Vượt qua nỗi đau HIV thành nhà hoạt động xã hội tích cực

14-12-2016 16:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - “Khi lần đầu tiên biết mình nhiễm HIV, trong đầu tôi chỉ nghĩ đến cái chết…”, đó là chia sẻ của Lưu Từ, một bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đã vượt qua nỗi đau để trở thành một nhân viên công ích xã hội.

Bên cạnh đó, Lưu Từ cũng tích cực giúp đỡ và chăm sóc bệnh nhân AIDS, các hoạt động phòng chống căn bệnh thế kỷ ở Trung Quốc, một quốc gia vẫn đang tồn tại sự kỳ thị xã hội rất lớn đối với bệnh nhân mắc phải căn bệnh tới nay chưa thể chữa khỏi hoàn toàn.

Mặc áo thun cổ chui và quần thể thao, Lưu không quá cao nhưng trông khỏe mạnh. Cách đây 4 năm, khi 20 tuổi, anh rất sốc khi biết mình nhiễm HIV. Vào tháng 7-2012, Lưu cảm thấy rất khó chịu khi có quan hệ rủi ro cao với một bạn tình đồng tính nam. Anh đến một bệnh viện để xét nghiệm HIV.

Lưu bắt đầu làm việc toàn thời gian cho một tổ chức phúc lợi xã hội về phòng chống HIV/AIDS ở Bắc Kinh, anh đã trở thành một nhà hoạt động xã hội góp phần đẩy lùi căn bệnh thế kỷ

Ban đầu, bác sĩ khuyên anh ở lại bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, sau khi chẩn đoán bệnh nhân mắc HIV, bác sĩ thuyết phục Lưu trở về nhà. Lưu làm đơn xin ra khỏi công ty, lấy lý do mắc bệnh bạch cầu, và bắt đầu có ý định tự tử. “Tất cả mọi việc tôi muốn làm là tìm đến cái chết để khỏi phải đau đớn. Tự tử là cách tốt nhất, tôi từng nghĩ như thế khi đang ở một căn biệt thự ven biển”, Lưu chia sẻ.

Lưu kể bệnh tình của anh cho một người bạn thân, người này thường xuyên đến thăm và chăm sóc anh trong một thời gian dài. “Anh ấy ở bên tôi cả tháng. Chúng tôi làm mọi việc mà tôi từng muốn làm và thưởng thức nhiều món ăn ngon”, Lưu cho biết khi kể lại những ngày ở bên người bạn thân đã trở thành một bước ngoặt đối với cuộc đời anh. “Sau tất cả, tôi muốn sống, đó là những lời chân thành từ sâu thẳm trái tim tôi”, anh cho biết thêm.

Người chú của Lưu làm việc trong ngành y tế, và biết rõ cháu trai đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Lưu chia sẻ nỗi đau với chú đầu tiên, nhưng anh xin người này giấu kín với cha mẹ, bởi vì lo lắng họ sẽ rất đau khổ và không thể chấp nhận con trai duy nhất vừa đồng tính nam vừa nhiễm HIV. Nhưng một ngày nọ, khi mẹ thút thít khóc phía sau, khi đó 2 người đang đi trên xe buýt, Lưu nghi bà đã biết sự thật, và sau đó, người chú xác nhận điều đó. Trước khi cha mẹ biết rõ về sức khỏe của Lưu, họ luôn dò hỏi anh mỗi khi trái gió trở trời thường đau ốm. Tuy nhiên, họ không còn làm như vậy sau khi biết sự thật.

“Kể từ đó, tôi ngày càng nhận được sự chăm sóc và động viên từ bố mẹ, nấu cho tôi nhiều món ngon. Bố mẹ bảo tôi phải chịu khó ăn nhiều để tăng sức đề kháng và mặc thêm áo khi trời trở lạnh”, Lưu cho biết.  “Cha mẹ tôi đã khóc rất nhiều, nhưng chưa bao giờ khóc trước mặt tôi. Các anh chị nhà báo ạ, điều đó giống như kiểu tôi nhận được sự chăm sóc cuối đời từ song thân vậy”, Lưu chia sẻ với truyền thông Trung Quốc.

Vào tháng 9-2012, Lưu bắt đầu làm việc bán thời trong một nhóm tình nguyện viên ở tỉnh Sơn Tây. Trong 8 tháng sau đó, anh nghiên cứu cách phát hiện virus HIV và giúp đỡ những người khác tự kiểm trả, cũng như cách chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV.

Lưu Từ luôn xuất hiện ở nhiều nơi để tuyên truyền về chống sự kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS

Vào tháng 8-2013, Lưu bắt đầu làm việc toàn thời gian cho một tổ chức phúc lợi xã hội về phòng chống HIV/AIDS ở Bắc Kinh. Một tháng sau đó, anh trở thành một “hiện tượng Internet” sau khi đứng trên đường phố Bắc Kinh, cầm tấm bảng ghi: “Nạn nhân AIDS tìm người kết hôn” tại Lễ Thất Tịch - Lễ tình yêu theo truyền thống Trung Quốc.

“Tôi rất ngạc nhiên, nhưng rất tự hào khi biết nhiều trang thông tin viết về mình. Tôi rất hạnh phúc khi làm việc trong tổ chức giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS. Chúng tôi đã động viên tinh thần để giúp nhau vượt qua mọi khó khăn, sống tích cực và có ích hơn với cộng đồng”, Lưu thổ lộ tâm tư.

Tuy nhiên, Lưu cũng thừa nhận, nếu anh không làm việc trong một tổ chức công ích, anh sẽ không thể được động viên để có lòng dũng cảm chia sẻ với cộng đồng về căn bệnh của mình. “Nếu không có cơ quan động viên, tôi sẽ không thể có đủ dũng cảm nói ra nỗi khổ mà bản thân phải chịu đựng”, anh cho biết. Lưu cho biết thêm, dưới áp lực xã hội và sự phân biệt đối xử, một người dù mạnh mẽ chừng nào cũng dễ trở nên yếu đuối, nhất là đối với trường hợp vừa nhiễm HIV vừa đồng tính như anh.

Theo một cuộc khảo sát của Chương trình Phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS), phân biệt đối xử, kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS ở Trung Quốc chủ yếu xảy ra ở nơi làm việc, trường học, bệnh viện và cơ sở chăm sóc y tế.

“Tôi hy vọng sẽ ngày càng có nhiều người công khai nói ra và chia sẻ câu chuyện của họ với người dân, bởi vì tất cả chúng ta đều có quyền sống. Tôi sẽ tiếp tục làm việc như một nhà hoạt động xã hội vì bệnh nhân HIV/AIDS trong phần đời còn lại”, Lưu thổ lộ tâm tư.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn