SKĐS - Hiện nay, tình hình lây lan dịch bệnh bại liệt hoang dại đang trở thành một vấn đề y tế khẩn cấp, với nhiều trường hợp mới mắc bệnh tại 10 nước châu Á, châu Phi và Trung Đông.
Đặc biệt, trong số đó, có 3 nước chưa tiêu diệt được căn bệnh nguy hiểm đặc biệt cho trẻ em này là Afghanistan, Nigeria và Pakistan. Theo tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình bại liệt tại các khu vực trên đã lên tới mức nguy cấp tầm cỡ quốc tế.
Virus bại liệt hoang dại đang lan rộng trên phạm vi quốc tế
Cụ thể, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới mới đây đã tổ chức cuộc họp với các chuyên gia thuộc Ủy ban về tình trạng khẩn cấp theo Điều lệ Y tế quốc tế 2005 để cập nhật thông tin và đánh giá những tiến bộ gần đây trong việc phòng chống lan truyền quốc tế của virus bại liệt hoang dại trong năm 2014. Ủy ban đã khuyến cáo sự lây lan quốc tế của bệnh bại liệt cho đến nay là một sự kiện bất thường và là nguy cơ y tế công cộng đối với các quốc gia khác. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng này có thể dẫn đến thất bại trong việc thanh toán bệnh bại liệt trên phạm vi toàn cầu.
Tính đến cuối năm 2013, 60% các ca bệnh bại liệt là do sự lây lan quốc tế của virus bại liệt hoang dại và có thêm những bằng chứng cho thấy rằng những du khách góp phần không nhỏ trong việc lây lan bệnh này. Trong năm 2014 đã ghi nhận sự lan truyền quốc tế của virus hoang dại từ 3 trong số 10 nước hiện đang lưu hành bệnh gồm: Khu vực Trung Á (từ Pakistan đến Afghanistan), Trung Đông (từ Syri đến Irac) và ở Trung Phi (từ Cameroon đến Guinea).
Theo thống kê của Chương trình thanh toán bệnh bại liệt toàn cầu, tính từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận 68 trường hợp nhiễm virus bại liệt hoang dại (tăng 44 trường hợp so với năm 2013) tại 10 nước (Afghanistan, Cameroon, Guinea, Ethiopia, Israel, Nigeria, Pakistan, Somalia, Irac và Syri); trong đó, Pakistan ghi nhận số mắc nhiều nhất (54 trường hợp).
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, để ngăn chặn sự lây lan quốc tế của virus bại liệt hoang dại cần thiết phải có sự hợp tác ứng phó quốc tế. Đối với các nước đang có ca bệnh, ưu tiên hàng đầu là phải ngăn chặn việc lây truyền của chủng virus bại liệt hoang dại ngay tại nước đó một cách nhanh nhất thông qua việc áp dụng tất cả các biện pháp phòng chống, cụ thể là các chiến dịch uống vắc-xin bại liệt bổ sung (OPV), giám sát định kỳ virus và tiêm chủng.
Đối với các nước đang là nguồn làm lan truyền virus bại liệt hoang dại (Pakistan, Cameroon và Syri), Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các nước có dịch nên áp dụng yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đối với người dân muốn đi ra nước ngoài. Cụ thể, cần bảo đảm tất cả người dân và du khách lưu trú dài (trên 4 tuần) dùng một liều OPV hoặc IPV trong vòng 4 tuần đến 12 tháng trước khi đi ra nước ngoài; đối với những người phải đi nước ngoài ngay (trong vòng 4 tuần) mà trước đó chưa dùng OPV hoặc IPV trong vòng 4 tuần đến 12 tháng gần đây thì cần phải được sử dụng một liều vắc-xin bại liệt ít nhất ngay tại thời điểm khởi hành; bảo đảm du khách được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng theo Phụ lục 6 của Điều lệ Y tế quốc tế (2005) để làm căn cứ xác nhận đã được sử dụng vắc xin bại liệt.
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, việc ngăn chặn sự lây truyền virus bại liệt hoang dại là một vấn đề cấp thiết đối với sức khỏe cộng đồng của quốc gia. Nếu không hành động, thế giới có thể thất bại trong việc tiêu diệt căn bệnh nguy hiểm có thể phòng tránh bằng tiêm chủng vắc-xin này.
Việt Nam quyết tâm giữ vừng thành quả thanh toán bệnh bại liệt
Tại Việt Nam, bệnh bại liệt đã được công nhận loại trừ vào năm 2000. Cho đến nay, nước ta không ghi nhận trường hợp nhiễm virus bại liệt hoang dại. Để duy trì thành quả trên, ở nước ta, vắc-xin phòng chống bệnh bại liệt vẫn đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Trước tình hình lan truyền virus bại liệt hoang dại giữa các quốc gia (Afghanistan, Cameroon, Guinea, Ethiopia, Israel, Nigeria, Pakistan, Somalia, Irac và Syri) có diễn biến phức tạp và trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu, buôn bán giữa Việt nam và các nước trên thế giới gia tăng, Bộ Y tế Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, trung tâm y tế dự phòng và các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ sự xâm nhập của virus hoang dại vào Việt Nam (nếu có) để kịp thời ứng phó; đồng thời, duy trì việc tổ chức cho trẻ em uống vắc-xin phòng bệnh bại liệt đạt tỷ lệ cao để bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt tại Việt Nam.
WHO cảnh báo:
Bệnh bại liệt thường tấn công trẻ em dưới 5 tuổi và thường lây lan qua nước ô nhiễm. Hiện chưa có phương pháp chữa trị bại liệt, song có một số loại vắc-xin có thể phòng tránh bệnh này.
Các chuyên gia đặc biệt lo ngại hiện tượng virus bại liệt tiếp tục xuất hiện ở những nước trước đây chưa có bệnh này như Syria, Somalia và Iraq.
Trong 25 năm qua, thế giới đã đạt thành tựu lớn trong cuộc đấu tranh với bệnh bại liệt, giảm số trường hợp mắc bệnh từ 350.000 (năm 1988) xuống chỉ còn gần 420 trường hợp (năm 2013).