Bên lề hội thảo "Xây dựng chính sách về phòng, chống tác hại của rượu bia" diễn ra hôm nay (22/4) tại Hà Nội, PV Báo Suckhoedoisong.vn đã có cuộc trao đổi nhanh với các chuyên gia xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế:
Sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau và được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới.
Theo Thứ trưởng Sơn, sử dụng rượu, bia còn tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực kinh tế xã hội như bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, đói nghèo và gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội do liên quan đến các phí tổn về chăm sóc sức khoẻ, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Cho đến nay, mới có Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu và Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Song, đây mới là chính sách mang tính định hướng và cần được thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho hay, Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng dự thảo luật, sau nhiều nỗ lực, dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và hiện đang được tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 trong kỳ họp lần thứ 7 của Quốc hội dự kiến vào tháng 5/2019. Hiện nay, Bộ Y tế vẫn đang nỗ lực xin ý kiến các đoàn đại biểu quốc hội về dự thảo luật, đặc biệt là các giải pháp để kiểm soát, ngăn ngừa sử dụng rượu bia ở giới trẻ.
Bà Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế:
Tại Việt Nam, sử dụng rượu bia đang gia tăng ở mức báo động, nhất là gia tăng sử dụng bia, gây ra những tác hại nghiêm trọng về sức khoẻ, kinh tế, xã hội; thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với một số lợi ích về thu ngân sách, việc làm.
Việc ban hành Luật sẽ góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong đó có các mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp với các hiệp định thương mại quốc tế.
“Các nước tham gia WTO, CPTPP đều coi rượu bia không phải hàng hoá thông thường, đều có quy định về giảm tiêu thụ, giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu bia mạnh hơn Việt Nam. Kinh nghiệm các nước cho thấy các quy định nghiêm khắc chỉ có tác động từng bước giảm dần tốc độ gia tăng, duy trì sản lượng rượu bia (do tính gây nghiện, dân số tăng, người uống mới) nhưng đem lại các lợi ích vượt trội cho sức khoẻ người dân, giảm hậu quả, chi phí xã hội, phát triển đất nước bền vững.
WHO đã tính toán, chi 1 đô la cho kiểm soát rượu bia đem lại cho quốc gia 9,3 đô la” - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho hay.
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Bà Trang cũng cho biết thêm, quá trình xây dựng Luật phòng chống tác hại rượu bia có nhiều ý kiến đồng tình với việc cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ, hạn chế quảng cáo rượu bia. Bởi vì dù là rượu hay bia thì khi quy ra nồng độ cồn nguyên chất đều có cơ chế tác động đến sức khỏe như nhau nên cần có biện pháp kiểm soát đối với sản phẩm để giảm bớt tác hại.
Theo hướng dẫn của WHO, khi quy ra nồng độ cồn nguyên chất thì lượng rượu bia tiêu thụ vào cơ thể gây tác hại giống nhau. Ví dụ: Lái xe uống 1 lon bia, 1 ly rựou vang 30ml hay một chén rượu mạnh 15ml thì quy ra nồng độ cồn nguyên chất là như nhau, đều bị phạt và có nguy cơ gây hại với người tham gia giao thông. Do đó, không thể nói bia không gây hại như rượu được, nên cần cơ chế kiểm soát.
TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam:
Đồng quan điểm, TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam hết sức quan ngại về mô hình sử dụng rượu bia ở Việt Nam. Điều tra nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm năm 2015 cho thấy, 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá độ, đây là hình thức uống rượu nguy hiểm. Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam dẫn đến 79.000 ca tử vong năm 2016, hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị liên quan đến rượu bia.
TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.
Chuyên gia này cho hay, vẫn còn có sự nhầm lẫn khi cho rằng, người uống bia ít nguy hại hơn người uống rượu nhẹ và rượu mạnh. Bởi vì, các tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại hình đồ uống mà phụ thuộc vào tổng khối lượng ethanol và hình thức uống. Theo đó, 330ml bia hơi với độ cồn 4%, nghĩa là có 10 gram cồn. Số lượng cồn này cũng tương tự uống 1 ly rượu vang 13,5 độ, tương tự khi ta uống 1 chén rượu mạnh (30ml). Như vậy, không có ngoại lệ nào quy định về tiếp thụ rượu bia trên các loại hình đồ uống.
Ngoài gây hàng loạt bệnh tật ở người, việc sử dụng rượu bia còn làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông cho người lái xe, do cơ thể phản ứng chậm, sự phối hợp các hoạt động bị hạn chế, tầm nhìn ảnh hưởng. Việc sử dụng rượu bia gây nhiều hệ lụy hung hăng, bạo lực…
Tại Việt Nam, sản lượng rượu bia và đồ uống có cồn khác được sản xuất đang gia tăng nhanh qua các năm trong khi thế giới đang giảm dần. Năm 2015, Việt Nam sản xuất 3,4 tỉ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 250 triệu lít rượu thủ công.
Tỉ lệ sử dụng rượu bia ở VN đang ở mức báo động. Bình quân mỗi người VN tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn/người/năm, tỉ lệ nam giới và thanh thiếu niên sử dụng rượu bia đều ở mức cao, trong đó tỉ lệ nam giới sử dụng rượu bia ở mức có hại là vấn đề đáng báo động.
Các chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng rượu bia không phù hợp dẫn đến các hậu qủa bất lợi về sức khoẻ và xã hội cho cá nhân người uống cũng như những người xung quanh và cộng đồng.
Theo chuyên gia Vụ Pháp chế, kinh nghiệm tại Thái Lan, sau khi có các luật kiểm soát rượu, bia đã góp phần giảm 50% số vụ tai nạn giao thông (75.000 ca), tiết kiệm được hơn 6 tỷ đô la chi phí khắc phục hậu quả.