Hà Nội

Vùng đất yêu thể dục, mê cồng chiêng và xuất ngoại

07-07-2018 09:21 | Xã hội
google news

SKĐS - Thôn Đăk Brông (xã Chư Hreng, TP. Kon Tum, Kon Tum) hôm tôi đến rộn rã tiếng hát ca. Ùa về từ nương rẫy, bước ra từ những ngôi nhà còn phảng phất mùi sơn, từng nhóm người Ba Na, Kinh, Xê Đăng... thoăn thoắt sửa soạn cho các tiết mục văn hóa, văn nghệ sau một ngày lao động mệt nhọc.

Quyết liệt đổi thay nếp nghĩ, bao buôn làng người dân tộc thiểu số khác kéo dài từ huyện Đăk Tô, Đăk Hà đến TP.Kon Tum cũng dần xóa tan ám ảnh về đói nghèo, dịch bệnh.

Giã từ những lạc hậu

Thay đổi những thói quen trong cuộc sống thường nhật, đối với Đinh Nâm lẫn bao người đàn ông khác ở thôn Đăk Brông là cả một kỳ tích bởi những thói quen ấy đều lạc hậu và có hại cho sức khỏe nhưng nó đã neo bám vào ý nghĩ của những người Ba Na, Xê Đăng suốt bao đời qua. Đinh Nâm sẻ chia đầy tự hào rằng: Mình phải thay đổi thôi, không mãi tin vào thầy cúng hay tin vào sức mạnh vô biên như cây cổ thụ trong rừng được nữa, cái gì cũng cần phải rèn luyện. Thể thao để khỏe, thể dục để khỏe, khỏe để làm rẫy và sống văn minh là khẩu hiệu đánh thức buôn làng mình mỗi sáng mai chứ không như trước đây nữa. Ít năm trước, cứ mờ sáng là sục sạo tìm rượu uống. Lúc nông nhàn thì ngủ nướng.

Nhiều gia đình ở Chư Hreng giàu lên nhờ đi lao động ở nước ngoài.

Nhiều gia đình ở Chư Hreng giàu lên nhờ đi lao động ở nước ngoài.

Không chỉ yêu thể dục, thể thao mà những thói quen cũ như ăn chưa chín, uống chưa sôi cũng được cộng đồng người Ba Na thay đổi. Được mệnh danh là “bàn tay vàng” mổ heo của xã Chư Hreng, Đinh Hậu bảo: Mấy năm trước lợn ốm, lợn bệnh cũng lấy tiết để đua nhau ăn tiết canh. Có lần ăn tiết canh lợn bệnh, hàng chục trai làng nôn thốc tháo và đau bụng mấy ngày nên giờ chỉ những chú heo khỏe mạnh mới đánh tiết canh thôi, không ăn bừa bãi nữa. Mỗi lần mổ heo cũng cấm không cho trai làng mang ra rẫy nướng qua loa rồi uống với rượu trắng nữa.

Dẫu chưa có dịch bệnh bùng phát nhưng nhiều lần lên cơn sốt vật vã cũng khiến già làng Đinh Blan ở Chư Hreng thảng thốt và biết sợ những con muỗi thường xuyên quanh quẩn ở giường ngủ lẫn mâm cơm nhà mình. Từ nỗi sợ ấy, già Đinh Blan hăng say theo các nhân viên y tế thôn bản đi tuyên truyền đến từng người dân phải vệ sinh nơi ăn, chốn ở kỹ càng. Đặc biệt, không để các vũng nước, các chum nước đục, nước bẩn quanh nhà mình vì đó là điều kiện sinh ra lăng quăng và muỗi truyền bệnh.

Khi những thói quen lạc hậu bị đẩy ra khỏi cuộc sống, người dân Chư Hreng còn làm “cuộc cách mạng tư duy” bằng cách vươn ra nước ngoài làm việc. Chuyến bay cất cánh giữa một chiều rực rỡ nắng mai cách đây gần 3 năm vẫn còn in đậm trong ý nghĩ chị Y Lát (dân tộc Ba Na, thôn Đăk Brông) như chuyện vừa hôm qua. Đó cũng là chuyến bay đổi thay cả cuộc đời của gia đình chị cũng như hơn 20 gia đình khác ở xã Chư Hreng. Hôm ấy, đang lúi húi cuốc rẫy, cán bộ xã đến hỏi: Muốn có đàn bò khỏe mạnh, có nhà khang trang, có rừng bời lời xanh tốt không? Muốn thì xuất ngoại nhé. Nghe rõ từng câu mà suốt đêm ấy chị Y Lát vẫn lơ mơ như người trên mây nhưng vẫn thôi thúc sự khát vọng đổi thay cuộc sống.

Cho đến khi đặt chân lên Ả Rập Xê Út, được bố trí công việc nhẹ nhàng, hàng tháng giọng chồng chị như reo vang qua điện thoại và khoe đã nhận được tiền lương thông qua cán bộ các công ty xuất khẩu lao động, niềm tin trong lòng Y Lát được củng cố vững chắc, giấc mơ lớn của cuộc đời đang dần được hiện thực hóa.

Cách nhà Y Lát không xa, ngước nhìn nếp nhà cũ giờ chỉ còn là đồng đổ nát, chị Y Sen (dân tộc Ba Na) lâng lâng cảm xúc như là mình vừa viết nên một câu chuyện cổ tích. Xếp gọn đống thùng nhu yếu phẩm, Y Sen chia sẻ: Mình cũng như hàng trăm người đồng bào dân tộc thiểu số khác trên mảnh đất này quanh năm quần quật với nương rẫy nhưng thời tiết khắc nghiệt, nhiều mùa giáp hạt vẫn thắc thỏm lo âu về cái ăn, cái mặc. Thế nên, khi được các công ty xuất khẩu lao động cùng cán bộ chính quyền đến vận động, đưa đi học ngoại ngữ, đi tập huấn quy tắc lao động thì ngọn lửa khát vọng dần được nhen nhóm lên. Những căn nhà xây khang trang cũng mọc lên nhờ những chuyến bay chứa đầy khát vọng ấy.

Từ những đổi thay tích cực có thể sờ thấy, nhìn thấy được, niềm tin xuất ngoại để thoát nghèo lan tỏa từ nơi này đến nơi khác. Chị Y Thu (dân tộc Ba Na ở xã Đăk La, huyện Đăk Hà) chia sẻ: Mình đã thấy hàng trăm gia đình thoát nghèo, làm giàu nhờ xuất khẩu lao động lại được chính quyền động viên, các công ty cam kết nên cả tháng ròng lay chuyển nếp nghĩ của gia đình, dòng họ rồi vận động thêm nhiều chị em dân tộc thiểu số khác cùng đi xuất khẩu lao động.

Vừa trở về từ Ả Rập Xê Út vì hết hợp đồng, anh A Ngọc (dân tộc Xê Đăng ở xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô) xốn xang những hoạch định kiến thiết cuộc sống mới từ số tiền có được sau 3 năm đi xuất khẩu lao động. A Ngọc bộc bạch rằng: Mình đang tập chiêng để diễn trong các đợt lễ như 27/7, 2/9... của năm 2018 này. Bản thân mình cùng hàng trăm người dân tộc Ban Na, Xê Đăng... ở Đăk Tô, Đăk Hà đã có sự đổi thay kỳ diệu nhờ đi làm việc ở nước ngoài.

Cuộc sống ổn định nhờ làm việc nước ngoài, những người dân tộc ở Kon Tum vẫn nặng lòng với cồng chiêng.

Cuộc sống ổn định nhờ làm việc nước ngoài, những người dân tộc ở Kon Tum vẫn nặng lòng với cồng chiêng.

Tạo sức bật cho tương lai

Đi qua nhiều buôn làng không còn sự xơ xác, xập xệ của những ngày tháng cũ, nhịp sống no ấm tràn về, già làng A Ngôn (dân tộc Xê Đăng ở xã Ngọc Tụ) vỡ lẽ ra rằng: Xóa nghèo rồi còn xóa luôn được cả những lạc hậu nữa bởi ai đi học tiếng rồi đi ra nước ngoài về cũng mở mang hơn. Xưa, cứ nghĩ miếng rẫy cha ông để lại thì đói no cũng cứ phải bám lấy quanh năm nhưng nhịp sống xã hội đã chuyển mình, mỗi người cũng phải chuyển mình để bắt nhịp, không thể cổ hủ được. Hầu hết các gia đình người dân tộc thiểu số ở Kon Tum đều đông con nên lao động thường dôi dư, theo chủ trương của Nhà nước, đi làm việc ở nước ngoài là hướng đi sáng suốt, góp phần đổi thay cả buôn làng.

Sau mấy năm chăm chỉ làm việc ở nước ngoài, với số tiền lương tích lũy được gần 200 triệu đồng, chị Y Lát mua 5 cặp bò giống, 1 ha bời lời. Giờ đây đói nghèo với gia đình Y Lát chỉ còn trong quá khứ. Nhẩm tính, Y Lát cho biết: Ít lâu nữa, đàn bò và cây bời lời trưởng thành, mỗi năm lời khoảng gần 100 triệu. Từ năm 2018 này, hàng chục gia đình khác ở Chư Hreng cũng giàu lên nhờ đi làm ở Ả Rập Xê Út đấy. Làm việc bên đó mức thu nhập 8-10 triệu/tháng, chủ yếu lau dọn nhà cửa, công xưởng nên ai cũng có thể làm được, chỉ cần chịu khó. Sau mấy năm giúp việc gia đình ở nước ngoài, chị Y Sen và nhiều người khác cũng đã cất được nhà mới, mở rộng chăn nuôi, tích lũy cho tương lai giàu đẹp hơn.

Luôn nung nấu ý nghĩ con cái mình sinh ra phải thông thạo chữ nghĩa, trong nhà đầy đủ phương tiện nghe nhìn để nâng cao chất lượng cuộc sống nên khi nghe vợ mình là chị Y Ngăm bày tỏ mong muốn đi xuất ngoại, anh A Long (dân tộc Ba Na ở xã Ngọc Tụ) đồng ý ngay. Vì những ngày tháng tươi đẹp rộng mở phía tương lai nên một mình A Long cáng đáng nuôi nấng con cái, luyện đánh cồng chiêng, chăm cuốc ruộng rẫy. A Long bảo: Đặc trưng máu thịt của các dân tộc Tây Nguyên là cồng chiêng. Phải cần cù luyện lúc con cái đã đi ngủ để Tết còn biểu diễn. Không có vợ, vất vả gấp mấy lần nhưng cứ cố gắng là làm được. Đáng mừng, hàng trăm ông chồng khác ở vùng sâu Kon Tum cũng có chung một khát vọng như A Long.

Đi qua 86 mùa cây đót trổ hoa, chứng kiến bao thăng trầm của các buôn làng, ông A Ngông ở xã Chư Hreng mừng rỡ: Bây giờ nhiều nơi xe máy có thể vi vu chạy trên đường nhựa, đường bê tông đến tận ruộng, tận chân núi. Đi lao động ở nước ngoài đã khiến nhiều căn nhà ngói đỏ tươi mọc lên giữa đại ngàn. Ngày trước cứ đi lấy cây đót, đi trồng sắn, hết mùa ngồi chơi, đủ ăn là cùng. Ông Nguyễn Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Chư Hreng cũng khẳng định: Xuất khẩu lao động là một hướng thoát nghèo hiệu quả ở địa phương, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Xã luôn giám sát chặt chẽ các đơn vị đến tuyển người đi làm việc ở nước ngoài. Sự kết nối thông qua điện thoại giữa người lao động với gia đình được thực hiện thường xuyên. Người dân nào muốn đi nước ngoài phải đến xã để được tư vấn, hướng dẫn nhằm tránh gặp các phải công ty tuyển người trái luật hoặc gặp rủi ro.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum, trong 5 năm trở lại đây có gần 1.000 lao động được xuất khẩu, trong đó có gần 700 người là dân tộc thiểu số, hầu hết là phụ nữ. Thị trường xuất khẩu chính là Ả Rập Xê Út. Đây là thị trường rộng mở, không mất chi phí, không yêu cầu tay nghề. Công việc chủ yếu là phụ giúp gia đình, lau dọn nhà xưởng với mức thu nhập 7-10 triệu/tháng nên lao động nào cũng có thể đáp ứng được. Buôn làng nào có nhu cầu, các cơ quan chức năng đều tạo điều kiện tối đa.


Bài và ảnh: HÀ VĂN ĐẠO
Ý kiến của bạn