"Vượt COVID-19", đảm bảo công tác truyền thông sức khỏe sinh sản cho tuổi vị thành niên

22-11-2021 15:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các hoạt động truyền thông trực tiếp bị hạn chế, song với nỗ lực vượt qua khó khăn của đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ dân số, cộng tác viên dân số, Chiến dịch 2021 nhằm truyền thông sức khoẻ sinh sản tại Hải Phòng đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Khó khăn từ dịch bệnh

Năm 2021, thành phố Hải Phòng triển khai chiến dịch truyền thông, tư vấn chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ năm 2021 (gọi tắt là Chiến dịch) từ ngày 01/6 đến ngày 31/8/2021. Theo đó, Chiến dịch được tổ chức tại 208/217 xã, phường, thị trấn có mức sinh cao, chưa ổn định, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao, tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai còn thấp; tiếp cận dịch vụ tiếp thị xã hội, xã hội hóa sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và phương tiện tránh thai (PTTT) hạn chế; vùng hải đảo và ven biển. 

"Vượt COVID-19", đảm bảo công tác truyền thông sức khỏe sinh sản cho tuổi vị thành niên - Ảnh 1.

Các em học sinh hứng thú với những buổi ngoại khoá giáo dục về sức khoẻ sinh sản

Với mục tiêu của Chiến dịch là đảm bảo 90% trở lên các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên thuộc địa bàn Chiến dịch được cung cấp thông tin, được tư vấn các kỹ năng, kiến thức về chăm sóc SKSS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ); phấn đấu hoàn thành 50% chỉ tiêu kế hoạch năm về các biện pháp tránh thai (BPTT) lâm sàng; đảm bảo 100% đối tượng thuộc diện được miễn phí theo quy định có nhu cầu thực hiện BPTT hiện đại trong Chiến dịch được cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ miễn phí; phấn đấu hoàn thành 30% trở lên chỉ tiêu giao về tiếp thị xã hội, xã hội hóa cung cấp PTTT năm 2021.

Chiến dịch năm 2021 được thực hiện trong điều kiện hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các hoạt động truyền thông trực tiếp, truyền thông đông người bị hạn chế, khó khăn trong việc tiếp cận, gặp gỡ đối tượng, tâm lý người dân e ngại đến các cơ sở y tế trong đợt dịch COVID-19 bùng phát sẽ không an toàn đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tư vấn, vận động và thực hiện các chỉ tiêu BPTT lâm sàng.

Ngoài ra, một số khó khăn khi kết thúc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020, không còn nguồn kinh phí Trung ương cấp cho chương trình DS-KHHGĐ; nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương bổ sung hạn chế, chưa có kinh phí cho công tác truyền thông nên ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai hoạt động Chiến dịch.

Linh hoạt các giải pháp

Song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ quận, huyện đến xã, phường; sự phối kết hợp chặt chẽ của các ban, ngành đoàn thể, sự nhiệt tình, sáng tạo, chủ động, tinh thần trách nhiệm cao vượt qua khó khăn của đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ dân số, cộng tác viên dân số, Chiến dịch 2021 đã đạt được một số kết quả nổi bật: Toàn thành phố cắt treo 436 băng zôn; 921 khẩu hiệu, 28.745 tờ rơi; viết hơn 958 tin bài phát thanh, truyền thanh với thời lượng hơn 11.480 phút; tổ chức 75 hội nghị truyền thông, nói chuyện chuyên đề cho 1.050 lượt đối tượng; 2.112 cuộc tư vấn, nói chuyện nhóm nhỏ thu hút 13.594 đối tượng; cán bộ y tế tư vấn tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn cho 13.545 đối tượng; đặc biệt là đội ngũ CTV tổ chức 16.602 lượt tư vấn tại hộ gia đình cho 28.933 đối tượng địa bàn.

"Vượt COVID-19", đảm bảo công tác truyền thông sức khỏe sinh sản cho tuổi vị thành niên - Ảnh 2.

Hoạt động tuyên truyền diễn ra dưới nhiều hình thức linh hoạt

Bên cạnh đó việc đổi mới, đẩy mạnh truyền thông thông qua các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet với 416 tin bài trên Zalo và 693 tin bài trên Facebook phát huy được hiệu quả tuyên truyền rộng, phù hợp trong điều kiện dịch bệnh.

Đặc biệt, trong thời gian triển khai Chiến dịch,14/14 quận huyện đã tham gia hưởng ứng cuộc thi "Thử thách làm tuyên truyền viên Dân số" do Tổng cục Dân số-KHHGĐ phát động (từ ngày 27/7 đến 27/8/2021) nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục về chăm sóc SKSS/KHHGĐ với 171 bài dự thi hợp lệ trên trang TikTok thu hút 16.588 lượt like, 71.381 lượt chia sẻ và trên Facebook, trang Fanpage của Chi cục Dân số,Trung tâm Dân số các quận huyện thu hút 7.994 lượt like, 1.769 lượt chia sẻ, 3.869 lượt bình luận. Tại cuộc thi này, Hải Phòng đạt 03 giải thưởng (01 giải ba tập thể, 01 giải nhì, 01 giải khuyến khích cá nhân).

Công tác đáp ứng dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ được tăng cường đảm bảo an toàn, thuận tiện cũng như đa dạng về các BPTT với kết quả tại các xã, phường trọng điểm:  Khám phụ khoa cho 14.772 người, trong đó có 4.819 người mắc bệnh, điều trị cho 4.294 người; đặt dụng cụ tử cung 7.526 ca đạt 105% kế hoạch chiến dịch (KHCD), thuốc tiêm tránh thai 141 ca đạt 92% KHCD, thuốc cấy tránh thai 98 ca đạt 134% KHCD, đình sản 19 ca.

Trong điều kiện đối tượng được miễn phí PTTT ngày càng thu hẹp để đảm bảo đáp ứng nhu cầu KHHGĐ của người dân, năm 2021 là năm đầu tiên Chiến dịch triển khai thực hiện chỉ tiêu tiếp thị xã hội, xã hóa các PTTT đã đạt những kết quả nhất định: Dụng cụ tử cung 1.458 chiếc đạt 101% KHCD, Viên uống thai 4.400 vỉ đạt 82% KHCD, Bao cao su 42.063 chiếc đạt 144% KHCD.

Trong thời gian tới, cán bộ dân số và CTV tiếp tục rà soát địa bàn, quản lý chặt chẽ đối tượng chưa áp dụng biện pháp tránh thai, huy động, tư vấn đối tượng đến cơ sở y tế đảm bảo đáp ứng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. 

Đẩy mạnh tiếp thị xã hội, xã hội hóa PTTT thông qua hệ thống y tế công lập và tư nhân để người dân được tiếp cận đa dạng với các loại PTTT phù hợp nhu cầu. Ngoài ra, để phù hợp với tình hình dịch bệnh, bên cạnh công tác tư vấn trực tiếp của cán bộ y tế, cán bộ dân số và CTV dân số cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên nền tảng công nghệ số (Zalo, Facebook, TikTok, Youtube), tuyên truyền trực quan bằng panô, áp phích, khẩu hiệu và tăng cường tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền thanh của địa phương các nội dung chuyên đề về chăm sóc SKSS, chính sách dân số và phát triển giai đoạn hiện nay.

Mời độc giả xem thêm video:

video-1637325421


Minh Thu
Ý kiến của bạn