Ngày 25/11, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Tuần lễ Nâng cao nhận thức về Kháng kháng sinh Toàn cầu để kêu gọi các cá nhân, tổ chức và cộng đồng cùng hành động để bảo vệ sức khỏe con người và động vật bằng cách ngừng việc sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách.
Bộ Y tế đã đề nghị tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc tăng cường nhận thức để ngăn chặn việc sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách góp phần ngăn ngừa kháng kháng sinh.
Tuần lễ Nâng cao nhận thức về Kháng kháng sinh Toàn cầu được tổ chức từ ngày 18 đến 24/11 hàng năm, nhằm mục đích nâng cao nhận thức về những nguy cơ do kháng kháng sinh gây ra và khuyến khích hành động của cộng đồng, nhân viên y tế, chủ sở hữu động vật và các nhà hoạch định chính sách để tránh sự xuất hiện và lây lan của các chủng vi sinh vật kháng thuốc.
Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, chủ đề của Tuần lễ Nâng cao nhận thức về Kháng kháng sinh Toàn cầu là "Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm cho tương lai: Một khu vực, Một phong trào đấu tranh chống Kháng kháng sinh", trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và cộng đồng cũng như việc chung tay hành động để chống lại Kháng kháng sinh để bảo vệ chính chúng ta, cộng đồng của chúng ta cũng như các thế hệ tương lai.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: "Kháng kháng sinh là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đối với Việt Nam, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và toàn thế giới. Kháng kháng sinh là mối đe dọa thực sự đối với sức khỏe cộng đồng – và nếu chúng ta không tăng cường nỗ lực để giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ nhanh chóng tiến tới một thế giới mà những bệnh nhiễm trùng thông thường không thể điều trị được và phẫu thuật thông thường có rủi ro cao vì nguy cơ nhiễm trùng khó kiểm soát hơn nhiều. Đó là một thế giới mà không ai trong chúng ta muốn sống,"
Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách, vì vậy bây giờ là lúc cần xem xét lại và đưa những nỗ lực của chúng ta trở lại đúng hướng để giải quyết vấn đề kháng thuốc.
"Để làm điều này, chúng ta cần thực hiện cách tiếp cận Một sức khỏe – tập hợp các ngành và các bên liên quan lại với nhau trong nỗ lực hợp tác để giải quyết gốc rễ của các vấn đề trong đó có tình trạng kháng kháng sinh. WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận và hiệu quả của các loại thuốc thiết yếu trong tương lai", Tiến sĩ Angela Pratt nhấn mạnh.
Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi không chỉ trong điều trị bệnh ở người mà trong chăn nuôi. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Việc sử dụng kháng sinh sai cách trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt là một mối quan tâm lớn, do nguy cơ xuất hiện và lây lan của các vi sinh vật kháng kháng sinh".
"Năm nay, chúng tôi một lần nữa kêu gọi người chăn nuôi tham khảo ý kiến của các chuyên gia thú y và chủ cửa hàng thuốc thú y trước khi sử dụng kháng sinh. Kháng sinh chỉ nên được sử dụng cho động vật khi thực sự cần thiết", ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho biết: "Kháng kháng sinh là một vấn đề toàn cầu. Các vi sinh vật và gien kháng thuốc không phân biệt ranh giới địa lý hoặc vùng sinh thái. Tính kháng thuốc phát sinh ở một vị trí địa lý hoặc một loài có thể dễ dàng lây lan sang các vị trí địa lý khác thông qua sự di chuyển của thức ăn, nguồn nước, động vật và con người. Chúng tôi cũng khuyến khích sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong chăn nuôi, điều này sẽ giúp giữ cho môi trường và thực phẩm của chúng ta không có dư lượng kháng sinh và vi sinh vật kháng kháng sinh".