Trong khoảng thời gian đó, Cường tâm trạng lúc nào cũng ủ dột, đầy những cảm xúc tiêu cực. “Tôi đau đớn, bế tắc và tuyệt vọng. Thậm chí, tôi đã có lúc nghĩ đến cái chết để giải thoát. Thật khó để chấp nhận sống cuộc đời gắn liền với chiếc xe lăn”, Cường nhớ lại.
Cuốn sách Vượt qua Nghịch cảnh của tác giả Phạm Cường do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2020.
Một năm, hai năm, rồi ba năm, anh dần học được cách chấp nhận tình trạng khuyết tật của mình. Cường chia sẻ rằng, mất 3 năm ròng rã nghiền ngẫm, tự hỏi rồi tự trả lời câu hỏi ý nghĩa cuộc sống, cuối cùng anh cũng nhận ra, khiếm khuyết về vận động chưa hẳn đã là bất hạnh và dù cho nghịch cảnh trớ trêu đến đâu, nỗi đau lớn đến nhường nào, chỉ cần không buông xuôi thì vẫn có thể làm chủ được cuộc sống của mình, làm chủ được bản thân mình. Từ đó, Cường quyết tâm thay đổi, cố gắng sống tích cực, lạc quan để mỗi ngày trôi qua đều ý nghĩa. “Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, tôi phải học cách mạnh mẽ, tiếp tục mạnh mẽ và phải mạnh mẽ hơn!”, Cường tự nhủ.
Thái độ sống tích cực chính là sức mạnh giúp anh thoát khỏi bế tắc, khủng hoảng và vượt qua biến cố. Từ chính trải nghiệm của bản thân, Cường đã viết cuốn tự truyện Vượt qua Nghịch cảnh. “Mới đầu, việc viết lách đối với tôi chỉ đơn giản là tập thể dục cho tay nhằm chống lại chứng teo cơ. Tôi hoàn toàn không có ý định viết để in sách. Nhưng càng viết tôi càng nhận được nhiều sự sẻ chia, động viên, khích lệ của người thân, bạn bè. Nhờ sự tiếp sức này, tôi mới có cuốn sách Vượt qua Nghịch cảnh”, Cường thật thà cho biết.
Thông qua những trang viết của mình, anh muốn chia sẻ với người đọc về những dằn vặt, sự mặc cảm, những khó khăn mà người khuyết tật phải đối mặt trong cuộc sống thường ngày, cũng như cách người khuyết tật tự thay đổi để phù hợp với nghịch cảnh; đồng thời, truyền cảm hứng sống đến những người còn bi quan, chưa tìm ra ý nghĩa tồn tại của bản thân giữa dòng đời. Quan trọng hơn, Cường muốn khẳng định với mọi người rằng, mình đã chiến thắng nỗi đau, bệnh tật không chỉ bằng ý chí, nghị lực mà còn bằng sự sẻ chia, đồng cảm của cộng đồng. Vượt qua Nghịch cảnh, anh viết trong 13 năm, từ 2006 - 2019, là những trải nghiệm của tác giả, hoặc là trải nghiệm của những người cùng cảnh ngộ mà tác giả có dịp chứng kiến, phát hiện.
Cường thành thật nói: “Việc viết một cuốn sách đối với tôi quả thật không hề đơn giản. Bởi tôi không phải nhà văn, không được trang bị những kiến thức cơ bản của nghề viết. Chưa kể, tôi còn gặp rất nhiều khó khăn trong thao tác đánh văn bản, vì đôi tay gần như bị tê liệt hoàn toàn”. Tuy vậy, anh vẫn cố gắng viết, viết với hết khả năng và sự hiểu biết của mình. “Tôi nghĩ rằng, những trải nghiệm và kinh nghiệm đã giúp tôi lựa chọn cách sống bằng lòng, học cách chấp nhận sống với thực tế để rồi đứng lên và trưởng thành, chắc chắn cũng sẽ có ích cho một ai đó, ít ra là người đang sống trong cảnh ngộ như tôi, giúp họ có cái nhìn lạc quan hơn về nghịch cảnh”, Cường tâm sự.