Mực nước ở tất cả các sông đang rút
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ sáng sớm nay mực nước tại tất cả các sông Bắc Bộ đã bắt đầu xuống. Dự báo khu vực đang bị ngập ngoài đê sông Hồng tại Hà Nội sẽ hết sau 2-3 ngày tới, vùng ven sông hạ du sông Hồng (Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên) cần thêm ít nhất 3-5 ngày. Riêng vùng trũng thấp ở Chương Mỹ ven sông Bùi, sông Tích cần thêm khoảng 7-10 ngày.
Lúc 7h00 ngày 13/9, mực nước hồ Thác Bà: 58,91m, lưu lượng đến hồ 1955m3/s. Sông Thao tại Lào Cai (Lào Cai): dưới BĐ1, đang xuống; Bảo Hà (Lào Cai): dưới BĐ1, đang xuống; Yên Bái (Yên Bái): 30,37m, trên BĐ1, đang xuống. Sông Hồng tại Hà Nội (10,02m), dưới BĐ2, đang xuống;
Hạ lưu sông Hồng tại Hải Dương (Phả Lại 6,04m), trên BĐ3, đang xuống; Thái Bình (Quyết Chiến 5,24m), trên BĐ3, đang xuống; Nam Định (Nam Định 4,88m), trên BĐ3, đang xuống; Hà Nam (Phủ Lý 5,20m), trên BĐ3, nước đứng; Ninh Bình (Ninh Bình 4,07m), trên BĐ3, đang xuống; Hưng Yên (Hưng Yên 6,92m), dưới BĐ3, đang xuống. Sông Cầu tại Thái Nguyên (Chã 9,89m), dưới BĐ3, đang xuống; Bắc Ninh (Đáp Cầu 7,66m), trên BĐ3, đang xuống. Sông Hoàng Long Bến Đế (4,82m), trên BĐ3, đang xuống.
Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến 7h sáng ngày 13/9, mưa lũ làm 336 người chết, mất tích (233 người chết, 103 người mất tích), tăng 36 người chết (Lào Cai 16, Cao Bằng 9, Yên Bái 6, Tuyên Quang 3, Vĩnh Phúc 1, Phú Thọ 1) so với báo cáo ngày 11/9.
Lào Cai là địa phương chịu tổn thất lớn nhất về người, với 179 người (98 người chết, 81 người mất tích), gồm: Bảo Yên 110, Sa Pa 9, Bát Xát 17, Si Ma Cai 7, Bắc Hà 34, Văn Bàn 2.. Tiếp đến là Cao Bằng: 52 người, Yên Bái: 50 người, Quảng Ninh: 15 người, Phú Thọ: 11 người…
Nhiều địa phương khác cũng ghi nhận người dân bị thiệt mạng hoặc mất tích do mưa lũ như: Hải Phòng, Hải Dương, Hòa Bình, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Giang, Sơn La, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Hà Nội.
Mưa lũ do bão số 3 còn khiến 130.268 nhà dân bị hư hỏng. Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy, đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…
Toàn khu vực miền Bắc ghi nhận 57.857 nhà dân bị ngập; khoảng 195.929ha lúa bị ngập úng; 35.010ha hoa màu bị thiệt hại; 22.237ha cây ăn quả bị hư hại; 1.791 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi; 2.502 con gia súc, 1.523.345 con gia cầm bị chết…
Thông tin từ Chi cục Quản lý đê điều, phòng chống lụt bão, thủy lợi các tỉnh, thành phố, khu vực miền Bắc cho thấy, trên các tuyến sông đã xảy ra 70 sự cố đê điều. Trong đó, 30 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp III trở lên và 40 sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp III.
Phải sớm có công cụ cảnh báo sớm sạt trượt đất đá
Theo TS Nguyễn Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nguyên nhân gây sạt lở đất đá ở khu vực miền núi chủ yếu do mưa lớn, đặc biệt trong mùa gió mùa từ tháng 5 đến tháng 10.
Những vùng núi càng cao sẽ càng có nguy cơ xảy ra thiên tai và sạt lở. Bản chất là do sau những trận mưa liên tiếp nhiều ngày, nước sẽ làm cho các tầng đất đá bồi giảm tác dụng ma sát (không phải tầng đá nguyên sinh). Dưới tác dụng của trọng lực thì những loại đất đá này sẽ có nguy cơ đổ ập xuống bất cứ lúc nào.
"Các yếu tố như độ dốc lớn, phá rừng, sử dụng đất cũng như điều kiện địa chất góp phần làm cho các khu vực dễ bị sạt lở đất. Các hoạt động của con người như khai thác khoáng sản, xây dựng đường sá và cắt dốc không đúng cách cũng làm trầm trọng thêm nguy cơ sạt lở đất", ông Khánh cho biết.
Còn theo TS Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, hiện tượng trượt lở đất đá xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu dân cư hoặc dọc các tuyến đường giao thông nằm sát các sườn đồi, núi, vách taluy cao dốc. Một số khu vực ít có nguy cơ trượt lở đất đá lại thường nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của nguy cơ lũ quét rất cao.
Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân, các chuyên gia đều cho rằng, việc cấp bách là cần xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá và xác định các khu vực, lưu vực có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá.
Bởi, hiện cơ sở dữ liệu về hiện trạng và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá ở tỷ lệ 1:50.000 của 37 tỉnh miền núi và trung du Việt Nam vẫn chưa được đầy đủ. Dữ liệu chưa được chuẩn hóa, đồng bộ gây nhiều khó khăn cho công tác tổng hợp dữ liệu.
Đặc biệt, theo TS Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, hiện bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều tra, phân vùng nguy cơ cho các khu vực trọng điểm như: Số liệu địa hình ở tỷ lệ lớn (1:10.000, 1:5.000, 1:2.000) còn thiếu và chưa được cập nhật bổ sung. Do đó, dẫn đến kết quả xử lý bị sai và thiếu.
"Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một Trung tâm cơ sở dữ liệu liên ngành về trượt lở đất đá; đầu tư kinh phí tiến hành các đề án, dự án về điều tra trượt lở đất đá ở các tỷ lệ lớn cho các khu vực trọng điểm, nhạy cảm về trượt lở đất đá", TS. Sơn khuyến nghị.
Vấn đề mà các chuyên gia về địa chất, môi trường đặt ra thực sự rất cấp bách, nhưng là nhiệm vụ không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Điều cần làm trước mắt là các địa phương miền núi phải tăng cường cảnh báo các điểm có nguy cơ sạt trượt để giảm thiểu tối đa thiệt hại do loại hình thiên tai này gây ra.
Miền Bắc đang trải qua một đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua. Tại Hà Nội, nước lũ trên sông Hồng lên cao nhất 20 năm qua, tại sông Thao ở Yên Bái, đỉnh lũ cũng vượt qua kỷ lục năm 1968. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Thái Nguyên hứng chịu một đợt lũ lụt nghiêm trọng như vậy. Bắc Giang, lũ tương đương năm 1986, 2008, gây thiệt hại rất lớn. Tính đến trưa 12/9, mưa lũ đã khiến 327 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất đặc biệt to lớn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 2 bệnh nhân nặng vụ lũ quét làng Nủ | SKĐS