Người dân cấp báo, công an phường chờ… chỉ thị
Ngày 9/4, chúng tôi trở lại ngôi nhà 756 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội, toàn bộ mặt tiền của ngôi nhà được phủ kín mít bởi tấm pano ghi “Cửa hàng dầu mỡ chuyển sang địa điểm 738 Quang Trung”. Phía trước cửa là một nhóm người mặc sắc phục bảo vệ (vệ sĩ) đang án ngữ. Số người này vừa đứng, nằm, ngồi ngổn ngang trên xe máy và bậc lên xuống. Nhiều ngày nay, công việc của họ là ăn, uống, ngủ nghỉ tại nơi này từ sáng đến tối nhằm gây sức ép với gia chủ. Chứng kiến cảnh này, nhiều người dân khu vực cho rằng chỉ khác kiểu đòi nợ của xã hội đen ở cái trang phục và thiếu mấy cái… xe ba bánh mà thôi.
Trao đổi với phóng viên trong căn nhà số 740 Quang Trung của gia đình, anh Đoàn Thế Minh đã bớt đi phần nào sự căng thẳng, nhưng vẫn còn nguyên bức xúc khi kể lại sự việc, đặc biệt là trước thái độ phớt lờ trách nhiệm bảo vệ người dân, bảo vệ pháp luật của Công an phường Phú La, Hà Đông.
Theo tố cáo của anh Minh, sự việc khủng bố tinh thần của “tổ đặc nhiệm” thu hồi nợ ngân hàng diễn ra hôm 6/4 không phải là lần đầu tiên. Trước đó, vào các ngày 20/11/2015 và ngày 23/12/2015 cũng đã diễn ra những sự việc tương tự khi có đến hàng chục người mặc đồng phục dã chiến màu xanh thẫm, trang bị dùi cui điện, dùi cui cao su, lá chắn đến bao vây, dùng vũ lực để gây sức ép với gia đình anh.
Anh Minh bức xúc nhất là thái độ của công an phường sở tại: “Lần nào tôi cũng thông báo cho công an phường, họ chỉ nói rằng nếu nhóm người kia có biểu hiện quậy phá, gây rối, phá hoại tài sản thì chúng tôi mới can thiệp. Lần gần nhất là 6/4 vừa qua, tôi không ở nhà. Khi nhóm người ngân hàng đến phá cửa, các anh em tôi đã gọi điện cho cảnh sát 113, đáng tiếc là sau khi đến họ lại bàn giao cho công an phường.
Lực lượng thu hồi nợ của Techcombank vây kín nhà ông Minh.
Rất đông người dân chứng kiến sự việc đã thất vọng và lo lắng khi một đám đông hỗn độn, ầm ĩ gây mất trật tự, ùn tắc giao thông và làm xấu hình ảnh địa phương. Nếu như lúc đó các bên thiếu kiềm chế, gây hậu quả đổ máu, thậm chí thiệt mạng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm và sự có mặt của lực lượng bảo vệ trật tự có là thừa?
Ngân hàng nửa cưỡng chế, nửa gây sức ép lớn lên “con nợ”
Cách hành xử của Ngân hàng Techcombank ngoài việc làm mất an ninh trật tự ở khu phố còn khiến danh dự, tinh thần và uy tín của anh Minh và gia đình bị tổn hại nặng nề. Hiện nay, gia đình anh phải thuê một cửa hàng gần đó để công việc làm ăn không bị gián đoạn.
Nguyên nhân sự việc là vào ngày 1/12/2010, vợ chồng anh Minh ký kết với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam Hợp đồng tín dụng số 10789/HĐTD/TH-TN/TCB-SGO. Số tiền vay theo Hợp đồng là 20.000.000.000 đồng (hai mươi tỷ đồng); thời hạn vay 250 tháng. Tuy nhiên, do công việc không thuận lợi, hai bên đã xảy ra tranh chấp và phía Techcombank đã khởi kiện anh Minh tại Tòa án nhân dân quận Hà Đông. Hiện nay, tòa án vẫn đang thụ lý và chưa ra phán quyết về vụ việc trên, nhưng ngân hàng đã nóng vội và tự ý vượt quyền cơ quan chức năng để “thi hành án”.
Anh Minh cũng khẳng định: “Tôi làm ăn đàng hoàng và có nợ có trả. Hiện gia đình tôi vẫn tiếp tục buôn bán ở đây chứ không hề lẩn trốn. Tôi chấp nhận mọi điều kiện miễn là theo phán quyết của tòa án và đúng pháp luật, nhưng sẽ không đầu hàng trước kiểu dùng cả một tổ chức để cưỡng ép người dân yếu đuối như kiểu xã hội đen vậy”.
Nhìn nhận sự việc, nhiều luật sư đều đồng tình cho rằng, thực chất Ngân hàng Techcombank đang có hành động lửng lơ nửa cưỡng chế, nửa gây sức ép lớn lên “con nợ” để buộc họ phải chấp nhận cách giải quyết của mình. Và mọi hành vi đe dọa, phá khóa… tương tự đều vi phạm pháp luật nếu chưa có phán quyết của tòa án. Thậm chí hành vi tụ tập đông người với công cụ hỗ trợ còn phạm vào tội gây rối trật tự công cộng, nếu gây thiệt hại nặng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là còn chưa kể đến việc sử dụng lực lượng đông đảo cùng công cụ hỗ trợ như lực lực cảnh sát chuyên nghiệp có giấy phép hay không? Giấy phép cấp cho ngân hàng hay cho công ty thu hồi nợ?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.