùng để chỉ các triệu chứng COVID-19 tồn tại sau giai đoạn đầu của nhiễm trùng SARS-CoV-2.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, hầu hết người bệnh bước vào phục hồi sau COVID-19 trong vòng 3–4 tuần đầu tiên sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, có một tỷ lệ người bệnh gặp phải các triệu chứng COVID-19 kéo dài trong nhiều tuần và nhiều tháng sau giai đoạn đầu tiên hoặc cấp tính của bệnh. Các triệu chứng COVID-19 dai dẳng này được mô tả chung bằng các thuật ngữ như "COVID kéo dài", "COVID-19 sau cấp tính" hoặc "tình trạng hậu COVID-19".

Một số triệu chứng phổ biến của COVID kéo dài bao gồm mệt mỏi, khó thở, mất ngủ, đau nhức và "sương mù" não. Ngoài ra, tình trạng "hậu COVID-19" có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan cơ thể, bao gồm thận, phổi, tuyến tụy và tim.

Việc thiếu một định nghĩa chuẩn hóa và thuật ngữ nhất quán cho tình trạng "hậu COVID-19" đã là trở ngại cho các nhà khoa học nghiên cứu về tình trạng này cũng như phát triển chẩn đoán và điều trị lâm sàng.

WHO chuẩn hóa về 'COVID kéo dài' tạo thuận lợi cho  chẩn đoán, điều trị  - Ảnh 1.

Nhiễm SARS CoV-2 có thể gây tình trạng nhiễm trùng cấp tính và hội chứng "hậu COVID"

Cần một định nghĩa chuẩn hóa

Mặc dù hiện nay đã có nhận thức rộng rãi hơn về "hậu COVID-19", nhưng việc không có định nghĩa chính thức cho tình trạng bệnh mới nổi này đã dẫn đến sự không thống nhất trong nghiên cứu cũng như chẩn đoán và điều trị.

Ví dụ, thiếu sự nhất trí về thời gian khởi phát và thời gian của các triệu chứng hậu COVID-19. Điều này đã dẫn đến việc các nhóm nghiên cứu sử dụng các khoảng thời gian khác nhau để ước tính tỷ lệ mắc COVID kéo dài.

Tương tự, việc không có sự thống nhất về các triệu chứng liên quan đến COVID kéo dài đã dẫn đến các nghiên cứu bao gồm hoặc loại trừ các triệu chứng nhất định, ảnh hưởng đến các ước tính về tỷ lệ mắc bệnh và các triệu chứng của nó.

Việc thiếu một định nghĩa ca bệnh lâm sàng chính thức, có thể cung cấp các tiêu chí để chẩn đoán COVID kéo dài, đã tạo ra những thách thức cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị những người bệnh có các triệu chứng dai dẳng.

Định nghĩa của WHO

Hội đồng của WHO bao gồm các bác sĩ lâm sàng, các nhà nghiên cứu, các nhóm bệnh nhân và các nhà hoạch định chính sách, đại diện cho các quốc gia khác nhau. Sau hai vòng khảo sát và thảo luận, hội đồng của WHO đã quyết định về thuật ngữ "hậu COVID-19" và định nghĩa sau đây:

"Tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS CoV-2 có thể hoặc đã được xác nhận, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu COVID-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Các triệu chứng phổ biến bao gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức nhưng cũng có những triệu chứng khác và thường có ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng có thể mới khởi phát sau khi hồi phục ban đầu sau đợt COVID-19 cấp tính hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu. Các triệu chứng cũng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian".

Định nghĩa này cũng bao gồm các triệu chứng khác như: Lo lắng, trầm cảm, đau nhức, thay đổi thính giác, khứu giác và vị giác.

WHO chuẩn hóa về 'COVID kéo dài' tạo thuận lợi cho  chẩn đoán, điều trị  - Ảnh 3.

Nhiều người bệnh phải chịu đựng các triệu chứng như mệt mỏi, đau nhức, sương mù não ... hậu COVID

Theo WHO, "Với một định nghĩa được tiêu chuẩn hóa, chúng tôi hy vọng sẽ sớm được công nhận về tình trạng bệnh. Nó cũng sẽ giúp các bác sĩ lâm sàng xác định bệnh nhân dễ dàng hơn và cung cấp cho họ sự chăm sóc thích hợp. Với định nghĩa được tiêu chuẩn hóa này, chúng tôi cũng sẽ có thể đo lường gánh nặng của căn bệnh này tốt hơn, giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về sự phổ biến của nó trên toàn cầu. Cuối cùng, chúng tôi hy vọng nó sẽ hỗ trợ và thúc đẩy nghiên cứu về chủ đề này. Việc có một định nghĩa duy nhất sẽ cho phép chúng tôi hiệp lực nghiên cứu toàn cầu và nâng cao hiểu biết có liên quan trên toàn cầu về tình trạng này. "

WHO cũng lưu ý rằng, họ hy vọng định nghĩa này sẽ còn được phát triển khi có nhiều nhà nghiên cứu tích lũy thêm dữ liệu về tình trạng bệnh. Hơn nữa, tuyên bố này cũng nhấn mạnh rằng có thể cần một định nghĩa riêng để mô tả tình trạng bệnh ở trẻ em.

Một số tồn tại

Tiến sĩ Al-Aly, Giám đốc Dịch vụ Nghiên cứu và Phát triển tại Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe Cựu chiến binh St. Louis, cho biết trên Medical News Today rằng, định nghĩa của WHO "chỉ dựa trên triệu chứng và đã bỏ qua rất nhiều biểu hiện do COVID-19 gây ra, bao gồm bệnh tiểu đường mới khởi phát, bệnh tim, bệnh thận. Hơn nữa, nó cũng tạo điều kiện cho chẩn đoán dựa trên ý tưởng rằng các triệu chứng không thể giải thích bằng một chẩn đoán thay thế."

Tiến sĩ Al-Aly lo ngại điều này làm cho COVID kéo dài trở thành một chẩn đoán loại trừ, có thể khiến cho người bệnh bị từ chối quyền lợi bảo hiểm từ các chính phủ và công ty bảo hiểm y tế v.v.

Định nghĩa của WHO về hậu COVID-19 cũng khác với định nghĩa mà một số cơ quan khác đang áp dụng, chẳng hạn như thời điểm bắt đầu tình trạng bệnh. Ví dụ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ sử dụng thuật ngữ "điều kiện sau COVID" để mô tả các triệu chứng của COVID-19 kéo dài sau giai đoạn cấp tính từ 4 tuần trở lên.

Khi được hỏi về sự khác biệt này, Tiến sĩ Al-Aly lưu ý rằng những mâu thuẫn này trong việc xác định tình trạng bệnh có thể dẫn đến sự khác biệt trong phương pháp nghiên cứu. Đáng tiếc những điều này vẫn tồn tại.

WHO: Hỗ trợ sức khỏe tâm thần phải là trọng tâm của kế hoạch phục hồi hậu COVID-19WHO: Hỗ trợ sức khỏe tâm thần phải là trọng tâm của kế hoạch phục hồi hậu COVID-19

SKĐS - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, đại dịch COVID-19 đã gây ra chấn thương hàng loạt trên quy mô lớn hơn cả Chiến tranh thế giới thứ II, sẽ ảnh hưởng tới cộng đồng trong nhiều năm tới.

Mời xem video đang được quan tâm:

Hướng dẫn F0, F1 cách tập thở và vận động tại nhà


Thu Minh
Ý kiến của bạn