Vương quốc Anh cam kết 2 triệu bảng giúp Việt Nam bảo vệ tương lai đồng bằng

15-01-2020 21:35 | Quốc tế
google news

SKĐS - Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mê Kông là những hệ thống sinh thái-xã hội và nguồn lương thực chủ chốt. Tuy nhiên, đồng bằng và sinh kế của người dân địa phương đang phải đối mặt với những mối đe dọa lớn từ sự khai thác của con người và suy thoái môi trường.

Việt Nam hiện được xác định là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo đánh giá, 70% diện tích đồng bằng sông Mekong dễ bị lũ lụt, gây ảnh hưởng tới 7 triệu người. 25% diện tích Việt Nam dự đoán là sẽ không sử dụng được vào năm 2100 do nước biển dâng.

Khi rủi ro tăng lên, nhu cầu về các chiến lược phát triển bền vững tại địa phương dựa trên kiến thức bản địa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh này, Dự án Nghiên cứu Đồng bằng (Living Deltas Hub) do ĐH Newcastle chủ trì, kéo dài 5 năm với mục tiêu bảo vệ tương lai đồng bằng dựa trên xây dựng khả năng thích ứng của các cộng đồng và thúc đẩy phát triển bền vững. Dự án do Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu của Vương quốc Anh (GCRF) tài trợ. Tại Việt Nam, dự án được triển khai tại đồng bằng sông Hồng và sông Mê Kông với sự tham gia của 6 tổ chức nghiên cứu thành viên.

Dự án hoạt động dựa trên mô hình hợp tác công bằng với sự tham gia chặt chẽ của những người dân sinh sống tại đồng bằng và cộng đồng nghiên cứu địa phương, cùng làm việc để tăng cường năng lực, phát triển kiến thức và hiểu biết về:

  • Sự thay đổi văn hóa, di sản và sinh kế tại các vùng đồng bằng, trong đó có các vấn đề liên quan đến giới tính và thanh niên
  • Đánh giá đặc tính và rủi ro tại các vùng đồng bằng
  • Điều kiện tự nhiên và thay đổi môi trường
  • Các biện pháp can thiệp ở khu vực ven biển để tăng khả năng chống chịu.

Tới dự Lễ khởi động tại Hà Nội & Tp.HCM có đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Buổi lễ cũng có sự tham gia của đại diện UBND và các cơ quan chính phủ từ các tỉnh thành liên quan ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mê Kông.

Giáo sư Andy Large, Giám đốc Dự án thuộc trường ĐH Newcastle cho biết: “Đây là một dự án rất cấp thiết. Khi tác động của con người tăng lên, các chiến lược phát triển bền vững dựa trên kiến thức địa phương càng trở nên quan trọng.”

Giáo sư Andy Large, Giám đốc Dự án Nghiên cứu Đồng bằng (Living Deltas Hub)

Khả năng chống chịu của vùng ven biển bị suy giảm do mất rừng ngập mặn, kéo theo các ảnh hưởng về văn hoá và đời sống của cộng đồng địa phương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em,Tiến sỹ Lê Thị Vân Huệ, Nghiên cứu viên chính, Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐHQG Hà Nội cho biết.

"Dự án này là một trong những khoản đầu tư tham vọng nhất của Vương quốc Anh trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển quốc tế. Dự án thể hiện nỗ lực của Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu (GCRF) nhằm thúc đẩy sự phát triển tại các vùng khó khăn và khó tiếp cận nhất trên hành tinh của chúng ta,” Giáo sư Andrew Thompson, Giám đốc Điều hành về Phát triển Quốc tế của UKRI, Chủ tịch điều hành của Hội đồng Nghiên cứu Nghệ thuật và Nhân văn của UKRI (AHRC) chia sẻ.

Đại sứ Anh Gareth Ward cũng nhấn mạnh: “Nghiên cứu khoa học là cốt lõi của một hệ thống bậc giáo dục đại học thành công và cần thiết cho một nền kinh tế đổi mới. Hợp tác này sẽ hỗ trợ Việt Nam đối mặt với những áp lực của biến đổi khí hậu, bảo tồn di sản văn hóa và tự nhiên đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ngoài Việt Nam, Dự án Nghiên cứu Đồng bằng còn được triển khai tại Bangladesh và Ấn Độ, quy tụ 22 tổ chức nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới. Dự án đóng góp vào các nỗ lực của Vương quốc Anh hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).

Dự án này là một trong 12 Dự án nghiên cứu liên ngành do Chính phủ Anh tài trợ. Dựa trên sự hợp tác với chính phủ, cơ quan quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các nhà nghiên cứu và cộng đồng, 12 Dự án sẽ chia sẻ kiến thức và chuyên môn để phát triển các giải pháp sáng tạo và bền vững, hướng tới một thế giới an toàn và thịnh vượng hơn.


BV
Ý kiến của bạn