Whitmore là căn bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, nhất là ở phổi, do bệnh tiến triển rất nhanh, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng hoặc suy hô hấp cấp và tỷ lệ tử vong rất cao. Trong hơn 1 năm trở lại đây, tại Việt Nam người ta thường nói nhiều về căn bệnh này nhưng để hiểu đúng và nhận thức rõ căn bệnh whitmore nguy hiểm như thế nào thì không phải ai cũng biết. Chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. BS Đặng Văn Khoa, Giám đốc Bệnh viện 74 Trung ương về căn bệnh này.
TS Đặng Văn Khoa - Giám đốc Bệnh viện 74.
Phóng viên: Xin ông có thể cho biết bệnh whitmore là gì, và mức độ nguy hiểm của nó đến đâu?
TS. BS Đặng Văn Khoa: Bệnh whitmore là bệnh do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei (vi khuẩn whitmore) gây ra. Thực tế đây là căn bệnh nhiễm trùng đã có từ lâu, bệnh cảnh lâm sàng của nó cũng giống nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác, nên thường bị chẩn đoán nhầm và bị các cơ sở y tế bỏ qua. Vi khuẩn gây bệnh whitmore sống trong đất ẩm và trong nước, xâm nhập vào cơ thể qua các vết xây xước trên da, hoặc qua đường hô hấp do hít phải các hạt bụi đất có chứa vi khuẩn. Vì đất là môi trường sinh sống tự nhiên của vi khuẩn nên khi mưa lũ về sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát tán vi khuẩn whitmore.
Đáp ứng miễn dịch của cơ thể với vi khuẩn whitmore rất phức tạp. Cho đến nay chưa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu để hiểu rõ về cơ chế này. Khi xâm nhập vào cơ thể vi khuẩn có thể gây bệnh ngay hoặc cũng có thể cư trú trong cơ thể rất lâu. Một số tài liệu cho rằng whitmore sống trong cơ thể hơn 50 năm chỉ chờ cơ hội phát bệnh. Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là những người mắc một số bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch như: tiểu đường, viêm thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan, nghiện rượu, sử dụng thuốc corticoid dài ngày ...., làm nghề nông, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước, sống ở vùng dịch tễ vi khuẩn Whitmore lưu hành.
Vi khuẩn Whitmore có thể gây bệnh ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể nhưng đặc biệt gây bệnh cấp tính ở phổi rất nguy hiểm. Biểu hiện gây bệnh ở phổi thường có các triệu chứng ho, đau ngực, khó thở, sốt, bạch cầu tăng cao hoặc giảm, chụp phim Xquang phổi thấy có tổn thương dạng viêm phổi lan tỏa hoặc có các ổ áp xe hoặc có tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ sốc nhiễm khuẩn ở bệnh nhân viêm phổi do whitmore khá cao, thường tử vong trong vòng 48 giờ nhập viện. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ khuyến cáo, viêm phổi do vi khuẩn whitmore tiến triển rất nhanh, bệnh nhân dẫn đến suy hô hấp cấp và tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh do whitmore lên tới 50-60%.
Phóng viên: Thưa ông, được biết whitmore là bệnh nguy hiểm, xin ông cho biết, bệnh này có thể gây thành dịch hay không và tại Bệnh viện 74 Tung ương đến nay đã phát hiện được bao nhiêu ca whitmore?
TS. BS Đặng Văn Khoa: Bệnh này làm tôi liên tưởng tới bệnh lao, do vi khuẩn lao gây ra. Vi khuẩn lao và vi khuẩn whitmore đều có thể tồn tại trong cơ thể rất lâu, chờ cơ hội bùng phát, điều trị bệnh lao và bệnh whitmore đều mất nhiều thời gian và cũng phải qua 2 giai đoạn tấn công và duy trì, cả hai bệnh này điều trị không tốt đều dễ tái phát. Nhưng bệnh whitmore thường gây bệnh cấp tính hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn. Mặt khác bệnh whitmore khó có thể gây thành dịch giống như bệnh lao vì đường lây truyền không dễ dàng như bệnh lao. Tuy nhiên nếu chúng ta không quan tâm đến bệnh này sẽ rất nguy hiểm: không chú ý phòng vệ dễ bị mắc bệnh, không nghĩ đến bệnh nên điều trị thất bại, điều trị không đúng sẽ dẫn đến bệnh tái phát...
Theo nhóm nghiên cứu của TS Trịnh Thành Trung, Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay ở Việt Nam đã xác định được một số địa phương có tồn tại vi khuẩn whitmore trong môi trường đất và có số lượng ca bệnh phát hiện trong bệnh viện. Tại tỉnh Vĩnh Phúc kể từ tháng 4/2016, chúng tôi đã phát hiện ca bệnh đầu tiên. Ở trường hợp đầu tiên, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm phổi tiến triển nhanh, điều trị kháng sinh không hiệu quả. Qua xét nghiệm nuôi cấy vi sinh, chúng tôi phát hiện thấy một loại vi khuẩn lạ, chúng tôi đã gửi xuống Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội để định danh bằng kỹ thuật giải trình tự ADN và được xác định chính xác đây là vi khuẩn whitmore, từ đó chúng tôi đã điều trị kháng sinh theo hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế, bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện.
Phóng viên: Whitmore là căn bệnh mới đối với Việt Nam chúng ta, vậy việc chẩn đoán bệnh whitmore có khó không, thưa ông? Xin ông cho biết, whitmore xâm nhập vào cơ thể như thế nào và gây bệnh ra sao?
TS. BS Đặng Văn Khoa: Thực ra bệnh whitmore không phải là bệnh mới ở Việt Nam nhưng là do trước đây ta chưa chú ý đến nó thôi. Gần đây đã được quan tâm hơn và đã có một số nghiên cứu về bệnh này. Chẩn đoán lâm sàng bệnh whitmore rất khó bởi vì bệnh cảnh của nó rất đa dạng, có thể gây các tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, ở da, cơ, ở phổi... giống như nhiều bệnh nhiễm trùng khác. Muốn chẩn đoán được phải nghĩ đến nó, chú ý đến các yếu tố nguy cơ gây bệnh, bằng kiến thức và kinh nghiệm thực tế của các bác sĩ và chẩn đoán xác định khi tìm được bằng chứng có vi khuẩn whitmore trong bệnh phẩm.
Whitmore xâm nhập qua các vết chầy xước da, niêm mạc, qua đường hô hấp, do con người hít phải, gây viêm và áp xe tại chỗ hoặc vào máu đến gây bệnh ở các cơ quan khác trong cơ thể. Người ta quan tâm nhiều nhất là gây bệnh ở phổi vì hay gặp, tỷ lệ tử vong cao và biểu hiện như một viêm phổi cấp tính, khu trú tạo thành ổ áp xe, lúc này bác sĩ dễ nhầm lẫn với viêm phổi, áp xe phổi do các loại vi khuẩn thông thường khác hoặc lao phổi.
Phóng viên: Hiện nay tại Bệnh viện 74 TW việc xét nghiệm và tìm vi khuẩn whitmore thực hiện như thế nào, bệnh viện có gặp khó khăn gì không ?
TS. BS Đặng Văn Khoa: Hiện nay với sự giúp đỡ của Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi đã làm chủ được quy trình xét nghiệm thường quy phát hiện vi khuẩn whitmore trong các mẫu bệnh phẩm máu và các loại dịch. Bên cạnh đó chúng tôi cũng được hỗ trợ kỹ thuật theo hướng dẫn quốc tế để thực hiện các xét nghiệm vi khuẩn từ các mẫu bệnh phẩm tạp nhiễm như đờm, mủ, nước tiểu.
Ngoài ra chúng tôi còn đang thử nghiệm phương pháp xét nghiệm nhanh kết luận bệnh nhân nhiễm whitmore trong khoảng 5 phút thay vì 4-5 ngày như quy trình xét nghiệm thường quy, định danh nhanh vi khuẩn bằng kỹ thuật ngưng kết miễn dịch trong khoảng 5 giây thay vì 24 giờ như quy trình thường quy. Tuy nhiên không phải trường hợp xét nghiệm nào cũng cho kết quả chính xác, cần phải dựa trên kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ, thậm chí phải nuôi cấy xét nghiệm nhiều lần mới phát hiện được bệnh.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, ông có khuyến cáo gì đến người dân hay làm cách nào để phòng chống được căn bệnh nguy hiểm này?
TS. BS Đặng Văn Khoa: Phòng bệnh whitmore rất khó, chưa có vacxin. Tuy nhiên tôi chỉ khuyến cáo rằng người dân khi tiếp xúc với đất và nước, lưu ý những vùng da bị xây xước, phải có biện pháp bảo vệ cho tốt. Những người nghiện rượu, mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, suy thận, suy gan cần thận trọng, đặc biệt với những người làm nghề sông nước, hoặc nghề nghiệp phải tiếp xúc với đất nhiều như nghề nông.
Khi có những biểu hiện viêm nhiễm ở bất cứ bộ phận nào mà chưa có chẩn đoán xác định cần phải nghĩ đến vi khuẩn whitmore. Khi phát hiện ra bệnh cần điều trị đúng cách, ít nhất 2 tuần dùng kháng sinh liều cao đặc hiệu với whitmore vì hiện nay whitmore kháng rất nhiều loại kháng sinh. Sau điều trị tấn công cần điều trị duy trì khoảng 3-6 tháng mới phòng được tái phát. Chi phí điều trị cho bệnh nhân whitmore rất tốn kém vì kháng sinh điều trị cho whitmore là kháng sinh đắt tiền và phải dùng dài ngày.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.