Tạp chí Sông Hương vừa tổ chức kỷ niệm 30 năm số tạp chí đầu tiên ra đời có thể nói là rất hoành tráng. Hơn 200 cộng tác viên của tạp chí từ các miền của đất nước đổ về Huế, làm cho Huế tưng bừng.
![]() Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập tạp chí Sông Hương. |
Huế hiên ngang trong thơ Cao Bá Quát: “Trường giang như kiếm lập Thanh Thiên”.
Huế thăm thẳm trong thơ Nguyễn Du: “Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu”.
Còn Văn Cao và Nguyễn Bính thì mơ màng: “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh”;
“Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên”.
Và Bùi Giáng thì vẫn chưa hết ngỡ ngàng:“Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn hòn núi Ngự bên bờ sông Hương”.
Ngay từ thời triều Nguyễn, khi xây dựng cung điện của mình, nhà Nguyễn cho tất cả cung điện ngoảnh mặt về phía Nam, lấy sông Hương làm tiền sảnh và núi Ngự Bình làm tiền án cho Hoàng cung. Chiều sâu tâm linh thì khỏi nói, còn thực trạng núi Ngự sông Hương đập vào mắt nhà thơ đều làm cho các nhà thơ giật mình.
Có lẽ nhà thơ Huy Tập đã nói đúng:
“Nếu như chẳng có dòng Hương
Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi”.
Mỗi người nhìn Huế bằng một cảm xúc của mình. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có thể thả mình trong rượu từ tối đến sáng, anh nhìn sông Hương như một thực thể ngay trong tầm tay anh:
“Sông Hương hóa rượu ta đến uống
Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say”.
Nguyễn Khoa Điềm sinh ra và lớn lên bên bờ sông Hương, vậy mà sông Hương lúc nào cũng làm anh như phát hiện: “Nhưng chiều nay vô tình trong nắng
Mắt tôi nhìn trong suốt nước Hương Giang”.
Đọc Nguyễn Duy, ta bắt gặp anh ngỡ ngàng như chàng trai xứ Quảng xưa ra Thừa Thiên gặp cô gái Huế:
“Chợ chiều Bến Ngự chưa tan
Ai đi ngược dốc Phú Cam một mình”.
Huế có một đặc sản, đó là màu tím Huế, mỗi khi mặt trời lặn vào Trường Sơn thì màu tím dâng lên làm du khách chếnh choáng. Trần Hữu Lục, Quang Hà, Nhất Lâm ngợi ca màu tím của Huế, của sông Hương không ngớt lời:
“Em mặc áo vàng mơ hay tim tím
Chỉ một thoáng thôi đã Cố đô”;
“Tím những con đường, tím những hàng cây
Cầu Trường Tiền như xây bằng mực tím”;
“Nhìn ga nhìn Huế nhìn nhau
Huế thu tím cả con tàu chia ly”.
Trần Tịnh Yên lại rung động với mưa dầm của Huế. Tôi đã chứng kiến thời ấy, Huế mưa dầm tới 21 ngày liền, cho nên rất cảm thông rung động của Trần Tịnh Yên:
“Tôi về trong phố mưa dầm
Cầm tay núi Ngự thương thầm Huế mưa”.
Nhà thơ Nguyễn Thị Phước từ Nghệ An vào Huế, lúc nào ta cũng thấy nhà thơ thao thức với Huế, đến cả đêm nằm ngay tại Huế cũng không yên:
“Chẳng có gì sao như là đã Huế
Sao như là mất ngủ với Hương Giang”.
Còn Hồ Đắc Thiếu Anh từ Huế ra đi, hiện ở tận trong Sài Gòn, nhưng không lúc nào dứt được tình giữa Huế. Hình như đó là món nợ của cái nhà thơ đã gặp Huế:
“Nợ sông Hương một lời thề
Đành xin hẹn lại mai tê đáp đền”.
Điều không thể hình như mà rất rõ ràng là nhà thơ nào đến Huế cũng có thơ về Huế. Những người đang nợ Huế, chưa trả thì chưa yên. Cho nên sông Hương lúc nào cũng đầy thơ về “Huế đẹp và thơ”. Chính vì vậy, trong vườn thơ Tứ Tượng, các biên tập viên có trích những câu thơ khác, song thơ Huế đã làm say lòng người, cứ nhìn khách đến công viên, vạch từng nếp áo để đọc từng câu thơ một đủ thấy dân Huế mê thơ đến như thế nào.
Có thể nói, Vườn thơ Tứ Tượng là một thành công của sông Hương và một vẻ đẹp không dễ có trong kỷ niệm 30 năm tạp chí Sông Hương tưng bừng trên đất Huế.
Nhà văn Nguyễn Quang Hà