Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Đến nay, số xã đặc biệt khó khăn giảm từ 81 xã, còn 59 xã; số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 462 còn 383 thôn, bản; tỉnh có 10.454 hộ nghèo theo chuẩn mới.
Liên tục trong nhiều năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, phù hợp. Trọng tâm là làm tốt tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động, đặc biệt là giải phóng tư tưởng trông chờ, ỷ lại để các hộ nghèo phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Tỉnh Yên Bái cũng đã đặc biệt coi trọng việc huy động và lồng ghép mọi nguồn lực hỗ trợ công tác giảm nghèo.
Trong đó, có nhiều mô hình kinh tế được phát triển do phụ nữ làm chủ, những mô hình này đã góp phần làm thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế, xã hội tại các khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, đảm bảo đời sống an sinh xã hội.
Trao đổi với PV, bà Vũ Thị Hồng Duyên - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã An Lạc, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, toàn xã hiện có hơn 500 hội viên phụ nữ, trong đó có gần 30 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ đã và đang phát huy hiệu quả cao như: Vườn ươm cây giống, trồng cây dược liệu, cây măng mai, nuôi chim, kinh tế tổng hợp vườn - ao - chuồng…từ đó đời sống vật chất, tinh thần của chị em ngày càng được nâng lên.
Ngoài hỗ trợ, giúp đỡ, động viên chị em phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, các cấp Hội cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tâm lý, xây dựng gia đình bình đẳng, phụ nữ hiện đại… làm sao để mỗi chị em đều là một phụ nữ hạnh phúc trong gia đình, vì như vậy kinh tế sẽ càng phát triển ổn định và bền vững.
Hiện nay, nhiều mô hình hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt dựa trên lợi thế riêng có vùng núi cao phát huy hiệu quả, như: nuôi dê sinh sản, lợn rừng, gà đen, trâu bò vỗ béo; trồng thảo dược, lúa nương chất lượng cao, chè san tuyết, khoai sọ đặc sản, măng tre bát độ... đã góp phần mở rộng sinh kế, tạo thu nhập bền vững cho người nghèo của hai huyện đặc biệt khó khăn.
Chị Ngô Thị Thuận ở thôn Cửa Hốc, xã An Lạc, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, người đang sở hữu vườn ươm quế giống với số lượng cả triệu cây. Thời gian này, chị đang tất bật chăm sóc khu vườn để phục vụ cho vụ trồng mớ đông xuân 2022-2023.
Nhớ lại thời gian đầu bắt đầu làm cây giống (năm 2010), 2 vợ chồng ra ở riêng, đi làm nhiều việc nhưng cũng không đủ tiền. Lúc đó, 2 vợ chồng thấy Hội phụ nữ hướng dẫn, động viên việc xây dựng các mô hình kinh tế tại địa phương, thế là với tiền vốn ít ỏi tiết kiệm được, gia đình quyết định trồng cây keo, bồ đề giống.
Khi số vốn tích luỹ đã được kha khá, hai vợ chồng quyết định chuyển sang làm quế giống là chủ yếu, với 5 vườn ươm, mỗi vườn trên 30 vạn cây con/năm, mang về thu nhập khoảng từ 250 đến 300 triệu đồng sau trừ chi phí.
Không chỉ chị Thuận, trên địa bàn xã An Lạc hiện cũng nhiều gia đình do phụ nữ làm chủ các mô hình phát triển kinh tế với quy mô lớn, đem lại giá trị kinh tế cao.
Chị Lương Thị Ánh, dân tộc Tày, cùng ở thôn Cửa Hốc, xã An Lạc tâm sự, ban đầu cuộc sống rất khó khăn từ thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu đầu ra tiêu thụ sản phẩm, hay dịch bệnh…
Sau khi tìm hiểu các mô hình mới, được sự hướng dẫn của hội phụ nữ huyện, gia đình đã quyết định đầu tư phát triển nuôi chim trĩ, đây là loài chim có nhiều ưu điểm so với việc chăn nuôi các loại gia cầm khác.
Từ những đôi giống ban đầu, giờ đây gia đình chị đã có khoảng 500 con chim trĩ/lứa; vừa cung cấp giống, vừa bán chim thịt cho người dân trong vùng với giá 600.000 đồng/1 đôi chim giống và từ 170.000 - 200.000 đồng/1kg chim thịt.
Xem thêm video được quan tâm:
Vụ Đường Nhuệ (Thái Bình): Bắt Tiếp Phó Công An Và Phó Viện Kiểm Sát Huyện Vũ Thư | SKĐS