Để xác lập chỗ đứng của mình trong ngành thời trang sinh thái, chàng trai này đã phải miệt mài chiến đấu với tử thần suốt 3 năm trời.
Cú ngã 3 năm
Thông tốt nghiệp ngành thiết kế tạo dáng sản phẩm công nghiệp và trở thành design cho hãng Dcar Limousine của Việt Nam kiêm Phó Giám đốc sản xuất. Thăng tiến nhanh, thu nhập siêu cao, tỷ lệ thuận với những áp lực khổng lồ ép cuộc sống của Thông không còn kẽ hở. Anh ở cơ quan từ 7h sáng đến 9h tối mỗi ngày. Men say thành công khiến chàng trai hơn hai mươi tuổi bị cuốn vào guồng quay chóng mặt của những deadline và chỉ tiêu.
Thông Bahnar dành một nửa thời gian trong tháng để trao đổi và làm việc trực tiếp với nghệ nhân dệt thổ cẩm.
2 năm sau, Thông bị tai nạn xe máy trong một lần chở bạn gái đi chơi Trung thu. Cú ngã ấy khiến anh bị gãy xương, liệt thần kinh, phải mổ 5 lần mới đỡ. Ra viện, Thông vẫn rất yếu, cơ mặt đơ, mắt không nhắm được, một nửa người gần như bị liệt, phải châm cứu trường kỳ. Cứ sáng sáng, anh đến phòng mạch châm cứu, trưa về, ròng rã 3 năm Thông mới tập tễnh đi lại mà không cần dụng cụ hỗ trợ.
Trong thời gian nghỉ chữa bệnh, Thông suy nghĩ lại về cuộc sống mình đang có và cuộc sống mà mình muốn. Thăng tiến, nhiều tiền, được trọng vọng... nhưng anh không vui. Toàn bộ cuộc sống cá nhân bị công việc chiếm hữu, anh thậm chí không còn đủ thời gian để nghe một bản nhạc, xem một bộ phim trọn vẹn hoặc nổi hứng xách xe lên phượt núi phượt đồi. Vậy là Thông quyết định bỏ việc mặc dù bên nhà máy vẫn trải thảm đỏ mời anh về.
Trước đó, vì thích thổ cẩm, thường mua về mặc cho vui, anh nói với bố mẹ sẽ đầu tư làm thời trang thổ cẩm. Gia đình ngăn cản dữ dội, thậm chí không cho làm. Bạn bè nói: “Khùng hả Thông. Không ai mới bước vào nhà máy, trong vòng năm rưỡi đã lên phó giám đốc”.
Thông bảo: “Mệt lắm rồi, về làm cái khiến mình vui”.
Với gia đình, Thông cam kết: “Cho con làm 3 năm để điều trị chấn thương. Sau 3 năm, nếu thất bại, con lại vào nhà máy ôtô”.
Chưa đến 2 năm, Thông đã thành công.
Tìm mọi cách khôi phục nghề dệt
Khởi nghiệp lần hai ở lĩnh vực dệt thổ cẩm khiến Thông gặp không ít khó khăn. Anh tìm về tận bản làng của người Bahnar, động viên nghệ nhân, đặt hàng và tìm nguồn nguyên liệu để họ dệt ra những tấm vải 100% tự nhiên và thủ công. Nghề dệt bị mai một, người thạo nghề không còn nhiều, ngay cả khung cửi cũng hiếm...
Vì thổ cẩm, Thông hầu như “trên từng cây số”. Ở đâu nghe nói có người biết nhiều về Tây Nguyên, anh đều tìm đến xin tư liệu. Nhà văn Nguyên Ngọc, đạo diễn Đoàn Huy Giao ở Đà Nẵng..., Thông đều cất công lặn lội tìm gặp để được nghe kể, để hiểu thêm về Tây Nguyên “tưởng biết mà vẫn chưa biết”.
Anh kể: “Thực ra lượng công việc và số lần di chuyển bây giờ nhiều hơn hồi tôi làm thiết kế xe hơi, nhưng không thấy mệt. Thổ cẩm khiến tôi phải lặn lội đường xa, cũng vì thế gặp được nhiều người cùng tâm huyết. Chúng tôi chia sẻ với nhau từng cân bông, từng nắm hạt giống và mục tiêu không chạy theo sản lượng”.
Nguyên liệu là một bài toán khó trong thời điểm hiện tại với những người theo đuổi dòng thời trang sinh thái. Vì lý do kinh tế, hầu hết các buôn làng ở Tây Nguyên đã chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như khoai mì, bắp, đậu, cây thuốc lá... Nguồn bông vải trước đã hiếm nay còn khó tìm hơn. Có những giai đoạn thợ dệt phải nghỉ việc vì không có nguyên liệu. Thông bôn ba trong Nam ngoài Bắc gom từng cân bông để duy trì sản xuất.
Để chủ động nguyên liệu, anh đã nhờ người trồng thử bông ở Kon Tum. “Nhưng vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết, bởi phải sang năm bông mới có thể thu hoạch và còn không dám chắc nó có ra bông được không”.
Thông tìm đến nhiều người nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên để tìm hiểu cách khôi phục nghề dệt. Trong ảnh, anh đứng cạnh nhà văn Nguyên Ngọc.
Cứu làng nghề
Sau 7 năm lăn lộn với thổ cẩm, hiện Thông gây dựng được một nhóm thợ dệt lành nghề khoảng 15 người rải rác ở nhiều làng. Chủ yếu là những người già, người trẻ nhất 55 tuổi, người lớn nhất đã hơn 80 tuổi. Anh cho biết: “Vấn đề cấp bách là phải gấp rút đào tạo lớp trẻ kế cận. Trong làng, không tìm thấy người trẻ biết dệt thổ cẩm. Hàng may sẵn và tinh thần hướng ngoại của giới trẻ khiến không ai còn thiết tha với nghề truyền thống. Trong làng chỉ còn những người già mất sức lao động mới chọn cách qua ngày bên khung cửi. Họ dệt cho con cháu may đồ, nhưng cũng không mặc thường xuyên mà chỉ diện vào những ngày lễ, Tết”.
Mất nhiều năm vận động, hiện nhóm của Thông có 5 cô gái trẻ tham gia học dệt. Để khuyến khích họ, anh cam đoan: Tất cả mọi sản phẩm làm ra (dù xấu) cũng đều được thu mua. Số vải ấy hiện đã chất đầy hòm ở xưởng dưới Sài Gòn. Và bởi vì nguyên liệu bông không dễ tìm, mọi góc thổ cẩm đều được tận dụng vào trang trí áo dài, làm đồ decor, túi, ví... Đích thân ông chủ Thông Bahnar là người vẽ mẫu. “Một con đường khùng điên lắm, từ thiết kế ôtô sang thiết kế áo quần, nhiều lúc cũng không hiểu chính mình đang làm gì. Tháng nào cũng một nửa thời gian ở Sài Gòn, một nửa ở Kon Tum, đi về liên tục, thời gian làm việc thậm chí nhiều hơn thời gian còn làm ở nhà máy ôtô, nhưng vui hơn”, Thông tổng kết.
Toàn bộ màu nhuộm các sản phẩm của Thông Bahnar hiện nay đều là màu tự nhiên từ lá, hoa, vỏ, rễ cây và đất đỏ, bùn đen... Trước Thông có một vài người thích thổ cẩm cũng đã về làng đặt nghệ nhân dệt. Nhưng để hợp với xu hướng thời trang, họ hướng dẫn người làng dùng màu công nghiệp. Thông mất 2 năm thuyết phục để khôi phục lại thói quen nhuộm cổ xưa không dùng hóa chất của người Bahnar.
Trong cái túi ba gang theo Thông đi khắp nơi luôn có: máy ảnh, một áo dài thổ cẩm và một khăn thổ cẩm. Ra Hà Nội gấp rút, Thông cũng bị lôi kéo đến một talk show về áo dài và trở thành khách mời nam duy nhất tham gia nói chuyện. “Tôi gặp trường hợp này nhiều, nên đi đâu cũng mang theo đạo cụ để cần là có cái dùng. Tôi rất tự tin mặc đồ của mình để giới thiệu với mọi người. Đồ thủ công của Việt Nam rất đẹp, rất độc đáo. Có thể là vì Bụt chùa nhà không thiêng chứ rất nhiều khách ngoại quốc mê thổ cẩm Việt Nam và đặt hàng mà Thông Bahnar không đủ để bán”.
Làm mới và ưu tiên thị trường nội địa
Khách hàng mục tiêu của Thông Bahnar là những người trẻ. Anh cho rằng: người trẻ thích sự độc đáo, không đụng hàng, thổ cẩm rất phù hợp với yêu cầu ấy. Bản thân một tấm vải dệt đã là độc nhất vô nhị vì nó được làm thủ công, luôn có sai số. Làm thế nào để người trẻ thích và không cảm thấy “quê mùa”, dị... khi dùng sản phẩm truyền thống là mục tiêu nghiên cứu của thương hiệu Thông Bahnar. Thổ cẩm Bahnar chỉ là bước đầu tiên trong quá trình khôi phục những làng nghề dệt truyền thống mà Thông gọi là “đi tìm kho báu vùng miền”. Hiện tại, Huỳnh Nguyên Thông đã thử nghiệm sang cả vải dệt của dân tộc Ê Đê và tương lai là các dân tộc Xê Đăng,
Giẻ Triêng...
Sản phẩm dệt may của Thông Bahnar hiện nay đang ở tình trạng cung không đủ cầu. Anh đã cắt hết những hợp đồng cung ứng ra nước ngoài trước đó như Pháp, Canada, Úc... bởi “khách hàng trong nước và khôi phục thói quen dùng đồ truyền thống mới là mục tiêu của chúng tôi”.
Để thổ cẩm sinh sắc hơn, Thông kết hợp với những kỹ sư hoá học để giữ kỹ thuật nhuộm tự nhiên và tìm thêm nhiều màu sắc mới bằng cách phối, pha các màu với nhau. Người Bahnar hiện nay không biết cách làm này, họ chỉ dùng màu gốc, bởi thế, màu sắc không đa dạng, ít lựa chọn. Đối với hoa văn, bản thân là người tạo dáng mỹ thuật, Thông đã mày mò và tạo ra rất nhiều hoa văn mới dựa trên những mẫu gốc. “Hoa văn trang trí của người Bahnar đều lấy từ những thứ gần gũi với cuộc sống: từ hoa lá, chim chóc, sâu bọ... Khi tạo ra một hoa văn mới, tôi đưa cho người già xem trước. Cái nào họ bảo: Thứ này tao biết - thì dùng. Những “thứ tao biết” đó phần lớn là hoa lá, cây cối được cách điệu hoặc tạo hiệu ứng 3D cho màu nổi bắt mắt người xem. Hiện nay, kho hoa văn mẫu của Thông Bahnar đã phong phú hơn nhiều”, Thông chia sẻ.