WHO: 40 giây có 1 người tự sát

11-09-2017 11:29 | Quốc tế

SKĐS - Có vô vàn lý do mà những người tự sát đưa ra để giải thích cho mong muốn “từ bỏ cuộc sống”. Tình trạng này đang ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của xã hội, khi mà sự tương tác giữa con người với con người chỉ qua một chiếc màn hình điện tử, những người muốn tự sát trở nên cô đơn giữa đời sống thật.

Ngày Thế giới phòng chống tự tử (10/9), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, cứ 40 giây lại có một ai đó trên thế giới này qua đời vì tự sát. Căn bệnh này đáng sợ còn hơn những bệnh thực thể khác, kể cả bệnh ung thư.  Ngày thế giới phòng chống tự sát năm nay có chủ để “Mất 1 phút, thay đổi 1 cuộc đời”.

Tại Nam Phi, từng ghi nhận có trường hợp tự tử là  một học sinh mới 8 tuổi, hay một ca sĩ nổi tiếng cũng từ bỏ cuộc sống hồi đầu năm nay. Vậy lý do gì mà một em bé mới 8 tuổi có hành động liều lĩnh như vậy hay một ca sĩ đang nổi tiếng thế giới cảm thấy không còn lý do gì để sống?.... Đây là câu hỏi khiến nhiều người trăn trở, hầu hết đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Tại Sri Lanka, nơi có số người tự sát đứng trong top đầu trên thế giới, cho rằng, vấn đề tự sát là một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm của y tế công cộng, thậm chí nó trở thành một phần của chương trình nghị sự về sức khỏe tâm thần của cả nước.

Tại Sri Lanka, có 3000 người tự tử vào năm 2015.  Người ta đã phát động một ngày đi bộ phòng chống nạn tự tử ở quốc gia này. Vào ngày này hàng trăm người sống sót sau tự tử, gia đình, bạn bè của những người tự tử đi bộ đồng hành để tượng niệm những người đã qua đời, hay những người đang phải hàng ngày, hàng giờ đấu tranh với ý muốn từ giã cuộc sống.

Vấn đề mà Sri Lanka và những quốc gia có số người tự tử cao đang gặp phải là làm cách nào để biết và ngăn chặn kịp thời những người có mong muốn tự tử, hay giúp đỡ các gia đình có người thân tự tử vượt qua các cú sốc tinh thần, hoặc cần ứng xử thế nào với những người đã tự tử không thành. Tất cả họ đều cần được sự hỗ trợ về y tế.

Giật mình vì các nguyên nhân dẫn đến tự tử

Đi tìm nguyên nhân mà mỗi người muốn tìm đến cái chết, một nhà tâm lý học, đồng Chủ tịch hội Phòng chống tự tử Sri Lanka - ông Niverdra cho biết, tự tử là loại bệnh tâm thần có thể gặp ở bất cứ ai, bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống. Họ là những người dễ bị tổn thương tâm  thần hơn những người khác. Các yếu tố về môi trường, di truyền, sinh học là những yếu tố kết hợp làm tăng nguy cơ tự tử mà thôi.

Tự sát là một hiện tượng vô cùng phức tạp, trong đó trầm cảm kết hợp với lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện là một trong những lý do phổ biến trong cuộc sống hiện đại khiến cho tình trạng tìm đến cái chết ngày càng tăng. Bên cạnh đó, cuộc sống trở nên cô đơn, không được giải tỏa cũng khiến con người dễ tự tử. Những áp lực về học hành, thi cử, xung đột giữa cha mẹ và con cái, các mối quan hệ, sợ hãi thất bại… khiến cho số người trẻ tuổi tự sát ngày càng gia tăng.

Đặc biệt, việc thiếu kỹ năng xử lý tình huống, các kỹ năng xã hội, giải quyết xung đột …. là một trong những nguyên nhân khiến cho vấn đề tự tử ở thanh thiếu niên cao. So với số người già tự kết liễu cuộc đời chủ yếu là do sự cô đơn, kỳ thị của con cái hay bệnh tật, người trẻ có lý do “ra đi” có phần bế tắc hơn. Nhiều người tự tử không thành cho biết, họ cảm thấy cô đơn ngay chính giữa những người thân yêu của mình, họ trở nên bị cô lập, mất phương hướng trong cuộc sống.

So với các bệnh thực thể khác, tự tử do cô đơn, trầm cảm đang trở thành một căn bệnh “truyền nhiễm” lây lan âm thầm mà không có thuốc chữa. Theo nghiên cứu, có tới 75% số người tự tử thường đưa ra nhữngc ảnh báo về ý định của mình với người thân trong gia đình, hay bạn bè của họ. Đây là lúc họ cần sự  quan tâm nhất, nếu sự quan tâm xuất hiện đúng lúc, những người này sẽ từ bỏ ý muốn tự sát. Nhiều quốc gia đã thành lập các đường dây nóng, tổng đài nhắn tin hay các trang fanpage để những người cô đơn tìm thấy nơi để chia sẻ, tránh bế tắc trong cuộc sống.

Nếu xuất hiện những dấu hiệu sau ở người thân, bạn bè, đồng nghiệp của bạn, hãy tìm cách giúp đỡ họ, bởi đây là những dấu hiệu cảnh báo sớm một người có ý định tự tử:

- Không quan tâm đến các hoạt động vui chơi

- Làm việc trong lo lắng, kích động

- Có những hành vi liều lĩnh, đột ngột

- Có thay đổi trong giấc ngủ, them ăn

- Thay đổi tâm trạng

- Thu mình, tự cô lập

- Lạm dụng rượu và chất gây nghiện

- Nói hay viết về cái chết

- Cảm thấy mình là gắng nặng đối với người khác, có ý nghĩ rằng nếu không có mình trên cuộc đời này sẽ tốt hơn.

- Cảm thấy bế tắc, mắc kẹt trong một vấn đề nào đó không có lối thoát.

- Cảm thấy tuyệt vọng

- Nói lời chia tay với gia đình, bạn bè…

Nếu gặp phải người có dấu hiệu kể trên cần lưu tâm, để ý, tâm sự nhiều hơn để giúp họ giải tỏa khỏi những ý nghĩ tiêu cực, tốt hơn hết cần tìm đến một chuyên gia tâm lý cho những bệnh nhân này.


Hải Yến
Ý kiến của bạn