Hơn 2.500 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ và xã hội dân sự từ hơn 90 quốc gia tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới khai mạc vào ngày 27/1 tại Davos, Thụy Sĩ. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tai họa động đất tại Haiti sẽ đứng đầu nghị trình của diễn đàn.
Sự quyến rũ và rực rỡ truyền thống của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay sẽ không có nữa. Những người nổi tiếng như Angelina Jolie và Bono sẽ không đến Davos. Dù vậy, ông James Cameron, đạo diễn phim Avatar được nhiều người xem sẽ xuất hiện. Thế giới đang bận rộn vì cuộc khủng hoảng kinh tế, bởi những vấn đề như khủng bố, biến đổi khí hậu và thiên tai. Những mối quan tâm này được phản ánh bằng danh sách của những nhà lãnh đạo nổi tiếng trên các lãnh vực doanh nghiệp, chính phủ và xã hội dân sự đến dự hội nghị, và phản ánh bằng nghị trình thảo luận dày đặc. Ông Klaus Schwab, sáng lập viên đồng thời là chủ tịch chấp hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tuyên bố là thế giới trên căn bản đã thay đổi. Ông nói thêm là có một mối nguy thực sự khi thế giới đi từ cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế trong hai năm qua đến cuộc khủng hoảng xã hội trong năm 2010.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đồng thời cũng là đặc sứ của Liên hợp quốc tại Haiti sẽ cùng với Diễn đàn phát động một chiến dịch quan trọng để thu hút các doanh nhân tái thiết Haiti. Ông Robert Greenhill, Giám đốc quản trị Diễn đàn đồng thời là viên chức đứng đầu một doanh nghiệp cho biết diễn đàn muốn cộng đồng các doanh nghiệp cam kết lâu dài và bền vững để giúp Haiti bằng cách đầu tư vào những chương trình phát triển khác để Haiti có thể tăng trưởng và ra khỏi tình trạng nghèo khó.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. |
Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2010 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi ngày càng rõ nét với nhiều dấu hiệu khởi sắc. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đều tăng trưởng dương trong quý III/2009. Theo đánh giá mới nhất của Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF), kinh tế thế giới có thể tăng trưởng khá vào năm 2010. Tuy xu hướng phục hồi khó có thể đảo ngược, nhưng kinh tế thế giới còn nhiều bấp bênh và ẩn chứa các rủi ro. Theo nhiều đánh giá, thời kỳ phục hồi có thể kéo dài 3 - 4 năm. Những vấn đề hậu khủng hoảng như: chiến lược rút gói kích thích kinh tế, bảo hộ thương mại, nguy cơ bong bóng tài sản, diễn biến phức tạp của thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, khan hiếm nguyên nhiên liệu... có thể xảy ra, gây tác động tiêu cực cho tiến trình phục hồi kinh tế thế giới, nhất là các nước đang phát triển.
Diễn đàn Davos cũng dự trù đối phó với những vấn đề tồn tại sau hội nghị biến đổi khí hậu tại Copenhagen. Tổng thống Mexico Felipe Calderon, Chủ tịch hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc vào năm tới, sẽ tham dự những cuộc thảo luận chiến lược quan trọng nhằm thành hình những ý kiến mới để đưa vấn đề biến đổi khí hậu tiến tới.
Năm 2010, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng sẽ kỷ niệm 40 năm Hội nghị Thường niên WEF Davos. Qua 40 năm phát triển, Hội nghị WEF Davos đã khẳng định vai trò quan trọng như một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới để cùng nhau bàn thảo về những vấn đề then chốt toàn cầu (các xu thế vận động của kinh tế thế giới, mô thức tăng trưởng, các vấn đề quản trị nền kinh tế, quản trị doanh nghiệp, các vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu...) và cùng cam kết tăng cường hợp tác vì sự thịnh vượng chung. Hội nghị WEF Davos lần thứ 40 sẽ là một trong những sự kiện lớn nhất trong năm của thế giới. Tiếp nối mạch thảo luận của hội nghị năm ngoái, năm nay hội nghị sẽ tiếp tục phân tích và rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua nhưng với những định hướng cụ thể nhằm tìm kiếm sự phục hồi vững chắc của các nền kinh tế.
Phương Hà