Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, trong bối cảnh đại dịch, nguồn cung vắc xin khan hiếm, nhiều nước đứng trước nguy cơ mua vắc xin giá quá cao qua các đơn vị trung gian. WHO cũng cảnh báo các nước nên mua vắc xin được WHO chứng nhận và đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Trợ lý Tổng giám đốc WHO về Tiếp cận Thuốc và y tế Mariangela Batista Galvao Simao chia sẻ tại một cuộc họp báo: “Chúng tôi đã nhận được những lo lắng về vấn đề các loại vắc xin được bán qua các trung gian với giá cao hơn nhiều so với giá thực tế mà các nhà sản xuất bán”.
Hiện nay, việc đóng vai trò trung gian mua vắc xin đã được nêu ra, đặc biệt sau thông tin về một nhà trung gian ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bị bắt quả tang khi bán vắc xin Sputnik cho Ghana và Pakistan với giá gấp đôi giá ban đầu.
Trong bối cảnh đại dịch, nguồn cung vắc xin khan hiếm, nhiều quốc gia gặp khó khăn trong tìm mua vắc xin
Bà Simao cho rằng các quốc gia nên mua trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc "liên hệ với nhà sản xuất để đảm bảo rằng bên trung gian là hợp pháp."
Chuyên gia y tế của WHO cho biết thêm: “Có rất nhiều sản phẩm liên quan đến dịch bệnh COVID-19 không đạt tiêu chuẩn và giả mạo đang được bán trên thị trường, vì vậy khi mua cần phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ”.
Bà Simao cũng cho rằng điều quan trọng là phải tiêm chủng cho người dân bằng các sản phẩm được WHO “chứng nhận”. “Lời khuyên của WHO là các quốc gia sử dụng vắc-xin đã được đưa vào danh sách khẩn cấp và phê duyệt sử dụng”, bà Simao nhấn mạnh.
Trợ lý Tổng giám đốc WHO về Tiếp cận Thuốc và y tế Mariangela Batista Galvao Simao
Thế giới cần 250 triệu liều vắc xin nữa vào tháng 9
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom, thế giới cần 250 triệu liều vắc-xin COVID-19 bổ sung vào tháng 9 để đảm bảo ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia nhận được vắc xin.
Đây là thông tin được Người đứng đầu WHO Tedros đưa ra tại sự kiện Cấp cao của Vương quốc Anh về tiếp cận công bằng với vắc xin COVID-19.
Ông cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia có thu nhập thấp vẫn đang vật lộn để tìm nguồn cung vắc-xin. “Hơn 2 tỷ liều vắc xin hiện đã được cung cấp trên toàn cầu, nhưng chưa đến một nửa được sử dụng ở các nước thu nhập thấp”, ông Tedros khẳng định.
Sự chênh lệch trong phân phối vắc xin đã làm dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lan rộng. Điều này sẽ tạo cơ hội cho sự xuất hiện của các biến thể mới làm vắc xin ngừa COVID-19 trở nên ít hiệu quả.
“Càng chia sẻ liều vắc xin càng sớm thì chúng ta càng sớm có thể tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới. Nếu làm điều này càng sớm, chúng ta càng có thể sớm kết thúc đại dịch và thúc đẩy một sự phục hồi toàn cầu”, Lãnh đạo WHO nhấn mạnh.