"Vùng trũng" giáo dục ở ĐBSCL đang thiếu hơn 16.700 giáo viên mầm non, phổ thông

25-05-2019 19:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ GDĐT cho biết, khu vực ĐBSCL gồm 13 tỉnh/thành phố lâu nay vẫn được coi là “vùng trũng” về giáo dục và đào tạo. Hầu hết các chỉ tiêu về giáo dục của vùng đều thấp hơn chỉ tiêu chung của cả nước và các khu vực khác. Hiện vùng này vẫn thiếu 16.778 giáo viên mầm non, phổ thông.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 2.029 trường mầm non, 3.101 trường tiểu học, 1.407 trường THCS, 377 trường THPT. Vùng ĐBSCL có 231.147 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên.

Theo thống kê số lượng thừa thiếu giáo viên từ 13 tỉnh trong khu vực theo định mức năm học 2018-2019, ĐBSCL còn thiếu 11.637 giáo viên mầm non, 2.583 giáo viên tiểu học, 2.157 giáo viên THCS, 401 giáo viên THPT. Tuy nhiên, toàn vùng cũng thừa 1.686 giáo viên tiểu học, 1.073 giáo viên THCS, 3.579 giáo viên THPT.

ĐBSCL có tỷ lệ phòng học/lớp học, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa bình quân thấp nhất cả nước. Đối với giáo dục mầm non, để ĐBSCL có điều  kiện về phòng học và thiết bị dạy học ngang bằng cả nước cần đầu tư bổ sung 2.400 phòng học, cải tạo, nâng cấp 2.100 phòng học, trong đó chưa tính đến số lượng phòng học còn thiếu khi huy động trẻ đến trường bằng với mặt bằng chung của cả nước.

Ở bậc tiểu học, để ngang bằng mức trung bình của cả nước ĐBSCL cũng cần đầu tư mới khoảng 900 phòng học, cải tạo, nâng cấp khoảng 4.300 phòng học; bậc THCS cần đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 1.857 phòng học; bậc THPT cần đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 223 phòng học. Đó là chưa nói tới số phòng học bộ môn cần đầu tư mới và đầu tư trang thiết bị dạy học.

Do địa hình sông nước, kênh rạch, đi lại không thuận lợi nên ĐBSCL còn là khu vực có số điểm trường nhiều nhất cả nước, gần 6000 điểm trường và là khu vực duy nhất có điểm trường ở cấp THPT. Bài toán sắp xếp, dồn dịch trường lớp đang đặt ra cấp thiết với khu vực này để nâng cao chất lượng giáo dục và chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cần những giải pháp quyết liệt để giáo dục ĐBSCL "vượt trũng" về giáo dục đào tạo.

Những năm qua, chất lượng giáo dục khu vực ĐBSCL đã được nâng lên, tuy nhiên đây vẫn là ‘vũng trũng” về giáo dục đào tạo. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp và tỷ trẻ mầm non thấp nhất so với các vùng và thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước; số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 63,45% (cả nước đạt trên 80%), chưa có tỉnh nào trong khu vực đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi cấp độ 3.

Chi ngân sách địa phương cho giáo dục thấp nhất cả nước

Theo số liệu tổng hợp của Kho bạc nhà nước trong giai đoạn 2011 đến 2016, chi ngân sách địa phương (tính cả phần ngân sách TW hỗ trợ các địa phương nhưng được quyết toán tại địa phương) cho giáo dục mầm non, phổ thông của cả nước khoảng trên 155 nghìn tỷ đồng, trong đó tổng chi ngân sách địa phương trung bình/năm (2011-2016) cho giáo dục mầm non, phổ thông của các tỉnh ĐBSCL khoảng 24.603,1 tỷ đồng.

Như vậy, tổng chi ngân sách địa phương cho giáo dục mầm non, phổ thông của các tỉnh ĐBSCL chiếm 15,9 % tổng chi của cả nước, trong khi đó tổng số học sinh của ĐBSCL chiếm 17,5% tổng số học sinh của cả nước (chưa tính đến tỷ lệ bỏ học của ĐBSCL cao hơn mặt bằng chung của cả nước và tỷ lệ huy động trẻ ra lớp của cấp MN còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước).

Mức chi ngân sách địa phương trung bình cho một học sinh mầm non, phổ thông cả nước là 8.372,6 nghìn đồng trong khi đó với ĐBSCL là 7.380,2 nghìn đồng. Như vậy mức chi của ĐBSCL thấp hơn bình quân chung của cả nước là 11,9% (trong đó thấp hơn bình quân chung của cả nước về chi đầu tư là 8,6%, chi thường xuyên 12,5%). Phân bổ chi ngân sách địa phương cho các cấp học cũng chưa hợp lý.

Trong khi nguồn ngân sách địa phương chi cho giáo dục thấp thì nguồn vốn trung ương hỗ trợ các địa phương khu vực ĐBSCL thông qua các chương trình, đề án nói chung chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số vốn trung ương hỗ trợ các địa phương - thấp nhất so với các vùng trong cả nước, do chính sách hỗ trợ tập trung cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà các tỉnh ĐBSCL có ít đối tượng thụ hưởng so với các vùng khó khăn khác.

Mặc dù là khu vực có điều kiện kinh tế phát triển song nhìn từ thực trạng giáo dục và đào tạo của 13 tỉnh ĐBSCL cho thấy còn quá nhiều bất cập trong phát triển giáo dục, đây thực sự là các tỉnh thuộc diện "vùng trũng về giáo dục và đào tạo" cần được quan tâm đầu tư; cần có những chính sách nhằm đưa giáo dục và đào tạo ở các tỉnh ĐBSCL phát triển ngang bằng với mặt bằng chung của cả nước.

Ngày 25/5, Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng giáo dục Mầm non, phổ thông khu vực ĐBSCL.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thực tế hiện nay, chi cho giáo dục trong tổng chi ngân sách của ĐBSCL thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Do đó, đề nghị các địa phương tăng tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục, đặc biệt chi đầu tư phát triển trường, lớp, thiết bị, tăng cho mầm non..., cố gắng tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, cố gắng chống tái mù chữ, nâng tỷ lệ người biết chữ, phổ cập, ổn định phổ cập. Mục tiêu lớn nhất là hoàn thành sự nghiệp lấp trũng cho giáo dục ĐBSCL.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn