Vượt qua “thần chết” bằng thơ

07-06-2010 09:05 | Văn hóa – Giải trí
google news

Ông là người đặt nền móng cho nền y học hạt nhân ở Việt Nam, đồng thời là người thực hiện “sứ mệnh” dùng phóng xạ để khắc trị bệnh nan y.

Ông là người đặt nền móng cho nền y học hạt nhân ở Việt Nam, đồng thời là người thực hiện “sứ mệnh” dùng phóng xạ để khắc trị bệnh nan y. Thế nhưng, cả đời “ăn phóng xạ, ngủ phóng xạ” đã khiến cái chất quái ác ấy “bám” vào ông như một trò đùa trớ trêu của số phận. Ngạc nhiên là đã 15 năm sống chung với bạo bệnh ung thư, Đại tá, Tiến sĩ Lê Bảo Toàn vẫn khoẻ. Lý giải điều ấy, ông bảo, đó là nhờ những vần thơ phơi phới yêu đời...

“Nghiệp” phóng xạ

Ông đã khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Kinh ngạc ngay từ cái vẻ ngoài lãng tử, kinh ngạc ngay từ cái cách ông nói chuyện tếu táo, bông đùa. Nhìn ông, chẳng ai dám nghĩ ông là một thầy thuốc, đặc biệt lại là đại tá quân đội. Ông như một lão nghệ sĩ gàn, lãng du giữa đời, lãng du giữa thơi thới những niềm vui bất tận.

Ông sinh năm 1947, ở xứ nhãn Hưng Yên, nguyên Chủ nhiệm bộ môn khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện 103. Đang là sinh viên năm thứ 5 của Đại học Y khoa Hà Nội, bởi sức học tuyệt vời, ông được nhà trường cho học tiếp Đại học Tổng hợp, Khoa Vật lý hạt nhân. Năm đó, ông 22 tuổi. Và cũng từ năm đó, hạt nhân nguyên tử đã bám chặt lấy đời ông. Tốt nghiệp xuất sắc, ông được Đại học Y khoa mời làm cán bộ giảng dạy cũng với chuyên môn hạt nhân mà mình đã học, đồng thời tham gia công tác tại Khoa Y phóng xạ, Bệnh viện Bạch Mai.

Chiến tranh, Tổ quốc vẫy gọi, ông vào quân ngũ, lăn lộn ở khắp các chiến trường Bình Trị Thiên. Đất nước thống nhất, vẫn “cái nghiệp hạt nhân”, ông vào Sài Gòn, chung sức khôi phục Khoa Y học phóng xạ, Bệnh viện Chợ Rẫy. Cái thiên duyên với “phóng xạ” càng trở lên thắm thiết khi năm 1978, ông được Nhà nước cử sang CHDC Đức để hoàn thành đề tài nghiên cứu y học phóng xạ bấy lâu ấp ủ của mình. Về nước, với tất cả những gì được học, được nghiên cứu, ông đã gắn bó với Bệnh viện 103, Học viện Quân y cho tới ngày nghỉ hưu (2008).

Ngần ấy năm tiếp xúc với phóng xạ, đã chữa chạy cho hàng nghìn bệnh nhân không may vướng phải căn bệnh ung thư chết người. Và, cũng chính bởi đam mê ấy, phận buồn đẩy đưa, chính bản thân ông đã mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo này. Ông bị ung thư vòm họng. Đại tá, TS. Lê Bảo Toàn kể, ông phát hiện ra mình bị bệnh 15 năm trước. Mấy chục năm tận thấy những đau khổ, suy sụp của bệnh nhân ung thư nên khi điều tồi tệ ấy đến với mình, ông bảo, ông cũng không tránh khỏi bàng hoàng. Sáng ấy, sau khi chẩn đoán chính xác bệnh xong, như người mất hồn, ông lang thang khắp phố. Ông mông lung nghĩ về cuộc đời, về những người thân thiết và nghĩ về cái chết. Thế nhưng, trong thời khắc tận cùng của tuyệt vọng ấy, bản tính yêu đời, ham sống trong ông bùng dậy, mạnh mẽ hơn bất cứ khi nào. Vào quán, làm một bữa thật no rồi ông đi thẳng tới bệnh viện. Ông hạ quyết tâm sẽ chiến đấu tay đôi với căn bệnh này tới cùng, như một võ sĩ lì đòn trên võ đài máu lửa.

 Đại tá, Tiến sĩ Lê Bảo Toàn chăm sóc người con gái tật nguyền.

Dùng thơ... trị bệnh

Ông bảo, đời ông, ngoài “người bạn phóng xạ” ra thì ông còn có một tri âm khác. Tri âm đó là thơ bởi với thơ, ông thấy mình như một đứa trẻ đang nhảy nhót nô đùa với những bến vui tít tắp. Từ khi mang trên mình bạo bệnh, “người bạn thơ” đã ở bên ông nhiều hơn để cùng ông “chung tay chung sức” vượt qua cơn bĩ cực của đời. Ông làm nhiều thơ, và từng xuất bản nhiều tập thơ gây xúc động lòng người. Trong số những tập thơ ấy, phần nhiều là ông viết về “cái ốm”, viết về nỗi thống khổ khi gánh trên vai bạo bệnh kinh hoàng. Thế nhưng, trong tất cả các bài thơ... ốm trên, tất cả đều toát lên một niềm tin, yêu cuộc sống, tất cả đều lấp lánh “ánh sáng nơi cuối đường hầm”.

Ông bảo, ung thư như quả bóng căng hơi, nếu còn sức “đấm” thì nó xẹp lại, nếu buông xuôi, nó sẽ phồng lên và rất nhanh đưa người bệnh về... bên kia thế giới. Vì thế, ông tuyên chiến với “Cái ốm” rất quyết liệt: Vật nhau, ừ thì vật nhau/ Cuối cùng cũng phải thắng thua rõ ràng/... 

Vợ con ông thương ông lắm. Thấy vợ con bi quan vậy, ông thấy lòng mình cũng đầy một nỗi tê tái. Không muốn thấy mọi người vì mình mà phải hoang mang, lo lắng ông đã vội vàng “khép phòng văn” để “chế tác” thơ trấn an tư tưởng mọi người. Bài thơ ấy cũng là một lời tuyên chiến của ông với căn bệnh hiểm nghèo này. “Bị ung thư đâu phải đời đã hết/ Khép trần gian tìm cực lạc hư vô/ Bị ung thư đâu phải sinh lực cạn/ Mà chỉ là thử thách gặp bất ngờ/ Bị ung thư dẫu nhọc nhằn chút ít/ Đời thử ta ta lại phải chống đời/ Vẫn biết vậy con người- số phận/ Phải vượt lên cuộc sống mà thôi”... (Phải vượt).

Về sự lạc quan của mình, ông bảo, nó không những là liều tiên dược giúp ông vượt qua bệnh tật mà nó còn vô cùng hữu ích trong công việc của mình. Làm bác sĩ, cùng các bệnh nhân chống chọi với căn bệnh chết người này, ông muốn mọi người làm theo mình bởi đó là “miếng võ tuyệt chiêu” trong cuộc chiến giữa sự sống và cái chết. Bây giờ, các bệnh nhân ung thư đến điều trị tại Bệnh viện 103 vẫn còn truyền tại nhau một bài thơ hài hước nhưng đầy... triết lý của ông. Bài thơ ấy ra đời khi ông đến thăm một bệnh nhân tuổi mới ngoài đôi mươi. Khi biết mình mắc bệnh, bệnh nhân này đã rất chán nản, thậm chí nhiều lúc còn định tìm đến cái chết đê... giải quyết số phận. Tới thăm, sau những lời động viên ăm ắp ân tình, ông đã phóng tác một bài thơ để tặng “người cùng cảnh ngộ” ấy. Thơ rằng: “Sau khi ta chết rồi/ Nhà người khác đến ở/ Đài người khác đến nghe/ Xe người khác đến đi... Con hư người ta đánh/ Lại còn mắng cả ta/ ốm nghĩ gần nghĩ xa/ Chả dại gì mà chết!” (Chết là thiệt). Những vần thơ ấy mộc mạc, mộc mạc như những tâm sự của hai người bạn chí thân, nhưng các bệnh nhân ở đây bảo, ấy là thơ... truyền đạm, bởi nó tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho những người “thuyền đời” không may lạc vào “bến rủi”.

Niềm thương chôn kín

Sự hồn nhiên với đời của ông khiến những người đối diện ngạc nhiên. Thế nhưng từ sau ánh mắt lúc nào cũng hơn hớn tươi vui ấy vẫn hiện lên những chớp buồn tê tái. Không chỉ riêng bản thân ông, các con ông, dù ít nhiều đều mang trên mình di chứng. Nặng nhất là cô con gái thứ hai. Chất độc kinh hoàng đã khiến cô như người tàn phế. Cô phải thở bằng lỗ nhỏ ở khí quản và chân tay lúc nào cũng run bắn, không làm được bất cứ việc gì... Ông bảo, làm cha, ai chẳng thương con và nhìn các con như vậy thì yên lòng sao được. Bởi thế, hiểu ông mới biết, ở ông, đằng sau những tiếng cười tưởng như trọn vẹn là le lói những nỗi buồn, là những giọt nước mắt mà ông cố nuốt vào trong. “Mình buồn, mình đau đớn thì biết làm cho mọi người vui. Chứ cứ ủ rũ như nhau thì sống thế nào!”. Gượng cười, ông thổ lộ.

Và ông đã chuẩn bị... “phần kết” cho mình bằng một bài thơ... phơi phới lạc quan. “... Tôi xin chào tất cả ngọt cay/ Xin chớ thương đau chớ ngậm ngùi/ Bởi tôi đã hiểu, đời qui luật/ Đã trọn với đời, với mộng tôi/ Quan tài là những vần thơ đẹp/ Hoa, gió, trăng, sao quẩn quanh mồ/ Trong lòng đất nghỉ êm giàn nhạc/ Ru vọng hồn thơ/ giấc ngủ mơ.” (Chào tất cả).

Mới đây, một đồng nghiệp hốt hoảng gọi điện cho tôi nói rằng: “TS. Lê Bảo Toàn mới bị liệt nửa người”. Tôi lo lắng và nghĩ rằng, hàng chục năm chống chọi với bạo bệnh có lẽ ông đã kiệt sức. Thế nhưng, thật ngạc nhiên những ngày giữa tháng 5/2010, tôi xuống thăm ông, vẫn con người đó, lại làm thơ, lại cười khà khà. Ông còn tặng tôi cuối sách “Tình- Đời và Đạo” mới “ra lò” còn nóng hổi. “Đúng là tôi bị liệt mấy tháng trời nhưng thời gian đó vẫn làm thơ, viết nhạc, vẽ tranh và cho ra quyển sách này. Con bệnh lại “sợ” tôi và chạy mất. Còn lâu tôi mới thua nó”.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến của bạn