Vùng đất muối kêu cứu

13-12-2014 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Ðến các thôn xóm thuộc xã Phước Minh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận), nhiều người tưởng nhầm đây là vùng đất hoang bởi một cảnh tượng chưa từng có.

Ðến các thôn xóm thuộc xã Phước Minh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận), nhiều người tưởng nhầm đây là vùng đất hoang bởi một cảnh tượng chưa từng có. Hàng trăm héc-ta hoa màu bị chết khô, hàng chục ngôi nhà bị bong tróc muốn đổ ụp. Chưa hết, từng ngày, từng giờ, muối vẫn thẩm thấu “leo” lên tường nhà, thẩm thấu đồ dùng. 1.060 hộ dân thuộc 4 thôn của Phước Minh đang phải sống trong không khí mặn chát vị muối, đối mặt với đói nghèo. Tất cả là do Dự án muối Quán Thẻ gây ra.

Cây cối chết khô vì nhiễm mặn.

Vùng đất bị bỏ rơi

“Không thể nào chịu đựng nổi nữa. Nước muối cứ ngấm, bò lên tường và làm phồng rộp tất cả, ăn mòn gạch rồi ăn sang cả những đồ đạc khác. Có ai cho chúng tôi chuyển đi không. Có chuyển thì chúng tôi mới sống được, không thì khổ quá”, bà Nguyễn Thị Khuyên - cựu chiến binh 63 tuổi ở thôn Quán Thẻ 1, xã Phước Minh thốt lên như vậy. Nghe trong hơi thở khó nhọc vì tuổi già và bệnh tật của bà như cũng bị nhiễm cái vị chát mặn của muối. Qua quan sát, gần như toàn bộ tường nhà của bà đã bị thấm muối dẫu bà đã một lần đẽo tường để trát lại. Chỉ một thời gian sau, vị mặn lại… leo lên tường. Còn các khu bếp, tường ngõ và quan trọng hơn là cả nghìn mét hoa màu đã chết sạch từ lâu, chẳng trồng được cây gì. Cả khu vườn đã trở thành… đất chết, hầu như không cây gì sống nổi. Theo chân ông Đinh Công Dư - Trưởng thôn Quán Thẻ 1 tiếp tục khảo sát toàn bộ thôn. Hầu hết các khu vườn trước đây bà con trồng rau, hoa màu, cây ăn quả… thì nay chỉ trơ toàn cát. Màu xanh hiếm hoi được tìm thấy chỉ hiện diện trên mấy cây dừa, cây dại. Chung một nỗi đau, nỗi vất vả, chị Phùng Thị Linh và chị Lê Thị Hiền ở xóm 4 chia sẻ: “Cùng cực lắm anh ơi. Chúng tôi dù được hỗ trợ 80 triệu đồng, nhưng chỉ đủ sửa nhà. Sửa rồi muối lại ăn khi không có cách chống nước muối thẩm thấu. Trong khi đó, nhà đông con, ruộng vườn trước đây có thể trồng rau, bán đồng ra đồng vào đó chứ. Nay thì chẳng còn gì cả…”.

Trong số hai người phụ nữ còn khá trẻ ngồi tâm sự hôm đó thì chị Linh vất vả hơn. Không chỉ bởi 5 sào vườn mà gia đình có được nay đã hoàn toàn chỉ còn một màu của cát, rồi tường bếp đã sụp hết, rồi đến nhà vệ sinh, tiếp đó là tường ngõ, rồi đến tường nhà bong tróc, mà lúc này kinh tế gia đình chỉ trông vào một mình anh chồng đi làm thuê, công việc bấp bênh. “Nếu còn vườn, tôi trồng rau bán thêm đồng tiền lẻ cũng được. Đằng này còn trồng được cây gì nữa đâu”.

Cách thôn Quán Thẻ 1 không xa là thôn Quán Thẻ 2 mà ông Trưởng thôn Dư bảo rằng: “Nếu Quán Thẻ 1 là đất chết thì Quán Thẻ 2 là đất bị bỏ rơi”.

Tường nhà bà Khuyên bị muối ăn bong tróc gần hết.

Tìm hiểu ra được biết, sự “bỏ rơi” đó xuất phát từ Dự án Khu kinh tế muối Quán Thẻ do Tổng công ty Muối Việt Nam làm chủ đầu tư. Từ năm 2000, toàn bộ thôn Quán Thẻ 2 đã bị “bốc” về vị trí như hiện nay để người dân tiếp tục sinh sống. Nhưng điều đáng nói là ở khu tái định cư (TĐC) mới, toàn bộ hệ thống đường nước, đường đi còn dở dang. Dự án xảy ra lùm xùm, buộc phải thay đổi nhà đầu tư. Năm 2005, Công ty Hạ Long tiếp quản dự án đã không chịu trách nhiệm về thiếu sót của nhà đầu tư trước là hoàn thiện cơ sở vật chất cũng như tạo dựng công ăn việc làm cho người dân thôn Quán Thẻ 2. Bi đát hơn, ngay tại khu TĐC này, cây cối, nhà cửa của người dân cũng không thoát khỏi sự xâm hại, tàn phá của muối.

Muối ăn nham nhở tường nhà dân.

Thủ phạm là... sự vô trách nhiệm

Ngay trên chính mảnh đất bao đời cha ông sinh sống, gây dựng thì nay, những người đang sống ở thời điểm hiện tại phải đương đầu, hứng chịu những khó khăn. Không chỉ bởi không khí mặn đến ngộp thở, nhất là mùa nóng mà còn bởi thường xuyên bị sụt nhà, sụt bếp, khó khăn trong sinh hoạt, không thể trồng được hoa màu. Thôn Quán Thẻ 1 có 265 hộ thì hơn 70% số ngôi nhà bị ảnh hưởng, thôn Quán Thẻ 2 cũng có tới 50% số nhà bị ảnh hưởng và nặng hơn là nhiều người không có công ăn việc làm, phải bỏ cả quê hương để đi nơi khác kiếm kế sinh nhai. Vì sao toàn bộ xã Phước Minh lại ảnh hưởng lớn đến như vậy? Ông Dư và ông Nguyễn Văn Chấn - Trưởng thôn Quán Thẻ 2 xác nhận là do Phước Minh thuộc vùng thung lũng thấp, trong khi cánh đồng muối lại ở cao hơn, nguy hiểm hơn là khu cánh đồng muối phía Đông cao hơn khu dân cư từ 10 - 15m. Ông Nguyễn Văn Chấn nhấn mạnh: “Nhưng như thế thì cũng chẳng nên chuyện anh ạ. Chuyện to là từ năm 2008, Công ty Hạ Long tiến hành bơm nước lên đồng muối đã để nước ngấm vào làng; thêm nữa, một trận mưa lớn xảy ra, “dồn” nước mặn trút vào khu dân cư. Từ năm 2011, cây cối bắt đầu héo úa và chết dần, tường nhà có hiện tượng bị ăn mòn, nứt, sụp. Người dân tìm đến các cơ quan chức năng kêu cứu đó. Nhưng chúng tôi khổ quá mà chưa tìm được cách để di dời. Nếu người ta làm kỹ, làm tốt hơn thì đã không để người dân lâm vào cảnh khốn cùng này”! Theo nguyện vọng của những người dân đang chịu khổ, chúng tôi ngược lên UBND xã Phước Minh, ông Trần Mạnh Cương - Chủ tịch UBND xã cho biết, các ông đã nghe và phản ánh đúng nguyện vọng của người dân. Sự thực thì tỉnh Ninh Thuận cũng đã có đồng cảm, cho khảo sát và chỉ đạo Công ty Hạ Long tiến hành đền bù cho khoảng hơn 200 hộ dân. “Ấy thế nhưng, dù đã đền bù, người dân đã sửa chữa nhưng công ty cũng chưa có cách khắc phục muối thẩm thấu qua đất, tràn vào làng nên cây cối tiếp tục chết khô, nhà cửa tiếp tục bị bong tróc”.

Cũng theo ông Cương là cán bộ địa phương, dù thương và thấu hiểu nỗi vất vả của bà con, ông cũng chỉ có cách kiến nghị lên cấp huyện, cấp tỉnh nhờ giúp đỡ. Còn bản thân ông lúc này bất lực cũng như những người dân rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở”.

“Người có trách nhiệm làm dự án đã không tính toán khoa học, không đánh giá hết tác động môi trường và việc triển khai cũng không đồng bộ. Nếu làm tốt thì người dân sẽ chẳng phải khổ đến thế! Chúng tôi phải nói rằng, chính nhà đầu tư vô trách nhiệm. Người dân đã nhường đất cho dự án, thế mà chưa làm xong đã cho hoạt động, chưa có cách ngăn mặn với dân đã bơm nước”, ông Cương thở dài.

Vậy chẳng lẽ các cơ quan chức năng chẳng có cách nào khắc phục. Trong tiếng thở dài của ông Cương còn kèm theo nỗi lo lắng khác, bởi lẽ ông đã mệt mỏi kiến nghị và hơn thế là còn lên kế hoạch cho hơn 1.000 héc-ta đất xen kẹt với các cánh đồng muối, nay đã bị nhiễm mặn. Địa phương đang tính để phần diện tích này cho người dân canh tác, nhưng việc xin “chung đường nước” không đơn giản.

Ðau đầu bài toán việc làm

Mất ruộng, ngay cả những khoảnh vườn có thể cung cấp rau xanh cho con người đã không thể nuôi trồng được gì. Và chính những người dân trong xã cũng chỉ có 300 công nhân được làm việc cho dự án muối. Còn hiện nay, trên 800 người ở thôn đang “ngồi chơi xơi nước” vì thiếu việc làm. Cán bộ xã đã chủ động đi tìm phương hướng nghề nghiệp để đưa bà con đi học, nhưng tất cả đều bế tắc vì không biết tìm đâu ra một nghề phù hợp cho ngần ấy người. Anh Nguyễn Hữu Hào, người dân vẫn dựng túp lều sống ở cánh đồng nhiễm mặn (không thuộc diện thu hồi đất và không được đền bù), không có tiền về khu tái định cư mua đất nên đành phải ở lại. Anh tâm sự: “Vợ dại con dại, nghèo quá, chúng tôi chẳng biết làm thế nào cả. Giờ cố bám trụ với biển bằng nghề đánh cá, nhưng cứ ở nơi mặn thế này, lại chỉ còn gia đình tôi ở lại không đủ điều kiện “chạy”.

Về phía tỉnh, ông Đào Trọng Định, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã nói những kế hoạch, nhưng rõ ràng rất lúng túng và vẫn chưa đưa ra một phương án nào có hiệu quả. Tuy nhiên, ông Định cho rằng, trách nhiệm là của Tổng công ty muối Việt Nam là đơn vị đã triển khai dự án 6 năm nhưng kết quả hầu như bằng không. Chính phủ đã thay chủ đầu tư. Một vấn đề làm chậm tiến độ dự án cũng là nguyên nhân quan trọng đó là vấn đề khiếu kiện, cản trở của nhân dân (73 hộ dân tộc Chăm) khiếu nại đòi lại đất cũ từ những năm 2000 mãi đến những năm 2011 mới cơ bản giải quyết xong...

Hỏi về chính sách, ông Định cho biết tỉnh đã có chủ trương chính thức giao cho Sở Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, cùng các ngành, địa phương cho khảo sát và khoanh định các vùng đất bị nhiễm mặn để cho dân chuyển sang mục đích sản xuất muối, chủ đầu tư sẽ hỗ trợ nguồn nước mặn và hợp tác tiêu thụ muối cho dân; trường hợp một số hộ không có nhu cầu thì cho thống kê để xem xét, thu hồi đất, bồi thường... Nói thì như vậy, nhưng về lâu dài, người dân cần được chuyển đến một nơi ở mới, đủ điều kiện cho họ sinh sống, để không phải đối mặt với sự xâm hại của muối. Nhưng cho đến lúc này, tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Trong khi đó, người dân mong chờ những hành động thiết thực, giúp họ thoát khỏi... cánh đồng muối.

Bài, ảnh: Phú Khánh

 

 


Ý kiến của bạn