Vượt rừng sâu tìm thuốc

04-11-2015 06:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ở Kon Tum, khi nói đến chị người ta không chỉ biết đến một bác sĩ ân cần, niềm nở, tận tâm với người bệnh, tận tụy với nghề...

Ở Kon Tum, khi nói đến chị người ta không chỉ biết đến một bác sĩ ân cần, niềm nở, tận tâm với người bệnh, tận tụy với nghề; một người luôn lấy y đức làm đầu trong nghề nghiệp của mình, mà còn hiểu rất rõ công lao của chị khi cùng cộng sự sưu tầm và đưa vào “bộ sưu tập” 69 bài thuốc dân gian... Chị là Đoàn Thị Tuần, hiện đang công tác tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Kon Tum.

Năm 1991, tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Đoàn Thị Tuần đến nhận công tác tại BVĐK Kon Tum. Tại đây, chị được giao nhiệm vụ phụ trách khoa Đông y của bệnh viện. Ngày ấy, Kon Tum là địa phương mới được chia tách từ tỉnh Gia Lai - Kon Tum cũ, nên cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho việc khám và điều trị còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn nguyên liệu, dược liệu phục vụ chữa bệnh trong bệnh viện ngày càng cạn kiệt. Bằng  kiến thức được trang bị ở trường, cộng với niềm say mê tìm tòi nghiên cứu, chị Tuần cùng đồng nghiệp đã vượt qua tất cả những khó khăn để chẩn đoán và điều trị bệnh tật... Bên cạnh việc chăm sóc, điều trị cho người bệnh bằng các bài thuốc hiện có, chị đã cùng đồng nghiệp ghi chép, thống kê những cây thuốc, những bài thuốc có trong dân gian được các lương y ở các bản làng dân tộc thiểu số đã chữa trị khỏi bệnh kể lại, để sưu tầm vào “Bộ sưu tập” các bài thuốc quý dân gian của mình.

Vượt rừng sâu tìm thuốc

BS. Tuần luôn tận tâm với bệnh nhân, tận tụy với nghề.

Là người phụ nữ, người cán bộ quản lý của BVĐK Kon Tum, vậy nguyên nhân nào khiến chị bước vào con đường nghiên cứu, sưu tầm các bài thuốc dân gian? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, bác sĩ Tuần chia sẻ:

Rừng núi Bắc Tây Nguyên, nơi có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú; nơi mà phần lớn nhân dân sinh sống ở đây là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa, họ đã sử dụng các bài thuốc dân gian và phương pháp chữa bệnh theo cách truyền thống trong cộng đồng... Xuất phát từ tình hình thực tế ấy, chị đã nảy sinh ý tưởng sưu tầm các cây thuốc quý trong dân gian để truyền bá và lưu giữ. Ngay sau khi có ý tưởng ấy, chị đã trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Văn Tập (công tác tại Viện Dược liệu - TG), được bác sĩ Tập động viên, khích lệ. Tháng 4 năm 2012, chị đã cùng các hội viên Hội Đông y Kon Tum triển khai thực hiện Đề tài “Điều tra sưu tầm các bài thuốc dân gian tại Kon Tum”; với mục đích sưu tập những bài thuốc hay, những cây thuốc quý sẵn có trong dân gian hiện đang được bà con các DTTS dùng để chữa bệnh để truyền bá và lưu giữ.

Để thực hiện thành công ý tưởng của mình, chị đã đến 36 thôn (làng) thuộc 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum, chọn những người có độ tuổi từ 30 trở lên, có khả năng nhận biết và sử dụng một số bài thuốc nam chữa bệnh theo kinh nghiệm để điều tra, phỏng vấn và ghi chép. Từ tháng 2 đến tháng 9 năm 2012, chị và các cộng sự đã gặp gỡ, trao đổi với gần 500 người. Suốt gần 8 tháng trời ghi chép, phỏng vấn và sưu tầm, đã có 53 bài thuốc dân gian được chị đưa vào bộ sưu tập của mình. Bên cạnh việc tìm hiểu các bài thuốc dân gian đang được bà con sử dụng chữa bệnh hàng ngày, mỗi lần bắt gặp bệnh nhân chữa khỏi các loại bệnh khó chữa, nghe họ kể lại công dụng của các cây thuốc ở các tỉnh lân cận, dù xa xôi đến mấy chị cũng tìm đến tận nơi để sưu tầm. Chính vì thế, đã có 16 bài thuốc chữa bệnh dân gian ở các địa phương lân cận được chị sưu tầm. Đó là các cây thuốc, những bài thuốc và phương pháp chữa bệnh dân gian truyền thống. Những bài thuốc này được truyền dạy trong gia đình, dòng tộc hoặc trong các cộng đồng dân tộc khác nhau, ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Những bài thuốc ấy, được chị phân loại thành từng nhóm riêng. Ví dụ: chữa các bệnh tiêu hóa (9 bài); chữa các bệnh về khớp xương (8 bài); chữa các bệnh mẩn ngứa, dị ứng (7 bài); chữa các bệnh lao hạch, giải độc, đau mắt đỏ (11 bài) v.v... Trong đó, một số bài thuốc rất có giá trị trong nghiên cứu y học. Đó là bài thuốc ngừa thai cho phụ nữ bằng lá cây gừng núi; giải độc lá ngón của cộng đồng người dân tộc Jẻ Triêng ở xã Đăk Choong (huyện Đăkglei); bài thuốc chữa bệnh hắc lào bằng cây kiến cò; chữa đau khớp bằng cây thuốc của dân tộc Mường ở xã Đăk Long (huyện Đăkglei); bài thuốc chữa bệnh đau lưng bằng quả chuối hột rừng của dân tộc Gia Rai v.v... Theo chị, đây là những bài thuốc đơn giản và dễ sử dụng trong các gia đình; có nguồn gốc từ thực vật, cây cỏ ta thường bắt gặp, hoặc những loại rau, cây ăn quả mình ăn uống hằng ngày.

Chị Tuần chia sẻ: Trong một chuyến công tác tại xã Đăk Choong (huyện Đăk Glei), được chị Y Thủy (dân tộc Giẻ Triêng), công tác tại Hội LHPN xã cho biết: Phụ nữ Giẻ Triêng ở đây thường sử dụng lá một loại cây mọc trên núi lá rất giống lá gừng (chị gọi là gừng núi) để ngừa thai. Vậy là chị đã ghi chép lại và đưa vào bộ sưu tập của mình. Hay như trong một lần đến xã vùng ven thành phố Kon Tum công tác, chị đã bắt gặp một người phụ nữ lành lặn đôi tay sau hàng chục năm trời mắc bệnh tổ đỉa nhưng chữa trị khắp nơi không khỏi. Qua trao đổi với người phụ nữ này, chị biết được để khỏi bệnh tổ đỉa người phụ nữ kia đã dùng củ sâm đại hành...

Thành công là vậy, nhưng chị và các cộng sự đã gặp không ít khó khăn trong việc sưu tầm. Đó là đường sá đi lại tại các làng đồng bào DTTS phức tạp; nhiều cây thuốc, bài thuốc có rất nhiều công dụng nhưng bà con DTTS lại không biết tên. Khó khăn nhất là việc “bất đồng ngôn ngữ” nên khi tiếp cận với những người lớn tuổi (người già, thành phần có kinh nghiệm chữa bệnh bằng lá rừng - TG) rất khó; một số phương thuốc bí truyền không được họ tiết lộ vì liên quan đến “bát cơm, manh áo” của họ...

Khi được hỏi: Khó khăn là thế, nhưng động lực nào khiến chị đam mê tìm tòi nghiên cứu và sưu tầm các cây thuốc, những bài thuốc dân gian và trở nên thành công đến vậy?

Chị Tuần chia sẻ: Qua thời gian công tác cho thấy, hiệu quả từ các bài thuốc dân gian đem lại cho người bệnh rất cao nhưng lại không có tác dụng phụ như khi mình sử dụng thuốc Tây. Trong khi, Kon Tum là địa phương phong phú nguồn dược liệu, rất nhiều cây thuốc dân gian được bà con dùng để chữa lành bệnh tật. Bên cạnh đó, các vườn thuốc Nam chưa phát triển, nguồn dược liệu tại các bệnh viện, các trung tâm y tế thường phải nhập từ bên ngoài vào với giá thành ngất ngưởng... đã khiến mình đam mê với đề tài này.

Hơn 24 năm gắn bó với nghề, say mê nghiên cứu, sáng tạo trong khám và điều trị bệnh tật, tận tâm với bệnh nhân, tận tụy với nghề... tháng 8 năm 2013, chị được đề bạt giữ chức Phó Giám đốc BVĐK Kon Tum kiêm Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 59 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), chị là người phụ nữ duy nhất ở Kon Tum được tặng thưởng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”. Đây là vinh dự, là niềm vui lớn lao của người thầy thuốc Việt Nam. Nhưng, theo bác sĩ Đoàn Thị Tuần, niềm vui lớn lao hơn cả là chữa trị khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhân khi tìm đến với mình và hoàn thành Đề tài “Điều tra sưu tầm các bài thuốc dân gian tại Kon Tum”. Khi chúng tôi viết bài này, cũng là lúc được chị báo tin vui bởi mới đây đã sưu tầm được một bài thuốc quý chữa bệnh viêm đại tràng, được người ta đặt tên là cây đậu.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn gửi đến bác sĩ Đoàn Thị Tuần lời chúc tiếp tục thành công trong sự nghiệp của mình, liên tục sưu tầm được nhiều bài thuốc quý có trong dân gian. Cống hiến của chị cho ngành Đông y Kon Tum có thể xem là “Sự hy sinh thầm lặng” của người bác sĩ nơi cực Bắc Tây Nguyên.

  Bài, ảnh: TRẦN NAM CAO

 


Ý kiến của bạn