SKĐS - Bệnh vẩy nến hay còn gọi là bệnh “ung thư không chết”, được coi là căn bệnh nguy hiểm chưa rõ nguyên nhân và đến nay vẫn chưa có cách chữa trị tận gốc.
Ngày 26/5 được coi là “Ngày lịch sử với cộng đồng vẩy nến toàn cầu” khi nghị quyết về bệnh vẩy nến được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua tại Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 67. Theo đó, các quốc gia thành viên của WHO ghi nhận đây là căn bệnh “mạn tính, không lây, đau đớn, gây biến dạng và tàn tật, hiện chưa có cách chữa khỏi”. Nghị quyết cũng ghi nhận gánh nặng tâm lý, xã hội của căn bệnh này do nhiều người còn thiếu nhận thức và tiếp cận đầy đủ các phương pháp điều trị.
Vẩy nến là một bệnh viêm da mãn tính thường gặp, dễ tái phát do nhiều nguyên nhân, đa phần nặng hơn hoặc phát bệnh nhiều hơn vào mùa thu, mùa đông.
Nguyên nhân chính gây bệnh vẩy nến là di truyền, chiếm 1/3 người mắc bệnh, tuy nhiên tỉ lệ phát bệnh nặng hay nhẹ có liên quan mật thiết đến môi trường sinh hoạt.
Lây nhiễm là nguyên nhân thường gặp của vẩy nến, bao gồm vi khuẩn, nấm, cơ thể tác dụng không hoàn toàn rõ rệt. Nghiên cứu liên quan chứng minh, rối loạn trao đổi chất béo có liên quan đến bệnh vảy nến, nhưng cơ chế tác động còn chưa rõ ràng.
Bênh vẩy nến có tính tương quan rõ ràng với mùa, nghiên cứu chứng minh, tỉ lệ phát bệnh nhiều nhất vào mùa đông và dịp Tết. Ngoài ra bệnh vẩy nến cũng có liên quan đến hút thuốc, uống rượu và yếu tố tinh thần.
Chuyên gia khuyến cáo người bị vẩy nến nên hạn chế hút thuốc vì thuốc lá có thể kích hoạt tế bào trung tính hoạt động hóa giải oxydase, thay đổi sự trao đổi ô xy của thực bào, tăng phản ứng viêm, thúc đẩy giải phóng acid, làm bệnh nặng thêm.
Ở Việt Nam, vảy nến chiếm 3-5% tổng số bệnh nhân đến khám da liễu.
Tùy triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ phân vảy nến thành nhiều thể: chấm, giọt, đồng tiền, mảng, đỏ da, mụn mủ, khớp... Thể chấm, giọt, đồng tiền hoặc mảng khu trú thường lành tính, không ảnh hưởng gì lớn đến sức khỏe, chỉ gây ngứa khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân trong quan hệ gia đình, xã hội. Riêng các thể đỏ da, mụn mủ, viêm da thường kèm theo tổn thương nội tạng, tiên phát hoặc thứ phát, nếu không được điều trị, săn sóc tích cực, đúng đắn thì có thể gây chết người.
Vì nguyên nhân chưa rõ ràng nên điều trị còn khó khăn. Có thể nói, hầu như tất cả các loại thuốc đều đã được sử dụng trong điều trị vảy nến như: thuốc cổ điển (asen, bismut, DDS, novocain, vitamin), hiện đại (kháng sinh, corticoid, thuốc ức chế hoặc tăng cường miễn dịch, cyclosporin, interferon, interleukin...) hoặc thuốc kết hợp các chất chống viêm, bạt sừng, tạo da (kem có salicylic, gudron, corticoid, diprosalic, betnoval...). Chúng chỉ mang lại kết quả không chắc chắn, không bền vững và đại đa số vẫn không thể ngăn ngừa được tái phát.
Vì vậy, đối với bệnh nhân vảy nến, nhất là các thể rộng và nặng, thầy thuốc phải động viên họ kiên trì điều trị, thậm chí chấp nhận "chung sống hòa bình với bệnh". Sự lo lắng, bi quan, căng thẳng thần kinh vì nó càng làm bệnh thêm phức tạp, hạn chế kết quả điều trị.
GS Nguyễn Xuân Hiền
Giáo sư Wolfram Sterry, Chủ tịch Liên đoàn Da liễu Quốc tế (ILDS) khẳng định: “Là bác sĩ da liễu, tôi đã chứng kiến tận mắt bệnh vẩy nến tác động sâu sắc đến người bệnh như thế nào trong cuộc sống hàng ngày”.
Việc bệnh vẩy nến đươc quan tâm và công nhận là bệnh nguy hiểm trong Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 67 mang ý nghĩa quan trọng với những bệnh nhân đang phải đương đầu với căn bệnh này, tạo điều kiện cho đội ngũ y tế nghiên cứu sâu hơn để tìm ra phương pháp điều trị hữu hiệu.
Ông Lars Ettarp, Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Vẩy nến (IFPA) khẳng định: “IFPA, cùng với các hiệp hội thành viên và các tổ chức y tế hàng đầu từ lâu đã kêu gọi WHO công nhận tính nghiêm trọng của căn bệnh này.”.
Cũng trong khuôn khổ Đại hội, Đại sứ Alberto Navarro Brin, Phái đoàn Thường trực của Panama tại LHQ nói: “Chúng tôi hài lòng vì giờ đây bản nghị quyết này đã được thông qua và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với xã hội dân sự để góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho những người mắc bệnh vẩy nến.”
PV