Hà Nội

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về Ebola

08-08-2014 20:06 | Quốc tế
google news

WHO vừa công bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh do virus Ebola gây ra, yêu cầu cộng đồng quốc tế phối hợp để ngăn dịch bệnh này lan rộng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh do virus Ebola gây ra, yêu cầu cộng đồng quốc tế có phản ứng phối hợp để ngăn dịch bệnh này lan rộng.

tag-reuters-8-2224-1407484895.jpg
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Chan (trái) và trợ lý về vấn đề an ninh sức khỏe Keijj Fukuda trả lời họp báo sau cuộc họp kín dài hai ngày. Ảnh: Reuters

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho rằng nếu dịch Ebola lan rộng ra thế giới thì hậu quả là "đặc biệt nghiêm trọng" do tính nguy hiểm của căn bệnh.

"Một phản ứng phối hợp từ quốc tế là cần thiết để ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của virus Ebola", Reuters dẫn thông báo từ WHO sau phiên họp kín khẩn cấp dài hai ngày ở Geneva cho hay.

Keiji Fukuda, trợ lý Tổng giám đốc WHO, nhấn mạnh bằng những biện pháp đúng đắn và cách chữa trị phù hợp người nhiễm bệnh, sự lây lan của Ebola có thể được ngăn chặn.

AFP dẫn lời Tổng giám đốc WHO Margaret Chan cho biết dịch Ebola hiện tại là tồi tệ nhất trong suốt 4 thập kỷ qua. Bà Chan kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các quốc gia Tây Phi đối phó với dịch bệnh chết người này.

Theo AP, đợt bùng phát Ebola hiện nay còn kéo dài nhất trong lịch sử. WHO từng ra quyết định tương tự đối với dịch cúm gia cầm vào năm 2009 và bệnh bại liệt hồi tháng 5. WHO cho biết kể từ tháng 3 đã có hơn 1.700 ca mắc Ebola và ít nhất 932 trường hợp tử vong ở các quốc gia Tây Phi như Sierra Leone, Guinea, Liberia và Nigeria.

Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh ở Mỹ (CDC) đã nâng mức phản ứng với dịch Ebola lên mức cao nhất và khuyến nghị không di chuyển tới các quốc gia Tây Phi. Giám đốc CDC Tom Frieden, trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ hôm qua cho biết dịch Ebola hiện tại có thể ảnh hưởng tới nhiều người hơn tất cả các đợt bùng phát trước đó gộp lại.

Trong tình hình dịch Ebola có nguy cơ lan rộng, Bộ Y tế Việt Nam cũng ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh do virus Ebola với ba kịch bản có thể xảy ra gồm khi chưa ghi nhận ca bệnh, khi xuất hiện ca bệnh xâm nhập và khi dịch lây lan trong cộng đồng. Bộ Y tế còn đề nghị các cửa khẩu giám sát chặt người nhập cảnh trước tình hình dịch Ebola diễn biến bất thường.

Được phát hiện lần đầu vào năm 1976 và đặt tên theo một con sông ở Cộng hòa Dân chủ Congo, virus Ebola đã cướp đi sinh mạng khoảng hai phần ba số người nhiễm bệnh, trong đó có hai đợt bùng phát với tỷ lệ tử vong lên đến 90%.

Người nhiễm virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ hai đến 21 ngày, sau đó có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng. Tiếp đó, người bệnh ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan và thận, có thể gây xuất huyết nội và ngoại. Hiện chưa có vắc xin hay phác đồ điều trị căn bệnh này.

tag-reuters-7.jpg
Tình nguyện viên di chuyển thi thể bệnh nhân Ebola ở thị trấn Kailahun, Sierra Leone, hôm 18/7. Ảnh: Reuters

Theo VnExpress


Ý kiến của bạn