Tại cuộc họp mới đây của Tổ chức y tế thế giới (WHO), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, ngày càng có thêm nhiều quốc gia nới lỏng các hạn chế. Dù số ca nhiễm COVID-19 giảm nhưng điều này không có nghĩa dịch bệnh đã được khống chế, thách thức vẫn còn ở phía trước.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lấy ví dụ: " Tại Hàn Quốc, các quán bar và câu lạc bộ đã phải đóng cửa khi xuất hiện một ca "siêu lây nhiễm " . Hiện hàng nghìn trường hợp có liên quan vẫn đang được truy tìm.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
Ngày 12/5, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết, số ca nhiễm liên quan đến ổ dịch ở khu phố Tây Itaewon, Seoul đã lên đến 100 người. Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại thủ đô Seoul, chính quyền thành phố này đã quyết định xử phạt nặng những người không đeo khẩu trang khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng đồng thời nâng mức phạt lên gấp 6 lần đối với người nước ngoài vi phạm lệnh tự cách ly. Việc ổ dịch Itaewon bùng phát cũng buộc Bộ Giáo dục Hàn Quốc quyết định lùi thời gian học sinh trở lại trường thêm một tuần nữa.
“Trong khi đó ở Vũ Hán, Trung Quốc đã xác định ca nhiễm đầu tiên sau khi được nới lỏng hạn chế. Đức cũng thông báo gia tăng các ca nhiễm mới ", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Ông Tedros kêu gọi các nước cần thận trọng trong bối cảnh phải giảm các hạn chế và khởi động nền kinh tế. Ông nói thêm rằng, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đức đều đã triển khai cơ sở hạ tầng giám sát như xét nghiệm và truy tìm trên diện rộng, từ đó giúp sớm phát hiện và cảnh báo các cơ quan chức năng trong trường hợp bệnh dịch quay trở lại.
Người đứng đầu WHO nhận định, bất kỳ quốc gia nào muốn bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế, cần kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo rằng hệ thống y tế của mình có thể đối phó với sự hồi sinh của dịch bệnh, có đủ năng lực xét nghiệm, truy tìm và đủ cơ sở hạ tầng để cách ly những người có tiếp xúc, ông Tedros nói.
Các quốc gia có thể áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt này, thậm chí là phong tỏa trở lại, để đáp ứng với khả năng bệnh dịch quay lại. Đây chính là khoảng thời gian cần thiết để các nước tăng cường khả năng kiểm soát , theo dõi, cách ly và chăm sóc bệnh nhân, tiến tới làm chậm sự lây lan của virus và giảm áp lực cho hệ thống y tế.