Hà Nội

WHO cảnh báo nguy cơ quay trở lại của cúm gia cầm A/H7N9

01-03-2017 11:04 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Với những ca nhiễm cúm gia cầm phân nhánh A/H7N9 đang xuất hiện ngày càng dày tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông (SAR) Trung Quốc,

Với những ca nhiễm cúm gia cầm phân nhánh A/H7N9 đang xuất hiện ngày càng dày tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông (SAR) Trung Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa có những thông tin mới nhất, kèm theo những khuyến cáo cần thiết giúp các quốc gia phản ứng nhanh với nguy cơ tái trở lại của loại dịch nguy hiểm này.

1. Cập nhật các trường hợp mắc bệnh

Theo WHO, bắt đầu từ ngày 5/1 /2017,  Bộ Y tế SAR đã phát hiện thấy một trường hợp người nhiễm cúm gia cầm phân nhánh A/H7N9, đó là một người đàn ông 62 tuổi đi du lịch đến Zengcheng, Quảng Châu, hôm 15/12/2016. Người đàn ông này được đưa đến một bệnh viện Đông Quan ngày 2/1/2017, do bệnh tình đã nặng lại muộn nên đã qua đời hôm 6/1/2017. Ngày 5/1/2017, qua thử nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR cho thấy các mẫu thử của bệnh nhân đều dương tính. Theo chính lời của bệnh nhân này thì gần đây ông ta không có tiếp xúc với gia cầm, kể cả gia cầm sống nên công tác điều tra hiện đang tiếp tục được thực hiện.

WHO cảnh báo nguy cơ quay trở lại của cúm gia cầm A/H7N9Bệnh nhân 79 tuổi nhiễm cúm A/H7N9 đang được điều trị tại Trung tâm y tế Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hôm 12/2/2017

Theo báo các của Ủy ban Y tế và Kế hoạch gia đình Quốc gia Trung Quốc (NHFPC), tính đến ngày 9/1/2017, đã có 106 trường hợp người nhiễm cúm gia cầm A/H7N9, căn bệnh chính thức khởi phát trở lại từ ngày 22/11/2016. Theo WHO, đến 7/2/2017 đã có hơn 340 người mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, tức chỉ sau hai tháng số ca mắc bệnh đã tăng đột biến, nguy cơ bùng phát là tiềm ẩn. Còn theo Cơ quan kiểm soát & Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) tính đến ngày 16/1/2017 số người nhiễm cúm A/H7N9 đã lên tới 918 ca, trong đó có 359 trường hợp tử vong.

NHFPC cho biết thêm dịch cúm A/H7N9 gia tăng mạnh từ cuối năm 2016 tại 13 tỉnh của Trung Quốc. Nếu tính từ khi xuất hiện năm 2013 đến nay, thế giới ghi nhận có trên 1.100 trường hợp mắc bệnh cúm A/H7N9, riêng Trung Quốc có 1.078 ca, Đài Loan 4 ca, Hồng Kông 16 ca, Malaysia 1 và Canada 2 ca.

WHO cảnh báo nguy cơ quay trở lại của cúm gia cầm A/H7N9

Liên quan đến căn bệnh này, hãng tin Anh Reuters cho hay, trong vòng 1 năm trở lại đây tại Trung Quốc có ít nhất 79 người tử vong do cúm A/H7N9, chỉ riêng trong một tuần từ ngày 6 đến ngày 12/2, tại Trung Quốc có thêm thêm 69 trường hợp nữa, trong số này có 8 ca tử vong. Hiện tại, NHFPC đã tăng cường số lượng bác sĩ và nhân viên y tế để theo dõi chặt chẽ dịch bệnh  bởi đây là chủng cúm có mức độ gây bệnh nhanh và độc tính lớn hơn so với các chủng cúm có trước.

2. Vài nét về phân nhánh cúm gia cầm A/H7N9

Virút cúm A phân nhóm H7N9 (Avian Influenza A/H7N9 Virus) là một serotype (kiểu huyết thanh) của virút cúm A (virút cúm gia cầm hay virút cúm chim). H7 thường lây truyền giữa các loài gia cầm với một số biến thể đôi khi cũng lây sang người. Năm 2013, lần đầu tiên tại Trung Quốc báo cáo có ca nhiễm virút H7N9 đầu tiên ở người. Hầu hết các trường hợp được báo cáo nhiễm ở người đều dẫn đến bệnh hô hấp nặng. Theo WHO, cúm A/H7N9 là một loại virút bất thường nguy hiểm nên không thể chủ quan được. Ngày 31/3/2013, NHFPC xác nhận 3 ca nhiễm A/H7N9 đầu tiên và ca tử vong đầu tiên liên quan đến cúm A/H7N9 được báo cáo là một người đàn ông 87 tuổi chết vào ngày 4/3/2013.

Bình thường, cúm A/H7N9 chỉ lây lan giữa các loại gia cầm (vịt, ngan, gà, ngỗng) và các loài chim. Triệu chứng thường thấy là bị viêm phổi nặng, ngoài ra còn có dấu hiệu như: sốt, ho và khó thở. Chỉ có rất ít trường hợp biểu hiện nhẹ như cảm cúm thông thường và tự khỏi. Phân nhánh H7N9 khác với H1N1 và cúm H5N1 ở chỗ phân nhánh A/H7N9 và A/H5N1 là virút cúm gây bệnh ở gia súc, gia cầm và rất hiếm khi lây sang người. Nguồn nhiễm bệnh được ghi nhận là do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với thịt gia súc gia cầm bị bệnh hoặc từ môi trường nhiễm bệnh (chim, chuồng trại nuôi nhốt chim, gia cầm). Các chuyên gia đã tìm thấy virút này trên vịt, gà, chim bồ câu và trong môi trường xung quanh tại các chợ gia cầm ở gần nơi những nơi có người bị bệnh được báo cáo. Mặc dù có một số các trường hợp, những người sống gần với người bị bệnh cũng có triệu chứng tương tự. Tuy nhiên đến nay, kể cả WHO lẫn CDC đều cho biết virút không lây trực tiếp từ người sang người.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine, virút cúm gia cầm  A/H7N9 phát triển từ 3 loại virút cúm khác. Theo đó, gen của 3 virút này hay nhiễm sắc thể của chúng được kết hợp trong một cách mới tạo thành virút H7N9 mới nên mức độ độc tính lây lan cao hơn so với các chủng cúm có trước. Khi hai loại virút tái sinh trong tế bào chủ duy nhất, nên loại virút mới có chứa gen từ cả hai virút gốc, khoa học gọi đây là “sự tái tổ hợp”, nó giống như xáo trộn một cỗ bài. Virút cúm có tám gen. Trong virút H7N9 mới, chỉ có một trong những gen từ virút H7N9 được biết đến trước đó, tìm thấy ở các loài chim hoang dã, đó là mã gen cho một protein gọi là neuraminidase (được đại diện bởi “N” trong H7N9). Một gen thứ hai trong các loại virút mới xuất phát từ một virút H7N3 thường được tìm thấy trong vịt. Đây là mã gen cho protein được gọi là hemagglutinin (“H” trong H7N9). Protein này được tìm thấy trên bề mặt của virút, đó là một phần của virút mà mọi người bị nhiễm virút tạo ra kháng thể để chống lại bệnh.

Cũng qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện thấy lý do tại sao con người, chứ  không phải chim lại bị nhiễm virút mới này. Lý do, các gen mã hóa có một đột biến cho phép các hemagglutinin liên kết với một phân tử đường được tìm thấy trong đường hô hấp ở con người, chứ loài chim không có cơ chế. Sáu gen còn lại của phân nhánh H7N9 có nguồn gốc từ virút H9N2 thường được tìm thấy ở các loài chim gọi là bramblings.

Virút cúm thường có xu hướng phát triển với một tốc độ nhanh đặc biệt, giống như sự tiến hóa của Darwin về steroid. Virút cúm có xu hướng tiến hóa theo hai thang độ thời gian khác nhau, trong đó có cơ chế “trôi dạt di truyền”, bao gồm việc tích lũy chậm chạp của những thay đổi di truyền ít gây ảnh hưởng, và thứ hai là “sự thay đổi di truyền”, đây là giai đoạn thay đổi sâu rộng, tạo ra một loại virút là hoàn toàn mới. Việc “tái tổ hợp” tạo ra một loại virút mới là thành quả của “sự thay đổi di truyền”, nói trên. Điều này đã được khoa học ghi nhận trong các đại dịch như dịch cúm Tây Ban Nha 1918, virút gây bệnh tiến hóa từ virút H3N8 để tạo thành virút H1N1. Hay sự xuất hiện của virút H2N2 gây ra dịch năm 1957, hoặc virút H3N2 gây đại dịch năm 1968.

3. Khuyến cáo phòng chống của WHO

Theo WHO, số lượng các ca mắc bệnh nhiễm cúm gia cầm A/H7N9 tăng đột biến tương tự như các năm trước (trong thời gian từ tháng 12 đến tháng Giêng). Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều tiếp xúc virút A/H7N9 từ gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm, kể cả thị trường gia cầm sống. Mặc dù có những ca mắc bệnh bao gồm cả nhân viên y tế, nhưng qua bằng chứng dịch tễ học và virút học hiện tại chưa có có khả năng  bệnh lây truyền giữa người với người.

WHO cảnh báo nguy cơ quay trở lại của cúm gia cầm A/H7N9Gà và chim là hai công cụ được xem  là lan truyền virút cúm  A/H7N9)

Theo CDC, trong khi rủi ro của virút H7N9 đối với sức khỏe cộng đồng là thấp, song nguy cơ phát triển dịch là rất tiềm ẩn vì virút cúm liên tục biến đổi di truyền làm cho nó dễ dàng lây lan thành đại dịch toàn cầu. Theo thẩm định bởi Công cụ đánh giá rủi ro cúm (IRAT), virút cúm A /H7N9 có mức độ gây đại dịch đầu bảng, lây nhiễm sang người do tiếp xúc với gia cầm và có thể lan sang các nước láng giềng do việc buôn bán động vật, gia cầm, kể cả động vật sống lẫn sản phẩm thịt và qua con đường du lịch.

WHO khuyến cáo nên tránh du lịch đến và đi tới vùng có dịch. Nếu có thể nên tránh đến các trang trại gia cầm, tiếp xúc động vật, vào các nơi giết mổ gia cầm, tránh tiếp xúc trực tiếp với cả vật dụng chứa gia súc gia cầm. Nếu phải tiếp xúc thì nên mang găng tay và xong việc nên rửa tay sạch bằng xà phòng. Gia súc gia cầm bị bệnh hoặc chết phải được tiêu hủy và báo cáo với cơ quan thú y tại chỗ. Tuyệt đối  không được chế biến, bán, rồi ăn sản phẩm gia súc gia cầm bị bệnh hay đã chết.

Du khách cũng nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, chấp hành tốt các quy định về an toàn và thực hành vệ sinh thực phẩm. WHO không khuyến cáo sàng lọc đặc biệt tại các điểm nhập cảnh liên quan đến virút A/H7N9, cũng như không khuyến cáo thực hiện bất kỳ hạn chế thương mại hay du lịch nào. Như mọi khi, một chẩn đoán nhiễm với virút gia cầm cần được xem xét ở những người có các triệu chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng trong khi đi du lịch trong hoặc ngay sau khi đi du lịch trở về từ vùng có dịch. WHO khuyến khích các nước tiếp tục tăng cường giám sát cúm, bao gồm giám sát các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng (SARI) và bệnh giống cúm (ILI) và phải xem xét cẩn thận khi người bệnh có bất kỳ hiện tượng sức khỏe nào theo quy định IHR của WHO công bố 2005 và sẵn sàng đối phó với trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, bao gồm cả việc phát triển vắc-xin.

Mặc dù cách lây lan của virút cúm H7N9 vẫn chưa được xác định rõ, nhưng mọi người vẫn phải chú ý các biện pháp phòng bệnh như rửa tay thường xuyên trước, trong, và sau khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và mỗi khí tiếp xúc với môi chất gây bệnh, sau khi chăm sóc người bị ốm hoăc khi có người nhà bị ốm. Vệ sinh hô hấp, như khi ho hoặc hắt hơi, che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế, hoặc khăn giấy hoặc dùng tay che lại. Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác đậy kín lập tức sau khi sử dụng. Sử dụng thực phẩm an toàn, đảm bảo ăn chín, uống chín, không ăn trứng sống, thịt sống, tiết canh, nem chạo.... Hạn chế tiếp xúc với gia súc, gia cầm sống, tuyệt đối không để trẻ em tiếp xúc với gia súc gia cầm bệnh bị bệnh, bị chết. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhất là sản phẩm từ Trung Quốc. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.


KHẮC NAM
Ý kiến của bạn