Hơn 1 năm sau ca cấp cứu đặc biệt hồi tháng 8/2015 cho bệnh nhân đờ tử cung trong điều kiện huyện đảo không có máu truyền, không biết nhóm máu của bệnh nhân, thuốc đặc trị không có, bác sĩ Nguyễn Tiến Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế Cô Tô, Quảng Ninh vẫn còn rất hồi hộp. Giờ bệnh nhân đã khỏe và thỉnh thoảng lại ra thăm bệnh viện, ông Phương luôn nhắc chị ấy về người ân nhân ở đất liền: ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh, người đã vượt biển ra đảo ngay trong đêm để phẫu thuật cứu người.
Học cách cứu người từ những thất bại
Trên tường của địa chỉ facebook có tên là Hunghoi Dr, chủ nhân - bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng đã để một clip ngắn: Sương mờ trên biển Hạ Long. Ấy là clip ông quay bằng điện thoại lúc gần sáng một ngày giữa năm 2015, khi ông rời đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh sau một ca phẫu thuật cho bệnh nhân ruột thừa. Hôm ấy, bác sĩ Hùng nhận được điện thoại lúc 11h đêm về một ca mổ khó, ở Trung tâm Y tế Cô Tô, bác sĩ Phương đã mở ổ bụng bệnh nhân, đã nhìn thấy ruột thừa nhưng tiên lượng khả năng khó bóc vì sợ sẽ chảy máu nhiều, các bác sĩ Cô Tô đành tích cực hồi sức và tạm đậy ổ bụng bệnh nhân chờ cứu viện...
BS. Hùng trong phòng mổ.
“Ngay trong đêm, bác sĩ Hùng đã đi tàu cao tốc ra Cô Tô, lúc ấy gió Nam thổi mạnh, nhà tàu rất e ngại về mức độ an toàn, nhưng anh Hùng quyết tâm ra để cứu bệnh nhân. Rất may, sau gần 1 giờ vượt biển, anh ấy ra đến Cô Tô và ca mổ đã hoàn tất, bệnh nhân được cứu sống, 4h sáng anh Hùng lại quay về đất liền vì ngày hôm sau có cuộc họp quan trọng” - bác sĩ Phương chia sẻ về người đồng nghiệp, người bạn ở đất liền. Nhưng hôm ấy ông Phương không biết trên đường về, người đồng nghiệp Nguyễn Quốc Hùng đã gặp được sương mờ giăng trên biển, mà như ông Hùng nói là một “may mắn” vì không có nhiều nghề nghiệp có dịp được đi biển đêm như ông và gặp được sương giăng.
Có chứng chỉ bác sĩ ngoại nhi từ những năm 1986-1987, nhưng ông Hùng lại chính thức bắt đầu nghề bác sĩ ở lĩnh vực ngoại khoa cho người lớn, rồi phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư, phẫu thuật sọ não, phát triển phẫu thuật nội soi, rồi khi về Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, ông lại có cơ hội phát triển hai lĩnh vực là phẫu thuật điều trị ung thư ở phụ nữ và ngoại nhi. “Bác sĩ ở địa phương như chúng tôi phải làm rất nhiều lĩnh vực, cả tỉnh Quảng Ninh này chỉ còn hai phòng mổ của hai bệnh viện là tôi chưa đến. Và trong ngoại khoa có lẽ chỉ có mổ đẻ là tôi chưa từng làm” - bác sĩ Hùng cười rất hiền, chia sẻ.
Làm giám đốc một bệnh viện rất trẻ, mới hơn 3 “tuổi”, nhưng những gì ông Hùng và các cộng sự xây dựng được cho Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là rất đáng tự hào. Trên tường bệnh viện, một tấm bảng ngay ngắn hướng dẫn tác phong của các thầy thuốc: gương mặt luôn tươi cười vui vẻ ân cần, nụ cười thường trực trên môi, đưa đồ vật bằng hai tay thể hiện sự kính trọng, thân thiện, hòa nhã, vui vẻ, cảm thông với bệnh nhân. Sân bệnh viện đầy hoa và cây xanh, có phòng chờ cho người thân bệnh nhân hết sức thân thiện. Mới thoạt nhìn, nhiều người tưởng đây là bệnh viện tư, nhưng không, đây là một bệnh viện công lập hoàn toàn và ngay cuối năm 2013 những cán bộ đầu tiên của bệnh viện đã đến gây dựng bệnh viện mới này khi chưa có lối vào tòa nhà đang xây và gần hai tháng không có lương! “Chúng tôi gây dựng bệnh viện không phải là từ những cái mới, mà từ những điểm ít người để ý đến như ban giám đốc không bao giờ đóng cửa và tắt điện thoại, từ lời chào thân thiện với bệnh nhân hay trang phục gọn gàng” - ông Hùng nói.
Trong danh bạ điện thoại của bác sĩ Hùng có một bệnh nhân ở Hà Nội năm trước đã đi du lịch Cô Tô. Chị ấy được phát hiện có thai ngoài tử cung, khối thai đã vỡ và bệnh nhân có thể tử vong nếu chuyển về đất liền. Cô Tô điện về đất liền và nhóm của bác sĩ Hùng ngay lập tức lại lên đường ra đảo. Ra đảo, bệnh nhân không có người thân ký giấy mổ, bác sĩ Hùng nhờ bạn bè chị ấy ký, nếu không... bác sĩ sẽ ký! Chị Tạ Thị Thu Hợp, Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, người đã tham gia kíp kỹ thuật hồi hộp kể rằng, hôm ấy ngày biển động, sóng rất cao, 8 anh chị lên chiếc xuồng vốn chứa được 4 người, vì chưa xét nghiệm được nhóm máu của bệnh nhân nên đoàn phải mang theo 30 đơn vị máu các nhóm ra đảo để dự phòng. Chị kể: “Ra đến đảo cấp cứu được bệnh nhân, đợi bệnh nhân ổn định chúng tôi đưa lên thuyền về đất liền. Thuyền có một chiếc ghế dài dành cho bệnh nhân nằm, còn chúng tôi ngồi dưới lòng thuyền. Gần vào bờ thì đưa bệnh nhân vào cáng và lội nước thay nhau khiêng vì tàu đánh cá họ kiêng, không cho cáng đi qua. May mắn bệnh nhân đã được cứu sống”.
Gần 30 năm cầm dao mổ, trong phòng mổ bác sĩ ngoại khoa phải thật quyết đoán để tìm cách nào tốt nhất cứu sống bệnh nhân, nhưng khi trò chuyện, bác sĩ Hùng rất trầm tư. Ông nói, có những ca bệnh ông thất bại và đã học được rất nhiều từ những thất bại ấy. “Năm 2001, khi nhìn các bác sĩ bệnh viện Trung ương phẫu thuật, tôi đã nghĩ bao giờ Quảng Ninh mổ được lồng ngực? Rồi Quảng Ninh mổ được lồng ngực và nhiều kỹ thuật khác. Mỗi năm chúng tôi mong phát triển thêm một kỹ thuật mới. Sang năm 2017 chắc chắn chúng tôi sẽ phát triển phẫu thuật tim mạch ở Quảng Ninh” - bác sĩ Hùng tâm sự.
BS. Hùng (bìa trái) đón bệnh nhân đến thăm khám tại bệnh viện.
Hãy cho đi, rồi sẽ được nhận lại
Nghề nghiệp cho tôi nhiều cơ hội được chứng kiến những giây phút hạnh phúc khi người bệnh được khỏe mạnh trở lại, được ra viện, nhưng cũng cho tôi được chứng kiến những giây phút người thân phải xa lìa lẫn nhau. Những người bác sĩ như ông Hùng cũng vậy, mỗi một bệnh nhân là một câu chuyện, sự sống của mỗi người đều là vô giá và sứ mệnh của người thầy thuốc là sứ mệnh sự sống. Thời gian qua, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh được tỉnh giao hỗ trợ chuyên môn cho Trung tâm Y tế Cô Tô, thì cứ có ca bệnh khó là các bác sĩ lên đường kể cả trong đêm. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ bất cứ điều gì các đồng nghiệp Cô Tô cần” - bác sĩ Hùng khẳng định. Mà không chỉ Cô Tô, những ca bệnh khó khắp Quảng Ninh đã đến, là bệnh viện tuyến tỉnh nhưng bác sĩ Hùng và các đồng nghiệp đã mổ những ca rất khó như phẫu thuật cho bé 35 ngày tuổi bị dao quắm xuyên trán, bé sơ sinh 5 ngày tuổi bị nang phổi bẩm sinh...
Khi ngỏ lời mời ra thăm đảo và thăm những bệnh nhân được cứu sống những năm qua, bác sĩ Phương kể với chúng tôi rằng, nhiều người ra đảo đã tới thăm ngôi mộ của một cặp mẹ - con đã qua đời trong tai biến sản khoa ở đây. Sản và nhi là hai lĩnh vực Cô Tô gặp khó và đã được gỡ khó rất nhiều từ khi có hỗ trợ từ các đồng nghiệp từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Điều tôi nhận được khi nhìn những người thầy thuốc ở đây là sự nồng hậu trong đôi mắt của họ. Họ nhiệt tâm với sứ mệnh sự sống của mình. Họ đang cho đi niềm vui và nhận lại niềm tin...