Tuy nhiên, bệnh lao hiện nay vẫn được đánh giá là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất.
Trong báo cáo về bệnh lao toàn cầu, WHO cho rằng các quốc gia cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để có thể đạt mục tiêu xóa sổ bệnh lao vào năm 2030. WHO cũng kêu gọi khoảng 50 nhà lãnh đạo các quốc gia tham dự kỳ họp cấp cao đầu tiên của Liên hợp quốc về bệnh lao, cam kết hành động quyết liệt để thực hiện mục tiêu này.
Báo cáo của WHO cho thấy, số ca nhiễm lao đã giảm trong năm 2017 với khoảng 10 triệu người mắc bệnh và 1,6 triệu người tử vong, trong đó có khoảng 300.000 người mắc HIV. Như vậy, tỷ lệ nhiễm giảm 2%/năm. Tình trạng chẩn đoán chưa chính xác hoặc không phát hiện kịp thời các ca nhiễm bệnh vẫn tồn tại như một thách thức lớn với công tác phòng và chữa căn bệnh nguy hiểm này.
Tuyên truyền cho người dân về cách phòng ngừa bệnh lao tại trạm y tế xã.
Trong số 10 triệu ca mắc bệnh lao mới do WHO phát hiện trong năm 2017 thì chỉ có 6,4 triệu ca được ghi chép chính thức trong các hệ thống quản lý quốc gia, 3,6 triệu ca còn lại hoặc là không được chẩn đoán hoặc là đã phát hiện ra nhưng không báo cáo. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến tại các quốc gia như Ấn Độ, Nigeria và Indonesia. Đáng chú ý, trong số 1 triệu trẻ em nhiễm lao năm ngoái thì chưa đến 500.000 ca được báo cáo chính thức.
Để nhanh chóng cải thiện quá trình phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao, WHO và các đối tác đã triển khai sáng kiến nhằm đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cho 40 triệu người nhiễm bệnh từ năm 2018 tới năm 2022 và tạo điều kiện tiếp cận biện pháp điều trị phòng ngừa cho ít nhất 30 triệu người trong giai đoạn này. WHO đặc biệt lưu ý điều trị phòng ngừa với nhóm bệnh nhân nhiễm HIV và trẻ em dưới 5 tuổi sống trong các gia đình có người thân nhiễm bệnh. WHO cũng đã ban hành những hướng dẫn mới nhằm đảm bảo nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ phòng ngừa cho nhóm dễ nhiễm bệnh. WHO sẽ tiến hành song song 2 nhiệm vụ gồm kêu gọi các cơ quan y tế xác định rõ những yếu tố nguy cơ và nguyên nhân phát bệnh, đồng thời hối thúc lãnh đạo các quốc gia đẩy mạnh cam kết, tạo động lực khuyến khích toàn dân cùng hành động.
Tại nước ta, những năm qua, công tác phòng, chống lao đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao mới, đạt tỷ lệ 81% số mắc mới hằng năm, cao hơn mức trung bình trên thế giới (61%). Duy trì tỷ lệ khỏi bệnh cao, hơn 92% cho người mới mắc lần đầu và 75% cho người mắc lao đa kháng thuốc nói chung và 80% cho người mắc lao đa kháng thuốc đơn thuần với phác đồ ngắn hạn, trong khi con số này trung bình toàn cầu là 52%. Đối với lao siêu kháng thuốc cũng đã có phác đồ điều trị mới và dần mở rộng trên phạm vi toàn quốc để khống chế tỷ lệ lây truyền lao kháng thuốc trong cộng đồng. Hiện nay, Chương trình phòng chống lao có thể điều trị cho tất cả các thể lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc với phác đồ ngắn hạn và phác đồ có thuốc mới mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Dự kiến năm 2019 sẽ thu nhận 4.050 và năm 2020 là 4.680 trường hợp.
Các kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao trong phòng chống lao tại Việt Nam, bao gồm kỹ thuật phát hiện vi khuẩn lao bằng máy Gene Xpert, kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật nuôi cấy nhanh... Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phát hiện chủ động trong nhóm người tiếp xúc và mở rộng cộng đồng đã cho kết quả rất tốt. Nếu phát hiện bằng Xpert trong cộng đồng người dân mỗi năm một lần, thì sau một năm có thể giảm 20% và sau 3 năm có thể 46% dịch tễ bệnh lao, cùng với tác động của chương trình thường quy đã làm giảm hơn 70% số mắc lao ở quần thể nghiên cứu trong vòng 4 năm. Đây là bằng chứng vô cùng quan trọng không những cho Việt Nam mà còn cả thế giới, về việc chấm dứt bệnh lao có thể đạt được nếu đầu tư đúng cách.
Đáng chú ý, hệ thống y tế phòng, chống lao và bệnh phổi toàn quốc cũng đã có 51 bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao cùng với các đối tác trong nước và quốc tế, tạo nên mạng lưới phòng, chống lao mạnh hoạt động rất hiệu quả, có thể áp dụng tất cả các thành tựu công nghệ mới vào Việt Nam.
Ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay, nước ta đưa ra chủ đề: “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030” để nêu rõ định hướng và mục tiêu cụ thể, đó là cơ bản chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030. Khi đó, với số dân khoảng 100 triệu người thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao một năm. Hơn nữa, Việt Nam được đánh giá là nước mở đường và mô hình thành công triển khai chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu. WHO nhận định, Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao.