Nhưng rồi, chính tình yêu, sự chân thành và những lý lẽ riêng của nó đã truyền cho tôi sức mạnh vượt lên trong cuộc sống với niềm hạnh phúc không gì đong đếm nổi”- anh Y Hăm Ni Phung ở Buôn Cùi (xã Ea Trang, huyện Ma Đ’rắc, Đắc Lắc) giãi bầy về mối tình đầy cảm động đã cứu rỗi nỗi đau thân xác của mình như vậy. Ở vùng đất này còn có nhiều nghĩa tình giúp các thân phận kết nối, nương tựa vào nhau vượt qua những gian khó.
Khát vọng mới
Bao năm nay Buôn Cùi có hàng loạt người mắc căn bệnh phong quái ác đã tìm đến sinh sống. Không lâu trước, bao trùm cả buôn là cảnh thiếu thốn, không điện, không trường, không nước sạch nhưng trở lại Buôn Cùi vào những ngày đầu năm 2018 điện đã được kéo vào từng nhà, trẻ em đã háo hức đến trường.
Anh Y Hăm Ni Phung khoe rằng; Ba năm trước mình cô đơn lắm, nỗi buồn thân phận làm mình chỉ biết co cụm trong nhà thôi. Cho tới ngày, bước ra khỏi làng, gặp H’Nhung (người xã Ninh Tây, Ninh Hòa, Khánh Hòa) trên rẫy mía và rung động trước vẻ mộc mạc của cô ấy nên mình quyết định vỡ vạc đất để làm ăn với một bàn tay lành lặn. Là người tiên phong rũ bỏ mặc cảm, với đôi tay bị rụng mất mấy ngón vì bệnh phong nhưng Ni Phung làm việc không thua người bình thường. Chẳng mấy chốc, miếng đất hoang đã thành nương mía xanh tươi. Mến cái chăm chỉ, cái thật thà của Ni Phung, cô sơn nữ H’Nhung đã thương rồi họ thành vợ chồng. Tình yêu đã góp phần làm thay đổi cuộc đời Ni Phung.
Những đứa con của vợ chồng Ni Phung ra đời hoàn toàn lành lặn, không mang trên mình bệnh phong đã nhân lên khát vọng hòa nhập với cộng đồng các buôn làng khác. Chị Nhung bộc bạch rằng; Trước chồng mình cứ nghĩ bị phong rồi thì không được lấy vợ, chỉ nên quanh quẩn ở buôn nhưng đó là ý nghĩ sai, giờ các thành viên ở Buôn Cùi đã cởi bỏ mặc cảm và ý nghĩ đó rồi.
Nhìn đám trẻ của buôn quây quần dưới nếp nhà gỗ, bà H’Linh đã đi qua 65 mùa rẫy như bừng thức niềm vui và tràn đầy hy vọng, chia sẻ rằng; Thế hệ chúng tôi ai cũng bị rụng ngón tay, ngón chân. Không biết chữ, không biết đi xe đạp. Nhưng giờ trẻ nhỏ biết gọi điện thoại, biết đọc chữ, buôn có điện sáng trưng, nhà cửa kiên cố, không sợ mưa bão nên mừng rơn. Mọi khát vọng rồn cả vào lớp trẻ. Nhiều đứa lên 8, lên 10 mới bắt đầu bập bẹ đi học đánh vần. Ban đầu chúng thấy khó hơn đi làm rẫy nhiều nhưng thạo được một chữ là thêm một niềm vui nên lại đi học tiếp. Người Buôn Cùi cũng đã hiểu tâm nguyện các thầy cô giáo khi đến vận động nên vui vẻ cho con em đến trường chứ không như trước đây nữa.
Đứng cạnh bà H’Linh, anh Y Long chia sẻ thêm; Không chỉ trẻ con đến trường mà những lao động chính của buôn như chúng tôi đang dần biến những thửa đất cằn cỗi thành nương rẫy xanh tốt. Trước đây tôi và nhiều người khác đều bị bệnh phong, ai cũng khuyết tật hết, chán nản chỉ biết chìm đắm trong rượu. Nhưng càng nản càng túng quẩn, càng thấy cuộc sống bế tắc nên khi Nhà nước vận động áp dụng kỹ thuật vào làm nông nghiệp thì hưởng ứng ngày. Mùa vụ thì làm ruộng, làm rẫy. Lúc rỗi thì đi lấy cây đót làm chổi bán.
Ở Buôn Cùi nhiều người cũng cảm phục chuyện vợ chồng anh Y Thanh và chị H’ Nhút. Hai vợ chồng đều bị bệnh phong, anh Y Thanh đã từng buồn chán, cùng quẫn vì bệnh tật và định nhảy xuống núi nhưng rồi nghĩ đến đứa con thơ lại thôi. Chứng kiến cảnh người vợ tần tảo, bị rụng hai ngón tay từng ngày chăm sóc mình những lúc nằm liệt giường không ít lần Y Thanh bật khóc. Xúc động, anh nhớ lại; Hồi đó mình bị phong lại không may ngã xe nên phải nằm liệt suốt mấy tháng trời. Lúc đó tất cả công việc đều dồn lên vai H’ Nhút. Có hôm cô ấy cuốc rẫy đến tứa máu tay mà mình không giúp gì được nên cái bụng mình cồn cào lắm. Khi biết mình có ý đinh tự tử, Nhút khóc suốt đêm và dọa sẽ chết theo nên mình quyết tâm phải vui vẻ để vượt qua bệnh tật. Giờ sức khỏe hồi phục, có thể trồng cây bơ theo kỹ thuật mới, còn biết chăn nuôi nữa. Lúc nông nhàn còn đi làm thêm cho nhiều trang trại để có thêm thu nhập. Nếu chỉ đi lấy cây đót và lấy củi bán thôi thì cuộc sống chỉ đủ trang trải qua ngày.
Buôn Cùi đã có điện thắp sáng và nước sạch
Nương tựa nhau vượt dông gió
Men theo con đường mòn lởm chởm đất đá, chúng tôi đến nhà H’Lim. Sau một hồi tâm sự bên bình trà hãm từ lá cây rừng, H’Lim nghẹn ngào; Hồi đó, mình mắc bệnh phong mà đâu có biết gì. Cứ sợ người khác xa lánh, hắt hủi. Cũng do mặc cảm, không dám đến bệnh viện chữa trị nên mình đã bị rụng mất mấy ngón chân và 2 ngón tay. Ám ảnh nhất là cái năm nắng nóng triền miên, nương rẫy khô khốc, hai vợ chồng chỉ biết ăn củ sắn, củ mì. Nhưng rồi lòng cần cù cộng với những sự quan tâm của chính quyền nên những cư dân Buôn Cùi đã dần vượt khó và kết nối với nhiều vùng đất khác trao đổi kiến thức, mở rộng giao lưu. Đặc biệt, nhiều người ở dưới xuôi còn lên nhận kết nghĩa với người ở Buôn Cùi để đỡ đần, san sẻ gian khó với chúng tôi nữa. Khao khát hòa nhập đã thành hiện thực, nhiều buôn làng trong và ngoài huyện Ma Đ’rắc rồi cả những thành phố dưới xuôi nữa hay có các đoàn lên thăm, tặng quà và giao lưu nên cuộc sống buôn Cùi có thêm sinh lực hơn, vui tươi hơn, đầm ấm hơn.
Thế hệ trẻ của Buôn Cùi dần hết ám ảnh bệnh tật
Tiếp lời bà H’Lim, bà H’Khét bảo; Gia đình mình được một chủ trang trại ở Ninh Tây (Ninh Hòa, Khánh Hòa) giúp đỡ, thỉnh thoảng họ mang chăn màn, sách vở lên cho bọn trẻ và còn thường xuyên hỏi thăm nữa nên tôi luôn nghĩ người miền xuôi cũng là anh em.
Nhiều lần vượt đèo từ Ninh Hòa (Khánh Hòa) lên Buôn Cùi hướng dẫn cách chăn nuôi và tặng quà cho người dân, cựu chiến binh Lê Nam Hải tâm tình; Mỗi khi trở lại vùng đất này như có điều gì đó níu kéo mình ở lại. Thời chiến tranh chống Mỹ, nhiều buôn làng ở Ma Đ’rắc đã đùm bọc, che trở bộ đội nên giờ thấy ở đâu còn hạn chế về phát triển kinh tế chúng tôi liền tìm đến để tiếp thêm cho họ nghị lực, dẫu còn nhọc nhằn nhưng có ý chí thì cuộc sống sẽ dần ấm no hơn. Như thành thông lệ, ông Hải vận động thêm nhiều cựu chiến binh khác từng một thời hoạt động trong các cơ sở cách mang ở Tây Nguyên hàng tháng cùng nhau đến Buôn Cùi và các buôn làng khác để “chia ngọt, sẻ bùi”.
Theo UBND xã Ea Trang thì; Buôn Cùi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền địa phương đang từng bước vận động bà con thay đổi các tập quán cũ, lạc hậu đồng thời thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, nhất là vào các dịp Lễ, Tết. Việc vận động trẻ đến trường đúng độ tuổi cũng được làm thường xuyên, công tác thăm khám bệnh cho người dân Buôn Cùi cũng được Trạm y tế xã Ea Trang quan tâm đặc biệt nên lớp trẻ ở Buôn Cùi không còn phải gánh chịu nỗi ám ảnh bệnh tật nữa.