Những ngày áp Tết, hàng trăm ôtô tải giăng thành hàng dài trên con đê sông Hồng, chờ vào thôn Vỵ Khê bưng đào, quất, sanh, si, lộc vừng...
Hết Tết, vào ngày thường, vẫn có hàng trăm người gánh sọt tới Vỵ Khê mua cây cảnh đem đi bán. Ngoài dân buôn sọt, còn có dăm bảy chiếc ôtô tải chở cây cảnh đi khắp nước, đến cả những nơi xa xôi như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên... để bán cho các công thự, tư gia, khách sạn sang, khu nghỉ dưỡng lớn để trang trí khuôn viên, sảnh đường, phòng khách.
Theo lời mách bảo của bác chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Nam Định, chúng tôi đến thăm thôn Vỵ Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực. Đây là thôn trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng cả nước. Thôn có 500 hộ dân, thì cả 500 hộ đều làm nghề trồng hoa, cây cảnh.
Cây cảnh, cây khế ở Vỵ Khê có mặt ở nhiều nơi trên đất nước ta. Ảnh: KM |
Ngoài nghề trồng lúa, mỗi hộ dân ở đây hằng năm thu lợi từ cây cảnh khoảng 40 triệu đồng, có hộ tới 200 triệu.
Người dân Vỵ Khê rất hãnh diện bởi vì nơi đây có ngôi đền thờ tướng công Tô Trung Từ, ông tổ nghề trồng cây cảnh, trồng hoa. Tôi bồi hồi dừng bước trước cửa đền, nhẩm đọc đôi câu đối chữ Hán đắp nổi trên hai cây cột gạch xây:
Tài thụ, chủng hoa, Tô tướng thủy;
Nguyễn trang, Vỵ xã, hiệu chi tiên.
Nghĩa là:
Trồng cây, ươm hoa là nghề do tướng công họ Tô khởi đầu;
Trang ấp họ Nguyễn ở thôn Vỵ là tên gọi thuở trước.
Tô Trung Từ là một nhân vật có tên trong chính sử nhà Lý, đã góp công dẹp loạn, đưa thái tử Sam lên ngôi, tức là vua Lý Huệ Tông (1211 - 1224), nên được phong chức thái uý phụ chính. Nhưng, là cậu ruột hoàng hậu, biết quá rõ cảnh triều chính rối ren, ông treo ấn từ quan, lui về ở ẩn tại thôn Vỵ Khê, bày dạy cho bà con cách uốn tỉa cây cảnh, chăm tưới hoa tươi, sống mộc mạc mà yên vui sau luỹ tre làng.
Nhà Lý suy vong, phải nhường chỗ cho một vương triều mới: nhà Trần. Vùng Tức Mặc, quê hương các vua Trần, trở thành một chốn phồn hoa chỉ sau kinh kỳ Thăng Long. Vỵ Khê, ngay từ dạo ấy, đã là nơi cung tiến hoa tươi, cây cảnh cho hành cung Tức Mặc.
Khắp nước Việt ta, tỉnh, thành phố nào mà chẳng có dăm ba làng hoa. Nhưng có lẽ Vỵ Khê là làng hoa cổ nhất.
Trong đôi câu đối chúng tôi vừa dẫn ở trên, vế thứ hai cho biết: thôn Vỵ Khê này vốn là trang ấp của họ Nguyễn có ông tổ là Nguyễn Công Thành, một danh tướng thời Ngô Quyền. Như vậy, có lẽ Vỵ Khê biết nghề trồng hoa, cây cảnh sớm hơn cả Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, Yên Phụ, Nghi Tàm, Nhật Tân... ở Thăng Long?
Từ đấy đến nay hơn một nghìn năm đã trôi qua, với biết bao “dâu bể”! Thế nhưng làng cây cảnh Vỵ Khê vẫn còn đó! Tôi chậm rãi dạo bước từ vườn cảnh nhà này sang vườn cảnh nhà kia, những thửa vườn xanh tươi, xum xuê cành lá la đà chạm vai. Đi giữa màu xanh điệp điệp, tôi như được “hít thở” tâm hồn thanh khiết của người xưa qua bao thế cây, dáng cành, hình lá. Những cây ô rô, bỏng nổ được cắt uốn rất khéo thành hình chim, thú. Con phượng kiễng chân, dang cánh sắp bay. Con cò co chân, vươn cổ. Và thần tình hơn cả là con nai nghiêng nghiêng đôi gạc, dường như đang ngơ ngác lắng nghe tiếng xào xạc từ nơi xa xôi nào đó vọng về, một chân trước co lên như đang hoảng hốt định bỏ chạy! Rồi những cây thế tuổi một vài trăm năm, giá mấy trăm triệu đồng! Cây thông dáng trực siêu. Cây bỏng nổ dáng hạc lập. Những cây sanh dáng mẫu tử tương thân hay phụ tử tương tùy... Qua tên gọi gợi cảm của các thế cây, tôi như thấu hiểu được phần nào triết lý nhân sinh của người quân tử thời xưa: chuộng sự thanh cao (hạc lập), cương trực (trực siêu) cùng nếp sống gia đình hoà thuận, với tình cảm mẹ con ôm ấp thân thương (mẫu tử tương thân), với sự dìu dắt của người cha đối với cậu con trai đang rụt rè dấn bước trên đường đời đầy chông gai, cạm bẫy (phụ tử tương tùy)...
Cũng có những cây sanh uốn thành hình Chùa Một Cột, Gác Khuê Văn, Tháp Phổ Minh... thật hệt, thật khéo, thật thần tình...
Ông cha ta xưa có những thú chơi tao nhã biết chừng nào!
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc thừa kế các thế cây truyền thống, sau khi nước ta đã vào Tổ chức Thương mại thế giới, thì bà con làm nghề cây cảnh ở Vỵ Khê và các làng trồng hoa, cây cảnh khắp nước ta cũng nên có “tầm nhìn toàn cầu”, nghĩa là cần tìm tòi, sáng tạo thêm những kiểu dáng mới lạ, độc đáo, mới mong có thể đua tranh với nghệ thuật bon-sai của Nhật Bản, hay nghệ thuật bồn tài (trồng cây trong chậu) của Trung Hoa (bao gồm cả Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan). Thật ra, từ bon-sai trong tiếng Nhật bắt nguồn từ chữ bồn tài trong tiếng Hán, có nghĩa gốc gác nghệ thuật trồng cây trong chậu nằm ở Trung Hoa. Hàng nghìn năm trước, người Nhật Bản đã học nghệ thuật này từ người Trung Hoa, nhưng về sau, họ có nhiều sáng tạo mới mẻ, độc đáo, khiến chính người Trung Hoa cũng phải nể trọng và tìm cách “học ngược lại”. Đó là điều thường thấy trong các quá trình tiếp biến văn hóa...
Rất thành công trong việc chăm trồng những thế cây truyền thống, tuy nhiên, trong thời buổi toàn cầu hóa, bà con Vỵ Khê và các làng hoa khác trên khắp đất nước ta cũng nên tìm tòi, sáng tạo thêm những thế cây mới lạ, độc đáo để có thể đua tranh với nghệ thuật bon-sai của Nhật Bản hay nghệ thuật bồn tài của Trung Hoa.
Vỵ Khê cũng như những vùng trồng hoa, cây cảnh khác ở nước ta - tất nhiên, trong đó có Đà Nẵng - cần mạnh dạn hướng tới thị trường khu vực và thế giới.
Hàm Châu