WEF Davos 2019: Dấu dấn Việt Nam ngày càng mạnh mẽ

27-01-2019 13:13 | Quốc tế

SKĐS - Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2019 vừa bế mạc tại Dasvos, Thụy sỹ với nhiều kết quả quan trọng. Tại diễn đàn, 75 quốc gia bắt đầu đàm phán về thương mại điện tử.

Đây cũng là dịp để các nước thảo luận về thúc đẩy tự do thương mại, kết nối các nền kinh tế trong bối cảnh cách mạng Công nghiệp 4.0 đang ào tới. Tham dự Diễn đàn Davos 2019, Việt Nam tiếp tục đưa ra nhiều ý tưởng mới, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế toàn cầu; được bạn bè quốc tế hoan nghênh.

Với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Hội nghị WEF Davos 2019 thu hút khoảng 3000 đại biểu, trong đó khoảng 50 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế tham dự. Nhiều phiên thảo luận diễn ra sổi nổi về các chủ đề nóng của thế giới, như kêu gọi siết chặt quản lý dữ liệu; vấn đề giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính….Đáng chú ý, đại diện 75 quốc gia trên thế giới cũng đã bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm đề ra các quy định toàn cầu mới về thương mại điện tử, nhằm tạo sân chơi mới bình đẳng và cùng có lợi cho các quốc gia.

WEF Davos 2019 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2019 tại Thụy Sỹ.

Với việc tham dự 37 hoạt động, Việt nam đều thể hiện sự chủ động, năng động và tích cực cùng các quốc gia đề xuất các ý tưởng mới. Việc Việt Nam đề nghị thành lập “Diễn đàn đối tác công - tư rộng mở về ứng phó với biển đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển” kêu gọi các quốc gia tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, chuyển giao công nghệ, huy động các nguồn lực và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường biển…đã để lại dấu ấn mạnh mẽ đối với cộng đồng quốc tế. Bởi lẽ, môi trường siêu kết nối trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội phát triển cho nhiều lĩnh vực, trong đó có bảo vệ biển - đại dương cho các quốc gia. Tận dụng những cơ hội từ Cách mạng 4.0 trong việc bảo vệ môi trường biển không chỉ giúp các quốc gia phát triển kinh tế biển, mà xa hơn còn phòng ngừa những thách thức về chủ quyền, an ninh quốc gia toàn cầu.

Một dấu ấn nữa cần nói tới đó là việc các nguyên thủ, các nhà lanh đạo quốc tế tiếp tục đánh giá cao những thành tựu mà nền kinh tế - tài chính Việt Nam đã đạt được. Đó không chỉ là con số tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 7,1%, nằm trong nhóm nước tăng trưởng cao nhất khu vực và toàn cầu; mà còn là những chính sách đúng đắn của Chính phủ Việt nam trong việc điều hành nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, xây dựng chính phủ kiến tạo và tiếp tục duy trì ổn định chính trị. Trong các buổi làm việc, nhiều nhà lãnh đạo thế giới trong đó có Tổng thống Thụy Sỹ, Thủ tướng Hà lan, Thủ tướng Nepal, các nhà sáng lập và điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới; Lãnh đạo các tập đoàn quốc tế hàng đầu về tài chính - hạ tầng thế giới, như Visa, Generali, Quỹ đầu tư Dubai và Ngân hàng phát triển Nhật Bản... coi Việt Nam là “một luồng gió mới tại khu vực ASEAN” với mong muốn kết nối, đẩy mạnh hợp tác đầu tư với Việt nam.

Xin nhắc lại rằng: kể từ thành công của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á (2010) và mới đây là Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) tháng 9/2018 ở Việt Nam, Việt Nam luôn là cụm từ được giới học giả quốc tế nhắc tới một cách trân trọng. Thậm chí, khi đánh giá về kết quả hội nghị WEF ASEAN 2018, Chủ tịch sáng lập WEF cho rằng đây là hội nghị thành công nhất trong 27 năm qua tại khu vực. Có thể nói, sự năng động bứt phá của nền kinh tế Việt Nam, việc đưa ra các ý tưởng mới mang tính kết nối và đột phá đã kiến tạo thành công một dấu ấn mới cho Việt nam trên bản đồ Davos nói riêng và các diễn đàn quốc tế khác nói chung. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2019 đã dành hẳn một phiên thảo luận về Việt Nam, cho thấy sự ghi nhận, quan tâm đặc biệt của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.

Từ thành công của WEF-Đông Á năm 2010, Năm APEC 2017 đến WEEF-ASEAN 2018, Việt Nam đã thực sự trở thành một điểm đến an toàn, tin cậy với năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế lớn và khả năng hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu.

Thành công của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2019 năm nay; những ý tưởng và đóng góp của đoàn Việt Nam đối với thành công chung của WEF Davos 2019 sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt nam với cộng đồng quốc tế, đưa Việt nam tiến xa hơn cùng cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực chung toàn cầu./.


N.Quang
Ý kiến của bạn