Hoàng Thu Phố là một trong 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai, dân số gần 99% là đồng bào dân tộc Mông, nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều hủ tục lạc hậu còn duy trì… Do vậy, để làm tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân đặc biệt là trong đợt dịch COVID-19, những cán bộ y tế nơi đây phải cố gắng rất nhiều.
Kể về đợt chống dịch COVID-19 vừa qua, y sĩ Đoàn Linh Chi - Trạm trưởng Trạm y tế xã Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) cho biết, để công tác phòng chống dịch COVID-19 diễn ra hiệu quả, những cán bộ y tế nơi đây phải áp dụng linh hoạt rất nhiều biện pháp qua hệ thống loa phát thanh, zalo, điện thoại, đặc biệt là bám bản mỗi ngày.
Với các địa phương khác, việc tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, các chính sách y tế hay các chương trình như tiêm chủng mở rộng, lao, HIV… có thể thực hiện bằng hệ thống loa phát thanh, nhưng với các xã vùng cao, địa hình núi khuất, dân cư thưa thớt hệ thống loa phát thanh chỉ bao phủ được một phần, người dân phần lớn lại không biết sử dụng điện thoại thông minh, do vậy biện pháp thiết thực nhất vẫn là truyền thông trực tiếp.
Cán bộ y tế phải đến từng nhà vận động, tuyên truyền, cầm tay chỉ việc trong từng hoạt động như vệ sinh nhà ở, môi trường sống để phòng dịch bệnh, hay như việc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, vệ sinh sát khuẩn tay thường xuyên, tuyên truyền lợi ích của vaccine để thực hiện tiêm chủng đầy đủ…
Trạm y tế xã Hoàng Thu Phố có 6 nhân viên thì chỉ có một cán bộ nam nhưng lại phụ trách bên dược, không đảm nhiệm công tác trực chuyên môn, nên việc đi cấp cứu tại thôn bản phần lớn là các chị em đảm nhiệm, lại thêm địa bàn rộng, địa hình đồi núi chia cắt việc đi lại khó khăn nên các nhân viên y tế gặp khó rất nhiều trong công việc.
Y sĩ Chi cho biết, thời gian đầu khi còn thực hiện truy vết, khai báo y tế, những hôm người dân đi làm ăn xa trở về, đang đêm hôm bất kể là mưa lạnh, gió rét nhận được tin báo nhân viên y tế phải tức tốc lên đường ngay.
Có những lần trong bản có người cấp cứu, 2 -3 giờ sáng các chị vượt hàng chục km đường rừng tăm tối vào bản. "Những ngày trời khô ráo không sao, trúng hôm trời mưa gió đường lầy lội, trơn trượt phải vừa đi vừa dò đường, qua những đoạn đèo dốc không đi được phải bỏ cả xe ở đó đi bộ vào bản, đường nhỏ một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, chỉ sơ sảy một chút là có thể mất mạng, đêm tối vừa đi vừa cầu nguyện cho bản thân được an toàn để kịp thời cứu chữa bệnh nhân, y sĩ Chi nói.
Cách đây ít hôm, khi đang trực tại trạm nhận được tin báo trong bản có trường hợp băng huyết. Lúc đó là 3 giờ sáng, từ trạm y tế xuống thôn cách cả chục cây số, mình chị trên con xe cà tàng cấp tốc phi thẳng đến nhà bệnh nhân.
Sau khi thực hiện sơ cứu, chị nhanh chóng cùng người nhà đưa người bệnh đi cấp cứu. Tuy nhiên tuyến đường vào bản nhỏ hẹp xe cấp cứu không vào được, chị cùng người nhà phải vận chuyển bệnh nhân bằng cáng đi bộ 6km mới ra được đường lớn nơi xe cấp cứu dừng đỗ.
"Rất may đã cứu chữa được người bệnh. Khi mình tiếp cận với sản phụ huyết áp chỉ còn 70/40 mà lúc đó ven rất khó lấy, không dám chần chừ bằng những kinh nghiệm và kiến thức đã có mình cố gắng cấp cứu, may mắn phép màu đã đến với người bệnh" y sĩ Chi kể.
Ngày nay, để làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, cũng như giảm khó khăn cho nhân viên y tế, Trạm y tế xã Hoàng Thu Phố đã chủ động kết nối với lứa tuổi trẻ ở các thôn bản qua các ứng dụng điện thoại như zalo, facebook.
Đây là cách nhanh nhất và cũng thuận tiện nhất để tiếp cận với người dân cũng như nắm bắt tình hình trong bản. Có chính sách mới nhân viên y tế trạm đều hướng dẫn, tuyên truyền cho các đối tượng trẻ trước, sau đó họ sẽ tuyên truyền cho người lớn tuổi trong gia đình. Biện pháp này rất hiệu quả, nhất là trong dợt dịch vừa qua khi tuyên truyền về công tác tiêm chủng vaccine COVID-19.
Ban đầu người dân không tin tưởng vào hiệu quả của vaccine nên tỷ lệ chấp thuận tiêm vaccine rất thấp, sau đó qua công tác tuyên truyền cho các đối tượng trẻ, vận động họ tiêm chủng đầy đủ, từ đó các đối tượng này lại tuyên truyền vận động lại cho người thân về lợi ích của vaccine.
Những hộ khó khăn, không có phương tiện di chuyển, y tế xã phối hợp với lực lượng công an, quân sự hỗ trợ đưa đón đến điểm tiêm đồng thời triển khai tiêm lưu động cho các trường hợp người cao tuổi khó khăn khi đi lại.
Nhờ đó tỷ lệ tiêm vaccine của Hoàng Thu Phố đạt rất cao, 100% với mũi 1, mũi 2 chỉ trừ một số trường hợp vắng mặt do đi làm ăn xa. So với mặt bằng chung của huyện Bắc Hà (Lào Cai), tỷ lệ tiêm chủng của xã tương đối tốt.
Với những nỗ lực cố gắng của đội ngũ nhân viên y tế và chính quyền địa phương, nhiều hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã vùng sâu Hoàng Thu Phố đã dần được xóa bỏ, tỷ lệ sinh tại nhà ít hơn, khi có bệnh người dân đã biết đến trạm y tế xã thăm khám, lấy thuốc, việc cúng bái để điều trị bệnh cũng không còn cổ hủ như ngày xưa…
Hiện nay khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, quay trở lại với công việc chuyên môn hàng ngày các chị vẫn không ngừng nỗ lực nâng cao kiến thức chuyên môn để hỗ trợ người dân được tốt hơn. Bên cạnh đó còn tích cực tham gia công tác thiện nguyện, kêu gọi hỗ trợ cho các em nhỏ và những gia đình khó khăn.
"Theo Đề án 1816, hiện Trạm y tế xã Hoàng Thu phố có một bác sĩ của Trung tâm y tế huyện về trạm hỗ trợ khám bệnh cho người dân vào 2 ngày trong tuần. Tuy nhiên như vậy là khá ít, hy vọng sắp tới đây trạm có một bác sĩ làm việc thường xuyên để người dân được hưởng các dịch vụ khám chữa bệnh nâng cao, sức khỏe người dân được chăm sóc tốt hơn", y sĩ Chi bày tỏ.