Nơi có nhiều cây thuốc quý, bài thuốc hay
Đã từ lâu, Yên Tử được biết đến là nơi có nhiều cây thuốc quý, bài thuốc hay của y học cổ truyền, góp phần nâng cao sức khỏe người dân xưa nay. Lương y Nguyễn Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Đông y thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ, y học cổ truyền tại Uông Bí có lịch sử phát triển lâu đời và có nhiều thuận lợi để phát triển. Cách đây hơn 700 năm, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cho lập Am Dược trên núi Yên Tử để nghiên cứu, bào chế thuốc chữa bệnh cho nhân dân.
Nơi đây còn có nhiều dân tộc cùng sinh sống như: Dao, Sán Chỉ, Mường... nhiều bài thuốc nam dân tộc đã được bảo tồn nhiều đời nay. Điểm thuận lợi nữa là tại Uông Bí có Rừng Quốc gia Yên Tử, nơi có khoảng 300 loài cây thuốc, với nhiều loại cây có giá trị cao như: Ngũ gia bì gai, kim tuyến, cát sâm, đại kế, hà thủ ô đỏ, bổ béo đen, giảo cổ lam... Hiện nay, vườn thuốc quốc gia Yên Tử đang trong quá trình triển khai, sưu tầm và bảo tồn hơn 700 loài dược liệu đại diện vùng Đông Bắc.
Cũng theo lương y Nguyễn Văn Mạnh, tại Uông Bí, nhiều năm qua các lương y, người dân đã biết cách phát huy các thế mạnh, bảo tồn các bài thuốc quý, trồng dược liệu, sản xuất các sản phẩm thuốc y học cổ truyền... Để có những vị thuốc đảm bảo chất lượng, địa phương và Hội Đông y đã vận động hội viên, người dân chủ động khai thác nguồn dược liệu, tham gia trồng, chăm sóc vườn thuốc nam; nghiên cứu phát triển các sản phẩm dược liệu địa phương…
Từ năm 2016 đến nay Hội đông y Uông Bí đã tổ chức đào tạo 136 lương y gia truyền theo học lớp y sỹ y học cổ truyền hệ chính quy, 10 người đã và đang học bác sỹ y học cổ truyền. Các lương y ngày trước chủ yếu có các bài thuốc gia truyền, nay được đào tạo cận lâm sàng để hỗ trợ việc chữa bệnh hiệu quả hơn. Tạo điều kiện và vận động cán bộ, hội viên rèn luyện chuyên môn, y đức, y thuật, cùng phối hợp với ngành y tế huyện làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Khu vực Yên Tử (Quảng Ninh) có hàng trăm loài cây thuốc.
Trồng cây thuốc và sản xuất các sản phẩm thảo dược
Theo ghi nhận, tại Uông Bí, hầu hết các lương y có vườn thuốc nam, trong đó có người trồng các loại cây dược liệu lên đến 1 ha. Người dân nơi đây trồng nhiều loại dược liệu như: Gừng gió, địa liền, cà gai leo, kim ngân hoa, xạ đen, thiên môn… mỗi loại từ 1 - 4 ha. Ngoài ra, trong tự nhiên có các loại thảo dược có sẵn và nhiều như: cà gai leo, xạ đen, lạc tiên… được người dân thu hoạch với phương châm không để cạn kiệt để các loại cây thuốc này tái tạo cho năm sau thu hoạch tiếp.
Thời gian qua, Hội Đông y Uông Bí đã giúp đỡ cho các hội viên, cải tiến trong phương pháp chữa trị, các sản phẩm xay nghiền đóng túi lọc, cao hoàn tán, sắc đóng túi sẵn… Hỗ trợ thành lập hộ kinh doanh, hợp tác xã. Các công ty, HTX không ngừng cải tiến, mua sắm trang thiết bị hiện đại, phối hợp với các hộ dân, HTX trong sản xuất, tiêu thụ cây dược liệu. Tiêu biểu như cây thiên môn hiện nay được trồng với diện tích 4,5 ha. Để sản xuất các loại thuốc xoa bóp, vận động người dân trồng cây gừng gió, địa liền, hồi quế…
Uông Bí (Quảng Ninh) có 7 sản phẩm thảo dược theo chương trình OCOP.
Nhờ đó mà nhiều bài thuốc quý tại Uông Bí đã phát triển trở thành sản phẩm thảo dược theo Đề án "Mỗi xã phường một sản phẩm" (chương trình OCOP) tiêu biểu của thành phố. Đã có 7 sản phẩm OCOP của hai đơn vị sản xuất, cụ thể là các sản phẩm: Cao Thiên đông, Cao Lạc tiên an thần, dầu xoa bóp Long thiên huyết (Công ty TNHH Nam dược Y Võ); Tinh dầu trầu tiên, nước ngâm chân (HTX Thảo dược Yên Tử). Các sản phẩm này đều là dựa trên các bài thuốc lâu đời, bài thuốc dân gian ở vùng Yên Tử và sử dụng cây thuốc trong vùng.
Đánh giá về triển vọng phát triển vùng cây thuốc Yên Tử, lương y Nguyễn Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Đông y thành phố Uông Bí cho biết: "Phát triển vùng cây thuốc có sự hỗ trợ nhà nước, phát huy sức mạnh của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh… sẽ tạo ra công ăn việc làm, phát triển kinh tế địa phương, mở ra cơ hội liên doanh, hợp tác với nước ngoài. Đã có nhiều tập đoàn dược lớn của nước ngoài tới tìm hiểu và đánh giá cao chất lượng dược liệu ở nơi đây. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu phải nâng cao trình độ, năng lực trong trồng, chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn".
Mời bạn xem video đang được quan tâm:
Đậu mùa khỉ có phải là bệnh lây qua đường tình dục?