DS. Trần Xuân Thuyết.
Hàng chục năm chiến đấu với 9 thứ bệnh
Đầu tiên là bệnh viêm mũi dị ứng. Đã 20 năm đi chạy chữa ở cả đông, tây y nhưng tất cả đều bó tay với căn bệnh mạn tính này của ông. Thầy đông y dùng một cây kim dài to, dẹt đưa từ huyệt Nghinh hương lên huyệt Tình minh 7 lần trong 7 ngày liền mà bệnh của ông không đỡ. Giáo sư đầu ngành về dị ứng miễn dịch làm 42 test cho ông cũng không tìm ra nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng của ông. Có công ty giới thiệu dùng sóng hồng ngoại chữa viêm mũi dị ứng, viêm xoang nhưng bệnh của ông cũng không mảy may thuyên giảm. Khi bị viêm mũi dị ứng, bác sĩ cho dùng thuốc kháng histamin nhưng lại không tốt cho bệnh phì đại tuyến tiền liệt của ông. Ông chia sẻ, nhiều khi thuốc bác sĩ kê lại không phù hợp, như khi bị viêm mũi dị ứng bác sĩ cấp thuốc clopheniramin maleat, ông uống vào và bị bí tiểu ngay. Vì vậy, ông cho rằng đối với người già, nếu không có kiến thức nhất định về chăm sóc sức khoẻ và dùng thuốc thì rất dễ bị thêm bệnh do tác dụng phụ của thuốc.
Sau đến bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Khi bị viêm loét dạ dày tá tràng thường bệnh nhân được khuyên không nên ăn chuối tiêu, ăn vào bệnh sẽ nặng lên nhưng chính ông bị viêm loét dạ dày tá tràng vẫn ăn chuối tiêu. Thậm chí bác sĩ kê đơn cho ông rất nhiều loại thuốc chữa dạ dày nhưng ông không uống mà ăn chuối tiêu. 3 tháng sau, ông đi nội soi dạ dày, vết loét đã lành hết. Sau 1 năm, ông bị đau trở lại, lần này ông ăn gel tươi nha đam. Bà hàng xóm biết ông dùng gel tươi nha đam nên ngày nào cũng mang cho một ít lá nha đam tươi. Một tháng sau, ông nội soi lại, bệnh đã khỏi đến tận bây giờ.
Ông bị tăng huyết áp 15 năm nay, bác sĩ kê đơn thuốc hạ huyết áp, ông dùng bị tác dụng phụ, thứ thì gây ho đến mức không chịu nổi, thứ thì gây phù cổ chân..., ông phải tự giải quyết tác dụng phụ của thuốc.
Từ năm 2006, ông được bác sĩ phát hiện bị sỏi thận, to đến mức phải mổ để lấy sỏi (trong khi ông không thấy có triệu chứng gì). Ông đã biết bệnh sỏi thận dù có tán sỏi hay mổ lấy hết sỏi thì sau này nó vẫn tích tụ trở lại, vì vậy, ông chiến đấu với nó bằng việc chống tích tụ sỏi thận, kiên trì dùng các thực phẩm có nhiều citric như cam, chanh, bưởi, quýt... nhằm citrat hoá cơ thể để chống tích tụ sỏi thận. Bác sĩ Trưởng khoa Thận-Tiết niệu Bệnh viện Hữu nghị mới đây kiểm tra cho ông đã kết luận: “Sỏi đã nhỏ đến mức không phải phẫu thuật lấy sỏi” và động viên ông nên viết bài đăng báo để phổ biến kinh nghiệm cho nhiều người biết.
Năm 75 tuổi, ông bị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng do bị ngã ngồi trong nhà tắm, đau như trời đánh cả ngày lẫn đêm. Di chuyển phải bò lê không đi lại được. Sau khi chữa ở Khoa Thần kinh Bệnh viện Hữu nghị 21 ngày, đỡ đau đôi chút, bác sĩ khuyên mổ, ông hỏi: Khả năng khỏi bệnh bao nhiêu? Bác sĩ trả lời: 50/50, thế là ông xin ra viện. Về nhà, ông chế tác ra dụng cụ kéo giãn cột sống lưng và tìm cách để thực hiện, sau 10 ngày kiên trì gian khổ và sáng tạo, ông đã thực hiện được việc kéo giãn cột sống lưng mỗi lần 5 - 7 phút, sau đó đạt 10 phút nên giảm đau nhưng ông vẫn tiếp tục tập hàng ngày mỗi ngày 1 lần kết hợp với tập Đạt ma cân kinh và đi bộ 30 phút. Ông lại sáng tạo ra món ăn làm thuốc là món chân gà, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 2 đôi chân gà chế. Kết quả là sau 2 tháng thực hành ông đã hết đau và thành người khỏe mạnh. Đi du lịch với tổ dân phố leo núi Ba Vì, ông đi với tốp thanh niên, bỏ xa tốp các cụ, leo lên đến đền thờ Mẫu Thượng ngàn lại sang đền thờ Bác Hồ, khi về vẫn bình thường. Sau đó, ông viết bài đăng báo phổ biến cách kéo giãn cột sống lưng và cách chế chân gà làm thuốc cho bạn đọc.
DS. Thuyết tập luyện dưỡng sinh để nâng cao sức khoẻ.
Những ngày tranh đấu với đột quỵ
Đó là ngày 1/2/2018, vào buổi chiều sau khi tắm xong, tự nhiên ông nhìn vào tờ lịch treo ở trên tường chỉ thấy mỗi số 1 là ngày, không nhìn thấy tháng, năm gì nữa, lúc đó ông liền hỏi vợ, vợ ông thấy vậy liền gọi xe cấp cứu đưa ông đi bệnh viện, sau khi chụp não, bác sĩ chẩn đoán ông bị thiếu máu não thoáng qua rồi được đưa vào Khoa Thần kinh, điều trị được mấy hôm thì đến 27 Tết nên ông xin về điều trị tại nhà.
Đến ngày 25/4/2018, ông lại bị đột quỵ lần thứ hai. 5 giờ sáng, ông dậy để tập bài dưỡng sinh Nâng cao Khí lực 49 động tác, khi ngồi dậy, ông thấy chân phải không nhấc lên được, tay phải cũng thế nên gọi vợ cho đi bệnh viện cấp cứu. Khoa Cấp cứu cho chụp não và xác định là nhồi máu não đa ổ rồi cho ông vào Khoa Thần kinh điều trị.
Đến sáng ngày hôm sau, khi tỉnh lại, ông nhờ vợ cho ngồi dậy và giữ để ông ngồi Kiết già, sau khi gài chân ngồi được, ông bảo: Mình sống rồi và bắt đầu tập luyện bài Nâng cao Khí Lực 49 động tác bằng tay trái. 5 ngày sau, ông liên lạc với bạn bè đồng nghiệp (bằng tay trái) qua điện thoại, zalo, email...
Lần này là lần ông bị nặng nhất trong đời, 120 ngày ông tập làm người khoẻ mạnh mà chưa khoẻ mạnh được, hiện nay, tay phải của ông vẫn bị sưng múp và đau ở xương các đốt ngón tay. Nhưng trong ông luôn quyết tâm chiến đấu và chiến thắng bệnh tật, tìm mọi cách để chữa đến cùng.
Trải qua những thăng trầm của cuộc đời, của bệnh tật, ông thấy mỗi người cần tích luỹ cho mình thật nhiều kiến thức khoa học và thực hành tốt về: Ăn uống hợp lý, tập luyện để nâng cao sức khoẻ, dùng thuốc một cách an toàn, hợp lý và có một đời sống tình dục tốt... Những yếu tố này giúp cho cơ thể con người tích luỹ được hormon endorphin - một hormon hạnh phúc giúp giảm đau, chống stress. Mỗi người cần phải rèn luyện nhiều thứ, phải biết buông bỏ tham, sân, si trên đời, biết giúp đỡ người khác...
Khi còn ở tuổi công tác, ông miệt mài làm việc, nghiên cứu. Năm 1993, ông về hưu. Từ đó đến nay, ông luôn tìm cách tích luỹ cho mình thật nhiều kiến thức về chăm sóc sức khoẻ và chia sẻ những kiến thức mà mình có được với độc giả trong cả nước thông qua các bài báo của mình, với các thành viên trong Câu lạc bộ Xanh & Khỏe do ông sáng lập. Đã 56 năm ông viết báo với gần 3.000 bài báo về bảo vệ sức khỏe đăng trên các báo trong cả nước. Hiện nay, ông vẫn đảm nhiệm cương vị Phó Tổng biên tập Tạp chí Cây thuốc quý.
Nếu chỉ có kiến thức không, thì ông cũng không thể nhanh chóng hồi phục và vượt qua bệnh tật, nếu bản thân không có quyết tâm chiến thắng bệnh tật, không có ý chí và tinh thần thép quả cảm. Dù bệnh tật có thể hỏi thăm tuổi già của ông bất cứ lúc nào thì trong trái tim người dược sĩ, nhà báo ấy vẫn luôn cháy sáng ngọn lửa tình yêu cuộc sống. Với ông, mỗi sớm mai thức dậy được ngắm những chậu cây thuốc quý do ông tự tay chăm bón, được thấy đứa cháu quấn quýt bên ông, được bàn tay chăm sóc ân cần, hết lòng của người vợ và những đứa con, được học tập và chia sẻ những kiến thức về sức khoẻ là một ngày ông cảm thấy mình hạnh phúc và mãn nguyện...