Vườn cò Ngọc Nhị (Ba Vì - Hà Nội): Bảo vệ cò cho... dân nhậu(?!)

29-07-2011 07:15 | Xã hội
google news

Được biết, ngay từ những năm 1990, Nhà nước đã có chủ trương quốc hữu hoá, chuyển vườn cò Ngọc Nhị thành khu bảo tồn thiên nhiên, được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, chỉ dành cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và quan trắc môi trường.

Kỳ 2: Nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị đe dọa

Được biết, ngay từ những năm 1990, Nhà nước đã có chủ trương quốc hữu hoá, chuyển vườn cò Ngọc Nhị thành khu bảo tồn thiên nhiên, được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, chỉ dành cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và quan trắc môi trường. Song đến nay, tình trạng săn bắt, tận diệt cò vẫn diễn ra hàng ngày, còn phía cơ quan quản lý khẳng định đã… làm hết sức mình. Cứ đà này, chẳng mấy chốc giá trị của vườn cò Ngọc Nhị sẽ tan biến, thậm chí cảnh quan môi trường sinh thái bị phá vỡ cũng là điều khó tránh.

 Du khách đến địa phương thường thích “thưởng thức” món chim trời.
Cám cảnh… con cò

Vườn cò Ngọc Nhị được hình thành từ những năm 1970 – 1971 do gia đình ông Phùng Đoài Học quản lý. Trước đây, vườn này có tên là đồi Đưng, rộng khoảng 3ha, được bao phủ toàn bộ cây cối, bốn mùa xanh tốt, trong đó 2/3 là cây tre, thích hợp cho sự sống của loài cò. Ban đầu chỉ có vài cặp bay đến làm tổ sinh sống, được sự che chở của con người, lại được các nhà khoa học giúp đỡ, hướng dẫn gia đình cách chăm sóc, bảo quản nên đồi cò mỗi ngày một đông hơn. Từ vài trăm cặp đến hàng ngàn cặp rồi lên tới hàng vạn con và thực sự nở rộ vào những năm 1978 – 1980. Từ đó, đồi Đưng được người dân nơi đây đặt cho cái tên mới là đồi cò Ngọc Nhị và nay là vườn cò Ngọc Nhị. Để tạo điều kiện thuận lợi cho đàn cò sinh sống, làm tổ, hàng năm, gia đình ông Học đều trồng thêm nhiều cây cối và thuê thêm đất nông nghiệp của người dân xung quanh vườn, nâng tổng số diện tích của vườn cò hiện nay lên gần 10ha.

Theo các nhà khoa học, vườn cò Ngọc Nhị là ngôi nhà của gần 100 loài chim các loại, trong đó nhiều nhất là các loài làm tổ thành tập đoàn khi sinh sản như: cò trắng, cò bợ, cò khoang, cò lửa, cò mốc… và vạc. Vào mùa sinh sản hàng năm (từ tháng 4 đến tháng 9), ở vườn cò Ngọc Nhị có hàng chục vạn con cò cư trú. Cò đậu kín các cành cây, bay trắng đồng tạo thành đảo chim khổng lồ giữa một vùng đồng bằng trông rất lên thơ nên đã thu hút lượng lớn khách tới thăm quan du lịch. Không chỉ vậy, vườn cò Ngọc Nhị còn là một quần thể thực vật vô cùng phong phú. Với hơn 96 loài thực vật, trong đó có 45 loài được cò làm tổ tập đoàn, sử dụng làm giá đỡ đặt tổ. Chính vì điều kiện thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho nên gia đình ông Học đã mở ra nhiều loại hình kinh doanh buôn bán, dựa vào đó sinh lời nhưng cũng đồng nghĩa với nó, lượng khách đến thăm quan ngày càng đông. Hiện tại, khách đến tìm hiểu các loại chim hoang dã, chiêm ngưỡng cảnh đẹp thì ít mà đến thưởng thức món cò thì nhiều. Do đó, nếu không có các biện pháp bảo tồn đàn cò, tổ chức tham quan du lịch một cách bài bản chắc chắn sẽ gây ra tác động xấu tới môi trường sinh thái khu vực và việc cò bị tận diệt nhiều như vậy để phục vụ nhu cầu khách ăn thì liệu có còn trú ngụ tại mảnh đất “mất linh” như hiện nay.

Cơ quan chức năng đã… “hết sức”?

Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống về tình trạng sát hại loài chim hoang dã tại vườn cò Ngọc Nhị, ông Nguyễn Xuân Dung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ba Vì cho biết, có tình trạng bắt, thịt cò để chế biến các món ăn phục vụ khách tại vườn cò Ngọc Nhị. Ông Dung cho rằng, lực lượng kiểm lâm Ba Vì đã làm hết sức mình để bảo vệ đàn cò, song vẫn không ngăn cản được vì không phải lúc nào lực lượng kiểm lâm cũng có cán bộ ở đó và khi thấy bóng dáng kiểm lâm đến kiểm tra thì họ tìm mọi cách để đối phó gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Hàng năm, Hạt Kiểm lâm Ba Vì đều tổ chức tuyên truyền bảo vệ rừng và tổ chức ký cam kết thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã với chủ vườn cò cho nên họ phải tự ý thức được việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quốc gia. Ông Phùng Thanh Quân, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Ba Vì cho biết thêm, năm nào họ cũng tiến hành thanh kiểm tra đối với vườn cò Ngọc Nhị, nếu phát hiện sai phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định. Mới đây, lực lượng kiểm lâm Ba Vì đã tiến hành kiểm tra vườn cò Ngọc Nhị phát hiện chủ vườn cò đang giết mổ 10 con cò và 5 con vạc. Đoàn kiểm tra đã thu giữ toàn bộ tang vật và xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vườn cò hơn 5 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử lý của Hạt Kiểm lâm vẫn chỉ mang tính hình thức và gần như “phạt để cho tồn tại” bởi hàng năm, lực lượng này đều tuyên truyền, tiến hành ký cam kết với chủ vườn cò chẳng lẽ lại không có biện pháp cứng rắn để ngăn chặn, bảo vệ đàn cò?!

Đề cập tới việc quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường trên địa bàn, ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Ba Vì cho biết: Toàn bộ số diện tích đất vườn cò Ngọc Nhị do gia đình ông Học quản lý vẫn chưa có hồ sơ sử dụng đất và cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ nhiều đời nay, gia đình ông Học vẫn tự sử dụng, khai thác tài nguyên trên đất, chưa phải nộp bất kỳ khoản phí, lệ phí gì. Huyện Ba Vì cũng chưa hề kiểm tra việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường sinh thái nói riêng tại đây. Đối với số diện tích hơn 5ha mà chủ vườn mở rộng là do giữa các hộ dân và chủ vườn cò tự ý chuyển đổi cho nhau, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép và cũng chưa làm thủ tục thuê đất theo đúng quy định của pháp luật. Cũng theo ông Sơn, hiện tại, môi trường sinh thái của khu vực vườn cò chưa có gì đáng báo động. Nếu theo cung cách quản lý và tư duy như của cán bộ kiểm lâm thì bao giờ vườn cò Ngọc Nhị tận diệt hết cò, lúc ấy mới đáng báo động chăng?!

Tuệ Minh


Ý kiến của bạn