Theo Cục Hàng không Việt Nam, cả nước có 22 sân bay dân dụng, gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Trong đó, 10 sân bay quốc tế đang nằm tại các tỉnh, thành: TP. Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Kiên Giang và TP. HCM.
Cùng với đó, 12 sân bay nội địa nằm tại các tỉnh, thành: Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Nghệ An và Điện Biên.
Xét trong phạm vi các vùng kinh tế, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện có số sân bay nhiều nhất cả nước. Cụ thể, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 4 sân bay quốc tế và 5 sân bay nội địa.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có số sân bay đứng thứ 2 trong các vùng kinh tế với 2 sân bay quốc tế và 2 sân bay nội địa.
Đồng bằng sông Hồng có số sân bay xếp thứ 3 nằm ở Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng.
Ngoài ra, Tây Nguyên cũng có 3 sân bay nội địa ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai.
Vùng Đông Nam Bộ có 1 sân bay quốc tế nằm tại TP.HCM và 1 sân bay nội địa nằm ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Riêng Trung du và miền núi phía Bắc có 1 sân bay nội địa nằm tại Điện Biên.
Khá ngạc nhiên khi vùng miền núi Tây Bắc (gồm 6 tỉnh) đang xin chủ trương đầu tư xây dựng thêm nhiều sân bay.
Cụ thể, tỉnh Lào Cai đã được Thủ tướng ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư hơn 6.948 tỉ đồng.
Địa điểm xây dựng sân bay Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.
Tại Sơn La, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 136 ngày 2/8/2022 về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản theo phương thức đối tác công tư.
Tiếp đó chỉ một tháng sau, tỉnh này tiếp tục "xin" chủ trương xây dựng sân bay Mộc Châu với số vốn 6.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, chủ trương xây sân bay Mộc Châu đã không được Bộ GTVT đưa vào quy hoạch.
Trong khi đó, UBND tỉnh Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư xây dựng cảng hàng không Lai Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỉ đồng. Địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên.
Cũng trong phạm vi các tỉnh Tây Bắc, vào ngày 22/1/2022, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên chính thức được khởi công.
Dự án có tổng vốn đầu tư 1.467,7 tỉ đồng từ nguồn vốn của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với quy mô xây dựng đáp ứng khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương, tổng diện tích đất xây dựng dự án là 219ha.
Cũng phải nói thêm, tại các địa phương kể trên nếu được chấp thuận đầu tư, sân bay của 2 tỉnh chỉ cách nhau (theo dữ liệu của Google Maps) xấp xỉ 62km (sân bay Sa Pa - sân bay Lai Châu), sân bay Tân Quang (Hà Giang) - sân bay Tân Quang (Tuyên Quang) cách nhau 48,6km. Việc các sân bay đặt quá gần nhau khiến dư luận đặc biệt quan tâm đến tính hiệu quả kinh tế trong khai thác, vận hành.
Xem thêm video được quan tâm:
Bản án lương tâm của tài xế xe tải cố tình tạt đầu xe cứu thương