Vượt lên sự kỳ thị với bệnh lao

30-03-2019 21:50 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Quảng Trị là một trong các tỉnh đạt hiệu quả cao về phòng chống lao của Việt Nam với kết quả phát hiện 600 người bệnh lao các thể và điều trị khỏi trên 90% người bệnh lao mỗi năm.

“Nói thiệt là ở quê mình có nhiều người mắc bệnh lao và sự kỳ thị với người bệnh lao ăn sâu trong cộng đồng từ bao đời rồi nên trong thời gian học Cao đẳng Kỹ thuật mình không dám, không đủ tự tin để chụp một tấm phim Xquang lao nào. Tới khi làm việc theo diện hợp đồng tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội của tỉnh, phụ trách phòng Xquang của Khoa Khám bệnh thì mỗi lần chụp Xquang lao mình đeo tới hai hoặc ba chiếc khẩu trang mà vẫn sợ. Nhưng mình cũng dần hiểu người bệnh lao rất đáng thương vì họ bị kỳ thị đến mức nhiều người bị trầm cảm, bị xa lánh đến tội nghiệp và rồi họ cũng không dám tiếp xúc với ai. Phần lớn người mắc bệnh lao là người già, người nghèo, có người bị câm và mỗi lần trò chuyện với họ là mình cảm thấy họ tự tin hẳn khi được hỏi han khỏe không rồi lần sau gặp lại là họ chủ động chào mình và cười nói với mình, ngay cả người câm ấy cũng hễ gặp là cười. Có lẽ vì vậy mà mình trở nên thích công việc chụp Xquang với người bệnh lao nên đã chủ động xin được làm việc ở Bệnh viện Chuyên khoa lao và bệnh phổi ngay từ ngày đầu bệnh viện được thành lập và đi vào hoạt động. Dù vậy mình vẫn không dám nói với gia đình về việc mình làm ở Bệnh viện Chuyên khoa lao và bệnh phổi của tỉnh trong một thời gian...”, Lê Thanh Vũ bộc bạch chuyện nghề của mình từ lúc học kỹ thuật viên hình ảnh y học đến lúc công tác ở Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội rồi là phụ trách kỹ thuật viên trưởng của Bệnh viện Chuyên khoa lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị. Đó là cơ duyên và cũng là lựa chọn của một người trẻ đã tự mình vượt qua sự kỳ thị với bệnh lao và người bệnh lao để sống và làm việc vì người bệnh lao...

Kỹ thuật viên Lê Thanh Vũ chụp Xquang cho người mắc bệnh lý về phổi tại giường bệnh và cho bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị.

Rất nhiều lần cùng tất cả 9 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Chuyên khoa lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị bưng chiếc máy Xquang nặng 3,5 tạ mỗi khi cần vận chuyển máy ra ôtô để đi khám sàng lọc bệnh lao ở tuyến xã cũng như đưa máy Xquang từ ôtô vào phòng chụp Xquang, đã có lúc bật khóc vì không biết phải làm sao để dựng buồng tối tráng rửa phim Xquang khi một mình đi cộng đồng là những chi tiết trong thực tiễn công tác khắc sâu vào tâm trí của kỹ thuật viên hình ảnh y học Lê Thanh Vũ. Từ năm 2011, Vũ thường xuyên tham gia các đợt khám sàng lọc chủ động ở các xã và các trại giam trong tỉnh theo kế hoạch của Chương trình Chống lao Quốc gia luôn cần máy Xquang nên hôm nào cũng phải tìm cách làm buồng tối để rửa và tráng phim lúc thì trên bãi đất trống, lúc thì ngay trong nhà vệ sinh của Trạm Y tế xã hoặc trại giam bằng cách dựng mấy khung sắt thật chắc chắn rồi phủ bạt lên. Đó là buồng tối dã chiến nhưng tối cần thiết vì các đợt khám sàng lọc bệnh lao ở cộng đồng yêu cầu phải trả ngay phim trực tiếp với người bệnh có ho, người đang có các triệu chứng nghi mắc lao được bác sĩ chỉ định chụp Xquang tại buổi khám nên kỹ thuật viên phải nhanh chóng rửa phim, phơi phim để bác sĩ đọc phim và có kết quả chẩn đoán ban đầu đối với từng người. Đi khám lao nhưng nhiều người bệnh không thể nán lại trạm y tế đợi để nhận kết quả chẩn đoán hình ảnh trên phim Xquang được, đặc biệt là bà con người dân tộc Vân Kiều và dân tộc Pa Cô ở miền núi như huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông do công việc sinh kế trên đồng áng, nương rẫy, trang trại, sông suối không ngơi lâu được đã bao đời nay vẫn nghĩ “người miềng có một cơn ho là rất bình thường”. Tuy là buồng tối dã chiến nhưng cũng phải đảm bảo yêu cầu tuyệt đối tối nên để hoàn thành chiếc buồng này thường mất trọn một buổi lao động và cần bốn hoặc năm người cùng làm. Trong một lần dựng buồng tối tại nơi khám sàng lọc bệnh lao ở xã Hải Thiện của huyện Hải Lăng, một khung sắt bất ngờ rơi vào đầu khiến Vũ phải khâu 3 mũi và tiêm vắc-xin phòng uốn ván...

Kỹ thuật viên Lê Thanh Vũ tham gia hội chẩn.

Kỹ thuật viên Lê Thanh Vũ tham gia hội chẩn.

Những bận rộn với các đợt khám định kỳ cho người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng virut và người nhiễm HIV tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone cũng như hoạt động khám, đo chức năng hô hấp ở người có triệu chứng nghi ngờ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính để tư vấn về điều trị do Bệnh viện Chuyên khoa lao và bệnh phổi phối hợp Trung tâm y tế dự phòng, các trung tâm y tế trong toàn tỉnh tổ chức vẫn không ngăn được kỹ thuật viên hình ảnh y học Lê Thanh Vũ trăn trở với suy nghĩ phải làm gì để rút ngắn thời gian dựng buồng tối dã chiến trong mỗi đợt khám sàng lọc chủ động bệnh lao tại cộng đồng ở các huyện trọng điểm lao như Hải Lăng, Đakrông, Hướng Hóa và bảo vệ máy chụp Xquang, bộ phận điều khiển và thiết bị rửa phim vào những hôm trời mưa. Với sự thôi thúc không ngừng từ động lực sáng tạo và cống hiến của tuổi trẻ, nhất là với một người trẻ đã tự nguyện gắn bó với chuyên khoa lao của ngành y tế tỉnh nhà, Vũ tiếp tục tham gia khám tầm soát bệnh lao ở các xã Pa Tầng và A Dơi của huyện Hướng Hóa, Trại giam Nghĩa An và Cơ sở giáo dục Hoàn Cát trên địa bàn huyện Cam Lộ là Vũ vẫn che phòng vệ sinh của trạm y tế hoặc trại giam lại làm buồng tối. Trong khi bác sĩ khám bệnh với người này thì Vũ chụp Xquang phổi của người kia, khi bác sĩ vui mừng thông báo với người không có tổn thương ở phổi là họ không bị nhiễm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao thì Vũ vẫn cẩn trọng với từng tấm phim Xquang chụp hình ảnh lá phổi của người sơ nhiễm lao, người mắc lao không có triệu chứng, người đã bị vi khuẩn lao làm xơ hoặc xẹp phổi, người “bữa trước có ho, đợt ni không ho nữa”... Trong những lần khám ở các xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa, hình ảnh Xquang do Vũ chụp có hôm đã giúp chương trình phát hiện 5 ca lao dương và có đợt phát hiện 46/48 người được chụp Xquang có tổn thương nghi lao thấy trên phim mà nhiều trong số họ là người trên 80 tuổi, người neo đơn. Nhìn thấy trên phim Xquang một hang ở đỉnh phổi của một cán bộ trại giam mà để giúp người đó không bị rơi vào tâm lý lo sợ và mặc cảm, Vũ đã nói “lần chụp này chất lượng phim xấu nên rất dễ nhầm khi chẩn đoán và anh hãy về Khoa Lao của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội của tỉnh để bác sĩ kiểm tra lại mới có khẳng định đúng”. Rồi người đó đã được điều trị lao và khỏi bệnh, trở thành một trong những trường hợp điển hình của việc khẳng định Quảng Trị là một trong các tỉnh đạt hiệu quả cao về phòng chống lao của Việt Nam với kết quả phát hiện 600 người bệnh lao các thể và điều trị khỏi trên 90% người bệnh lao mỗi năm.

Năm 2017, Bệnh viện Chuyên khoa lao và bệnh phổi được Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cấp chiếc xe bán tải thì trong tâm trí của kỹ thuật viên hình ảnh y học Lê Thanh Vũ đã lóe lên tia sáng của ý tưởng cải tiến thùng xe làm buồng tối. Cùng các nhân viên Khoa Cận lâm sàng của bệnh viện thực hiện trên 3.000 lượt chụp Xquang ở 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh và tham gia khám sàng lọc định kỳ đầu vào với trên 1.000 phạm nhân tại Trại giam Nghĩa An mỗi năm, Vũ hiểu đến tận cùng giá trị hiệu dụng của một buồng tối di động trong thực tiễn khám phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng cũng như việc đảm bảo an toàn đối với máy móc trong các đợt khám được triển khai ở các xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Giữa năm 2017, buồng tối trên thùng xe ôtô bán tải được hoàn thiện đảm bảo an toàn trong vận chuyển máy Xquang và kỹ thuật buồng tối rửa, tráng phim Xquang giúp bệnh viện triển khai các đợt khám sàng lọc, phát hiện bệnh lao tại cộng đồng dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả cao hơn với chi phí thấp hơn, thời gian ngắn hơn ở bất cứ địa bàn nào trong tỉnh, đặc biệt là các thôn, bản của các xã vùng sâu, vùng xa như xã A Vao, huyện Đakrông và xã Pa Tầng, huyện Hướng Hóa,... Với cải tiến kỹ thuật này, kỹ thuật viên hình ảnh y học Lê Thanh Vũ đang chuẩn bị bước vào tuổi hai mươi tám tự tin và chững chạc làm chủ đề tài Cải tiến kỹ thuật đảm bảo vận chuyển và kỹ thuật buồng tối từ thùng xe ôtô bán tải tại cộng đồng, cấp cơ sở năm 2018 của ngành y tế tỉnh Quảng Trị. Và với Vũ, sự ghi nhận và biểu dương, khen thưởng dành riêng mình qua cải tiến kỹ thuật này là một vinh dự nhưng ý nghĩa thiết thực của buồng tối trên thùng ôtô bán tải trong thực tiễn hoạt động hướng tới mục tiêu làm giảm sự lây lan của bệnh lao trong cộng đồng càng làm Vũ vui với nghề, yêu công việc mà mình đã lựa chọn.

Phụ trách Kỹ thuật viên trưởng của Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Chuyên khoa lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị, kỹ thuật viên hình ảnh y học Lê Thanh Vũ làm việc bằng sự nhiệt tình của tuổi trẻ và lòng yêu nghề của một cán bộ y tế vì người bệnh lao mà đã thầm lặng đi qua, vượt lên sự kỳ thị đối với bệnh lao và người bệnh lao vẫn còn nhiều ảnh hưởng rất đáng lo ngại trong cộng đồng.


Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ BỘI NHIÊN
Ý kiến của bạn