Bệnh nhân Lào như người thân trong gia đình
Ngày 22/6/2022, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) thực hiện thành công phẫu thuật cắt u xơ tử cung nặng gần 1 kg cho bệnh nhân Lào.
Bà Lầu Y Xía, 54 tuổi, trú tại huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng kể: "Thời gian gần đây, tôi thường xuyên bị đau bụng kéo dài, da xanh. Tôi đã đi khám nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh. Được sự giới thiệu của bạn bè nên gia đình đã đưa tôi đến TTYT huyện Kỳ Sơn khám và điều trị".
Không phụ lòng mong đợi của người bệnh, TTYT huyện Kỳ Sơn đã thăm khám, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết và phát hiện bà Lầu Y Xía có khối u xơ tử cung lớn, cần được phẫu thuật gấp.
Sau hội chẩn, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt tử cung bán phần cho bệnh nhân. Hơn 1 giờ, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp, toàn bộ khối u xơ tử cung được cắt bỏ an toàn.
BS. Sầm Văn Hải – Giám đốc TTYT huyện Kỳ Sơn cho hay: Đây là một ca phẫu thuật tương đối phức tạp vì khối u to xâm lấn vào trong thành chậu. Khi phẫu thuật rất dễ làm tổn thương các cơ quan xung quanh như bàng quang, niệu quản. Hơn nữa bệnh nhân cũng đã có tuổi, sức khỏe yếu… Tuy nhiên với sự cố gắng, tận tình cứu chữa, sau 7 ngày bệnh nhân đã hồi phục tốt, trở về quê.
Huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) giáp ranh với huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Năng lực y tế ở Noọng Hét nói riêng và Xiêng Khoảng nói chung còn nhiều hạn chế, chưa phát triển. Phẫu thuật nội, ngoại khoa còn yếu và thiếu cả về con người lẫn thiết bị, nhất là ở y tế tuyến huyện, cụm bản. Việc điều trị cho bệnh nhân lâu nay vẫn dựa nhiều vào thuốc Nam. Vậy nên, mỗi khi bị bệnh nặng hoặc bệnh trạng kéo dài, các bệnh nhân Lào vẫn thường sang "cầu cứu" bác sĩ ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An để được giúp đỡ.
Được biết, trước khi dịch COVID-19, TTYT huyện Kỳ Sơn vẫn khám, điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân Lào/năm. Bệnh thường gặp của bệnh nhân Lào là các bệnh mãn tính, dạ dày, ruột thừa, tai nạn thương tích. Nhiều bệnh nhân không chỉ ở huyện Noọng Hét cận kề mà còn ở các địa phương xa hơn như huyện Mường Mok, Mường Khăm, Mường Pek và cả thành phố Phôn Sa Vẳn – tỉnh lị của Xiêng Khoảng.
Dịch COVID-19 lắng xuống, từ ngày 9/5/2022, Việt Nam và Lào mở lại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, đã có 10 bệnh nhân sang điều trị tại TTYT huyện Kỳ Sơn. Sau bệnh nhân Lầu Y Xía, ngày 29/6/2022, TTYT huyện Kỳ Sơn đã tiếp nhận bệnh nhân Lầu Bá Súa, 24 tuổi, ở bản Phông, huyện Noọng Hét. Lầu Bá Súa đi xe máy bị vướng dây quanh cổ nên dây thanh quản bị thắt, cổ phù nề, không nói được. Sau điều trị cơ bản, TTYT huyện Kỳ Sơn đã chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để điều trị chuyên sâu.
Cũng theo bác sĩ Hải: "Bệnh nhân Lào sang điều trị tại Nghệ An thường rất nghèo khổ. Họ tìm đến mình như là sự cứu cánh cuối cùng. Với những bệnh nhân này, các y bác sĩ ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đều hết sức, hết lòng cứu chữa và gần như là khám, điều trị miễn phí, không thu bất cứ một chi phí nào. Chúng tôi không chỉ coi bệnh nhân Lào như bệnh nhân Việt, mà còn như người thân trong gia đình!".
BS. Hải còn nhớ rõ, vào tháng 6/2016, TTYT huyện đón bệnh nhân Khăm Chắn, 50 tuổi, ở huyện Mường Mok. Sau khi bị thủng dạ dày, điều trị bằng thuốc Nam nhưng vẫn rất đau đớn, gia đình đã cõng bệnh nhân vượt rừng, vượt núi qua khu vực xã Mường Ải, Mường Típ, huyện Kỳ Sơn và nhờ các chiến sĩ biên phòng chở ra TTYT. Lúc này, toàn bộ ruột của bệnh nhân đã co rúm lại, viêm phúc mạc nặng…
Thấy bệnh nhân quá nghèo khó, trong quá trình điều trị, các cán bộ y tế Trung tâm đã ủng hộ tiền ăn ở; lúc bệnh nhân khỏi bệnh ra về, còn cho thêm quà bánh, tiền xe.
Bác sĩ vượt núi, băng rừng cứu bệnh nhân Lào
Câu chuyện bác sĩ ở Nghệ An trở thành "cứu tinh" và luôn coi bệnh nhân Lào như người thân đã tô đẹp thêm tình hữu nghị cao cả giữa 2 đất nước Việt - Lào.
Nhiều câu chuyện cảm động đã được ghi lại ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An… Ngày 4/12/2017, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp nhận bệnh nhân Lầu Bá Sày (20 tuổi) trong tình trạng nguy kịch. Lầu Bá Sày khi đi rừng, không may bị trúng đạn súng săn.
Anh này bị 9 viên đạn găm vào phần ngực, bụng. Ngoài vết thương tại tim, bệnh nhân còn bị đạn thủng dạ dày, đại tràng góc lách, ruột non… Bệnh viện đã quyết định phẫu thuật cấp cứu, lấy dị vật ra ngoài, kéo bệnh nhân "khỏi tay thần chết".
Mỗi năm, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân Lào sang điều trị. Rất nhiều bệnh nhân nghèo khó đã được bệnh viện giúp đỡ. Có thể kể đến như bệnh nhân Xồng Dàng bị mắc uốn ván thể tối cấp, tiên lượng tử vong cao đã được bệnh viện điều trị khỏi vào năm 2016.
Do quá khó khăn, người nhà nhiều lần xin được đưa bệnh nhân về nhà dù đã được giải thích nguy cơ tử vong rất cao. Trước hoàn cảnh, bệnh trạng của Xồng Dàng, bệnh viện vừa tư vấn, động viên gia đình kiên trì điều trị, đồng thời quyết định miễn toàn bộ gần 150 triệu đồng tiền viện phí và thực hiện hỗ trợ suất ăn miễn phí cho 3 người nhà bệnh nhân.
Hay như bệnh nhân Xồng Nàng Khà (50 tuổi) bị u nhân Chorio âm đạo, được Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An điều trị khỏi vào năm 2015. Khi biết bệnh nhân Xồng Nàng Khà làm nông nghiệp, chồng mất sớm, để lại 10 người con phải nuôi dạy… Bệnh viện đã tạo mọi điều kiện để giúp đỡ và chia sẻ với người bệnh, đặc biệt là miễn tiền viện phí gần 30 triệu đồng khiến gia đình người bệnh vô cùng cảm kích.
Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An ủng hộ quỹ giúp bệnh nhân nghèo trong đó có các bệnh nhân Lào gặp khó khăn. Đồng thời động viên các bệnh nhân Lào yên tâm điều trị.
Chia sẻ bệnh nhân Lào không có điều kiện để sang Nghệ An khám, điều trị, nên các bác sĩ Nghệ An đã nhiều lần không quản ngại đường xa, sang tận nước bạn để điều trị cho họ.
Câu chuyện về bác sĩ Nghệ An vượt 400km từ thành phố Vinh sang thành phố Phôn Sa Vẳn mổ cấp cứu cho bệnh nhân được ghi lại: "20 giờ tối, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Xiêng Khoảng thông báo về trường hợp 1 bệnh nhân bị đa chấn thương đang nguy kịch, cần hỗ trợ chuyên môn khẩn cấp…
Trao đổi nhanh về tình trạng chấn thương, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An đã cử ngay kíp bác sĩ lập tức đi Xiêng Khoảng. Chuyến xe cứu thương trang bị máy thở, bơm tiêm điện, bình oxy, thuốc vận mạch, trợ tim tăng hết tốc lực đi trong đêm…
Chạy nhanh nhất có thể, đầu giờ sáng hôm sau, các bác sĩ Nghệ An có mặt tại Phôn Sa Vắn. Đến thẳng bệnh viện bạn, các bác sĩ Nghệ An lập tức tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có hy vọng sống. Qua mấy ngày theo dõi và nhận thấy sự cần thiết phải đưa bệnh nhân sang Nghệ An để điều trị và chăm sóc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An lại quyết định cử 01 kíp bác sĩ thứ 2 sang đón bệnh nhân đến Việt Nam. Để cứu được 01 bệnh nhân Lào, trong 1 tuần các bác sĩ Việt Nam đã phải 2 lần "xuất ngoại".
ThS. BS Bun Phăn Vông Ma Chăn - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) bày tỏ sự tri ân: "Người dân Lào nói chung, tỉnh Xiêng Khoảng nói riêng rất biết ơn sự giúp đỡ, diều trị tận tình của các y bác sĩ Nghệ An. Đã có những bệnh nhân Lào đã được y bác sĩ Nghệ An, Việt Nam hiến máu, hiến dâng sự sống để vượt qua bạo bệnh… Tình cảm hữu nghị đặc biệt của 2 quốc gia, dân tộc Việt - Lào thật đáng quý".
Nghệ An (Việt Nam) và Xiêng Khoảng (Lào) là 2 tỉnh láng giềng gần gũi với mối quan hệ kết nghĩa truyền thống lâu bền trong suốt quá trình đấu tranh bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Những năm qua, 2 tỉnh đã không ngừng vun đắp mối quan hệ đặc biệt này với việc tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế.
Năm 2015, Sở Y tế Nghệ An đã ký kết hợp tác cùng Sở Y tế tỉnh Xiêng Khoảng với nội dung hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và nhân lực y tế cho tỉnh Xiêng Khoảng... Sau 7 năm, hoạt động hợp tác giữa 2 ngành y tế đã có nhiều kết quả hết sức nổi bật, rõ nét.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Xiêng Khoảng (Lào): Sau khi được đào tạo, đơn vị đã thực hiện được 398 ca mổ nội soi; 433 ca mổ xương khớp; 6 ca mổ nội soi sản phụ khoa; khám ngoại trú bệnh nội tiết – đái tháo đường cho 653 người, điều trị cho 339 người; mổ tai mũi hong được 184 ca… Đây là những kỹ thuật mà trước khi đào tạo đơn vị chưa thể làm được.