Theo lý giải của anh hướng dẫn du lịch đưa tôi đi thăm Phú Yên thì phú có nghĩa là giàu có, trù phú, còn yên là bình yên, an lạc. Cái tên này có từ thời vua Lê Thánh Tông khi ngài chinh nam mở cõi, từ thời chúa Nguyễn Hoàng với những cuộc di dân quy mộ hàng ngàn người từ vùng châu Hoan, châu Ái vào đây khai khẩn đất đai tính chuyện lâu dài. Phú Yên mang trong nó cái ước mơ của cha ông ngàn đời xưa cũ ấy. Trong tên gọi của nhiều làng xã ngày nay, người ta vẫn còn thấy có những từ như “an, hòa”: Ba trong sáu huyện của tỉnh hôm nay có tên: Tuy Hòa (nay đã là thành phố trực thuộc tỉnh), Tuy An, Sơn Hòa.
Ghềnh đá Đĩa - thắng cảnh tự nhiên độc đáo của Phú Yên.
Cảm giác bình yên đến ngay khi máy bay chở chúng tôi đáp xuống sân bay Đông Tác (tên cũ của sân bay Tuy Hòa). Sân bay nằm ngay ven bờ biển. Máy bay trước khi hạ cánh lượn vài vòng để chỉnh hướng cho đúng đường băng chạy gần như song song với con đường ven biển. Cả ngày sân bay chỉ mở cửa đón 6 chuyến bay đến và đi từ Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh do hai hãng Jestar (2 chuyến trong đó có một chuyến nối qua TP. Hồ Chí Minh) và Vietjet (1 chuyến). Chính Vietnam Airline mới là hãng hàng không đầu tiên mở đường bay này nhưng giờ đã nhường lại cho hai hãng kia khai thác vì thường xuyên phải bù lỗ. Thế nên có đông đúc ồn ào thì cũng chỉ là vào lúc có chuyến bay đến và đi. Khách sau khi xuống máy bay cứ thủng thẳng đứng giữa sân bay mà chụp ảnh, rồi mới thong thả đi bộ vào nhà ga để lấy hành lý, hoàn thành nốt các thủ tục của chuyến bay. Nhà ga máy bay Tuy Hòa không khang trang, bề thế nhưng cũng đủ để lưu lại ấn tượng cho hành khách bởi vẻ sáng sủa và thân thiện của nó. Trần và tường được lắp bằng nhiều tấm kính lớn nên lúc nào cũng chan hòa ánh sáng dù là lúc ban mai hay trong buổi chiều hôm.
Cảm giác bình yên theo chân người qua từng con phố thưa thớt tiếng còi xe và tiếng động cơ của ôtô, xe máy. Không bóng dáng của các anh công an ở những ngã ba, ngã tư dù lúc tan tầm. Và tuyệt nhiên trong những ngày lưu trú ở đây, tôi không thấy có đoàn khách du lịch nào đông hàng trăm người đến từ nước láng giềng, đi tới đâu là làm náo loạn phố phường tới đó như ở TP. Nha Trang tỉnh liền bên. Chỉ lác đác đôi ba khách đến từ các nước phương Tây, phần đông đều đứng tuổi, tôi gặp trong phòng ăn hay trong thang máy khách sạn Cendelux nơi tôi lưu trú. Cái thành phố nằm bình yên bên cạnh những bãi biển dài vắng lặng thức dậy từ rất sớm mà đi ngủ cũng rất sớm. Thường chỉ sau 9 giờ tối là các cửa hàng, cửa hiệu, quán xá đã tắt đèn. Chỉ còn nghe vẳng trong đêm tiếng sóng rì rầm vọng lại và thi thoảng là một tiếng chim đêm lạc lõng kêu trong một khu vườn nào đó giữa lòng thành phố.
Bình yên trong từng thôn làng nơi chúng tôi có dịp ghé qua. Có lẽ Tuy Hòa là thành phố duy nhất ở nước ta vẫn còn tồn tại những khu làng trong phố. Nơi đó vẫn còn nguyên vẹn những ruộng lúa, bờ tre, vườn cây trái, đống rơm vàng. Những đàn bò đủng đỉnh dạo chơi trên những ngọn đồi và những cánh cò chấm từng chấm trắng trên thảm lúa ngút ngàn xanh trải dài cho tới chân ngọn Chóp Chài đứng trấn giữ cho thành phố. Chúng tôi đã chạy nhảy như những đứa trẻ trên con đường đê dài rải rác mọc những bụi xương rồng. Con đường bên vách đá chạy song song với bãi biển dưới kia (bãi Xép) chang chang cát trắng nắng vàng ánh lên màu nước xanh thăm thẳm. Trên con đê ấy, anh em thằng Cò (nhân vật trong bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh) đã mải mê đuổi theo con diều trong một chiều lộng gió. Chúng tôi đã ghé thăm ngôi trường làng nhỏ, chỉ có một dãy phòng với 3 lớp học, nơi lũ trẻ đã có biết bao kỷ niệm với cô bạn nhỏ. Trường ngày hè vắng hoe không một bóng học trò. Hàng phượng nơi sân trường vô tư thả rơi những cánh hoa đỏ cuối mùa. Hoa lặng lẽ như nhắc nhớ một lời hẹn ước với tuổi thơ giờ đã cách xa vời vợi. Những khung cảnh ấy chính là nơi ông đạo diễn Victor Vũ chọn để quay bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, làm bồi hồi bao trái tim bạn trẻ. Chỉ có làng quê yên bình nơi mảnh đất Phú Yên này mới có khả năng gợi lại được cái không khí nên thơ của một thời trong veo trẻ dại, mới đem lại cho người xem tấm vé về lại với tuổi thơ.
Bình yên đến cả những bãi biển đẹp mê hồn nằm ẩn mình đâu đó giữa hai ghềnh đá tịnh vắng không một bóng người. Xuống tắm ở những bãi tắm ấy, chỉ một mình mình giữa trời xanh, biển xanh ngỡ tưởng như tự thuở hồng hoang nơi đây chỉ có những người cõi khác ghé qua chơi, để lại cho muôn đời sau chút ngẩn ngơ vương vấn. Cái cảm giác ấy cũng giống như một mình lạc trong ngôi cổ tự với những tượng thờ trầm mặc ngồi yên bất động tự bao giờ trong gian chính điện rộng thênh thang lúc nào cũng cửa đóng then cài. Tôi cũng có ghé thăm mấy ngôi chùa ở nơi thành phố bình yên này. Không có mấy khách vãng lai đến viếng chùa. Dân Phú Yên chỉ đến chùa vào những dịp lễ, nhất là ngày 5 tháng 5 âm lịch. Ở đó, các sư đón khách bằng một tiếng chuông ngân, cùng với mùi hương trầm nhẹ bay ra từ những đỉnh đồng cũ kỹ. Rồi thầy hướng dẫn khách đi thăm vườn chùa, chân bước trên con đường lát đá để lại sau lưng một vài bông đại trắng, tận hưởng cái không khí mát rượi dưới những tàng cổ thụ. Ở chùa Đá Trắng có cả một vườn xoài cổ thụ đã được công nhận là di sản quốc gia, nay còn hàng chục gốc đã ngoài trăm tuổi. Thứ xoài ngày xưa người dân dùng để tiến vua, nay đến mùa có thể mua được ngay ở chùa với giá chỉ từ 5-7 ngàn đồng một ký.
Làng quê thanh bình ở Phú Yên.
Đáng yêu nhất là sự bình yên ấy thấm cả vào những hoạt động kinh doanh mùa du lịch của người dân nơi đây. Những khu vui chơi giải trí, những thắng cảnh cấp quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng cứ mở rộng cửa cho khách viếng thăm mà không thu phí. Một vài điểm đang rất “hot” giá cả cũng rất phải chăng, chỉ 10 ngàn đồng cho một lượt khách. Các hàng quán không chặt chém khách du lịch. Các đội quân “phục vụ” không đeo bám, chèo kéo những người đến tham quan. Liệu còn có thành phố du lịch nào trên đất nước này mà những đồng bạc lẻ mệnh giá 1 ngàn, 2 ngàn hay 5, 10 ngàn vẫn còn giá trị để mua một món đồ lưu niệm xinh xinh, đủ trả cho một bữa ăn sáng, thậm chí cả bữa ăn chính trong ngày? Liệu còn có thành phố du lịch nào trên đất nước này mà một chiếc smarphone khách vô ý bỏ quên nơi quán xá đông người lại được chủ quán cho người phóng xe máy đuổi theo trả lại khách? Cảm ơn những người dân Phú Yên thật thà, chất phác, thân thiện và mến khách đã coi chúng tôi thực sự là những người bạn chứ không phải là những “con mồi”.
Có cảm tưởng như Phú Yên vẫn còn là một vùng đất bị lãng quên, bên cạnh một Nha Trang đã trở nên xô bồ, bát nháo, vượt khỏi tầm kiểm soát của các nhà quản lý; bên cạnh một Quy Nhơn đang hối hả xây dựng những khu biệt thự nghỉ dưỡng, những khách sạn cao cấp, chuẩn bị bung hàng đón làn sóng khách du lịch mới sắp đổ vào. Phú Yên vẫn bình yên như thế, lặng thầm như thế. Như đỉnh Đá Bia uy nghi, vững chãi ngàn năm. Như những con tàu không số tự đánh chìm mình nơi cảng biển Vũng Rô. Như những thôn làng xanh mát bóng dừa, những bãi dài nắng vàng cát trắng bên biển xanh sóng vỗ miên man. Anh hướng dẫn viên du lịch, sau khi tốt nghiệp đại học ngành du lịch ở TP. Hồ Chí Minh về sống với gia đình, nhà ngay thành phố Tuy Hòa vẫn nhận đưa đón khách ở bất cứ thành phố nào từ Trung Bộ, Tây Nguyên cho tới vùng đồng bằng Nam Bộ. Đơn giản chỉ vì lượng khách tới Phú Yên còn quá khiêm tốn. Với giọng buồn buồn, anh nói với chúng tôi: “Phú Yên phải cảm ơn ông đạo diễn Victor Vũ vì ổng đã chọn vùng đất này để quay những phân cảnh chính cho bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Từ đó mà mọi người tìm đến với Phú Yên nhiều hơn”. Đồng cảm với chia sẻ của anh, nhưng tự sâu trong đáy lòng, tôi vẫn ngày đêm nguyện cầu cho Phú Yên cứ mãi bình yên như thế, như những ngày tôi ở đây hôm nay. Bởi bình yên mới chính là ước vọng ngàn đời mà con người luôn hướng tới.
Tôi đã không nhìn thấy hoa vàng trên cỏ xanh, bởi Phú Yên cũng như nhiều tỉnh miền Trung vừa trải qua một mùa hè khô cháy. Nhưng tôi cảm nhận được rất rõ cái vẻ đẹp của vùng đất mà đạo diễn phim đã chọn quay bộ phim, chuyển tải được hết cái ý tưởng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Vẻ đẹp bình yên của Phú Yên là vẻ đẹp thuở ấu thơ mà con người từng đã có, và đã để mất nó trong quá trình phát triển, trưởng thành của mình.