Không tiêm vắc-xin
“Do dự tiêm vắc-xin” (tình trạng miễn cưỡng hoặc từ chối tiêm dù có sẵn vắc-xin) sẽ đe dọa và đảo ngược những tiến bộ đã đạt được trong việc giải quyết các bệnh có thể phòng ngừa.
Ví dụ điển hình nhất là bệnh sởi. Những năm gần đây, số ca mắc bệnh sởi trên thế giới tăng 30% cho dù đây là bệnh phòng được bằng vắcxin. Thực tế, các quốc gia gần như đã xóa sổ bệnh sởi giờ đây chứng kiến căn bệnh trỗi dậy. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này chính là do không tiêm vắcxin. Theo WHO, tiêm vắc-xin là một trong những biện pháp có hiệu quả nhất trong việc phòng tránh bệnh tật. Cụ thể, nó giúp ngăn chặn 2-3 triệu ca tử vong/năm và có thể tránh thêm 1,5 triệu ca tử vong khác nếu phạm vi tiêm chủng toàn cầu được cải thiện.
Mặc dù bệnh sởi là bệnh phòng được bởi vắc - xin nhưng những năm gần đây số ca mắc sởi đã tăng lên 30%, việc từ chối tiêm đã khiến căn bệnh này trỗi dậy và đe doạ sức khoẻ con người
Siêu khuẩn kháng thuốc
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc chống vi-rút và chống sốt rét đã tạo ra các siêu khuẩn kháng thuốc. Riêng năm 2017, có 600.000 người mắc bệnh lao kháng thuốc rifampicin (dược phẩm đặc trị lao hiệu quả nhất) và 82% trong số đó mắc bệnh lao kháng đa thuốc (MDR-TB).
Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu
Các chất ô nhiễm cực nhỏ trong không khí có thể xâm nhập hệ hô hấp và hệ tuần hoàn, gây tổn hại phổi, tim và não, cũng như khiến 7 triệu người chết sớm mỗi năm vì các bệnh như ung thư, đột quỵ, bệnh tim và phổi. Đáng nói là 90% dân số toàn cầu đang hít thở bầu không khí bị ô nhiễm. WHO dự đoán trong giai đoạn 2030-2050, biến đổi khí hậu sẽ gây ra thêm 250.000 ca tử vong/năm, do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và căng thẳng tinh thần vì nắng nóng.
Đại dịch cúm toàn cầu
WHO nhận định thế giới sẽ đối mặt với một đại dịch cúm khác, nhưng chưa thể chắc chắn về thời điểm nó diễn ra cũng như mức độ nghiêm trọng ra sao. Dự báo này được đưa ra sau khi WHO liên tục theo dõi sự lưu hành của vi-rút cúm để nhận diện các chủng có thể gây ra một đại dịch. Đến nay, có 153 tổ chức ở 114 quốc gia tham gia vào việc giám sát vi-rút cúm và phản ứng của giới chức y tế toàn cầu.
Địa điểm sống dễ thương tổn
Theo WHO, có trên 1,6 tỉ người - tức hơn 1/5 dân số thế giới - sống tại những khu vực khủng hoảng kéo dài như hạn hán, nạn đói, xung đột vũ trang... Đơn cử, hơn 1 triệu người dân Syria đã rời bỏ đất nước sang Lebanon để tránh nội chiến, nhưng họ lại lâm vào tình cảnh nguy hiểm khi lưu lạc xứ người.
Các dịch bệnh có mức độ nguy hiểm cao như Ebola
Vào thời điểm nhân loại nghĩ rằng dịch Ebola phần lớn đã được kiểm soát, thì 2 đợt bùng phát Ebola đã tàn phá nhiều vùng của CHDC Congo vào năm ngoái. Ngoài Ebola, các nhà khoa học cũng đang ưu tiên xử trí nhiều dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, Zika, bệnh Nipah, Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút corona (MERS-CoV) và Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS).
Bệnh không lây nhiễm
Hơn 70% số ca tử vong trên toàn cầu là do những bệnh không lây nhiễm như ung thư, tiểu đường và tim mạch. Theo WHO, 5 yếu tố rủi ro chính thúc đẩy sự gia tăng của bệnh không truyền nhiễm gồm: hút thuốc lá, ít vận động thể chất, dùng rượu bia quá độ, ăn uống không lành mạnh và ô nhiễm không khí.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là mối đe dọa ngày càng tăng trong vài thập kỷ tới mà WHO cũng cảnh báo. Một ước tính cho thấy 40% dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh này và có khoảng 390 triệu ca lây nhiễm mỗi năm.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu yếu kém
Thiếu cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu là thực trạng ở nhiều khu vực trên thế giới. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ toàn cầu bởi chăm sóc sức khỏe ban đầu là yếu tố có thể đáp ứng nhu cầu sức khỏe của một người trong suốt cuộc đời họ.
HIV
Tuy nhân loại đã đạt được nhiều được nhiều tiến bộ trong xét nghiệm và điều trị HIV, song khoảng 22 triệu người đang điều trị bệnh này, cùng 37 triệu người đang chung sống với HIV. HIV/AIDS vẫn tiếp tục hoành hành và khiến gần 1 triệu người chết mỗi năm.