Vui xuân, đừng quên uống thuốc!

28-01-2017 08:50 | Dược
google news

SKĐS - Khi điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ nào cũng dặn là phải nhớ uống thuốc đầy đủ. Thế nhưng trên thực tế không phải lúc nào người bệnh cũng ghi nhớ những lời dặn này, đặc biệt là trong dịp lễ Tết.

Khi điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ nào cũng dặn là phải nhớ uống thuốc đầy đủ. Thế nhưng trên thực tế không phải lúc nào người bệnh cũng ghi nhớ những lời dặn này, đặc biệt là trong dịp lễ Tết. Và đối với người bệnh mạn tính, việc quên uống thuốc sẽ rất nguy hiểm.

Năm hết, Tết đến, 365 ngày lại có những ngày vui tấp nập. Trẻ thì hí hửng, già thì hạnh phúc, cha mẹ thì tất bật. Ai cũng có những bận rộn và những suy nghĩ riêng của mình. Nhưng tất cả đều chung theo một vòng xoáy của Tết. Một vòng xoáy của sự bộn bề, hạnh phúc, quây quần, đầm ấm.

Song cũng chính vì thế mà nhiều khi những thứ thường nhật quan trọng khác lại dễ bị lãng quên: bỏ ăn sáng, ăn trưa muộn và quên uống thuốc ở người bệnh đang phải điều trị... cũng không có gì lạ.

Ngày Tết, có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh quên uống thuốc. Và có lẽ cái sự quên uống thuốc với những người phải điều trị lâu dài các căn bệnh mạn tính dường như là tần suất lớn...

Đối với người bệnh mạn tính cần dùng thuốc đều đặn.

Những người nằm trong tâm điểm

Không thể kể hết được những căn bệnh mạn tính phải dùng thuốc lâu dài. Song có một số người sau đây thì gần như phải uống thuốc kéo dài và liên tục.

Người bị bệnh tăng huyết áp: Tăng huyết áp là bệnh uống thuốc lâu nhất. Uống thuốc vào, huyết áp hạ ngay. Nhưng bạn đừng tưởng bở là ngày mai không phải uống nữa nhé. Hôm nay hạ là chuyện của hôm nay. Mai tăng trở lại là chuyện của ngày mai. Cho nên, việc mua cả một vỉ thuốc huyết áp chẳng phải để phí một viên nào. Vì thế nào bạn cũng sẽ sử dụng hết nhanh chóng.

Người bị viêm gan virut: Tưởng chừng như bệnh này không phải uống thuốc lâu. Lần trước đi xét nghiệm, thấy mấy con virut ngừng sinh sản rồi. Nhưng đó chưa phải là kết thúc điều trị. Thời gian của nó không chỉ tính bằng ngày mà tính bằng tháng, bằng năm. Bạn đừng có nghĩ uống thuốc 3 tháng là quá dài với bệnh này. Không đâu, nó sẽ kéo dài đến 6 tháng, thậm chí là 1-2 năm tùy thuộc vào sự đáp ứng của bạn. Qua Tết, bạn vẫn phải dùng thuốc là điều chắc chắn.

Người mắc bệnh dạ dày mạn tính: Đau dạ dày khiến bệnh nhân rất khó chịu, không khỏi nhanh và phải uống thuốc đều trong 1 tháng. Sau đó phải điều trị tiếp tục khoảng 3 tháng nữa. Vì vậy luôn phải nhớ lịch uống thuốc.

Người bệnh Basedow: Không còn gì phải bàn về lịch uống thuốc của những người bị bệnh này. Những người mà cứ hay được ví vui là mắt long lanh. Nhưng thực tình thì chẳng phải long lanh vì đẹp mà lại do lồi mắt. Ban đầu bạn phải uống khá nhiều thuốc. Nếu là thuốc PTU thì phải phải uống 6-8 viên, sau rút ngắn lại còn 2 viên một ngày. Mục đích điều trị là hạ hormon tuyến giáp xuống. Nhưng hạ rồi người bệnh vẫn phải duy trì uống thuốc tới 2 năm. Với lịch uống thuốc dài như vậy thì phải qua hai mùa Tết đến người bệnh mới được ngừng thuốc.

Và hệ lụy

Đối với người bệnh mạn tính mà quên uống thuốc tất yếu sẽ không có lợi, đôi khi còn gây ra hậu quả khó lường.

Thứ nhất, quên một ngày là giảm nồng độ đỉnh duy trì của thuốc trong máu. Với các thuốc hỗ trợ điều trị bệnh thì không sao nhưng với các thuốc chính điều trị bệnh thì lại gây ra sụt giảm nồng độ hiệu dụng điều trị. Với thuốc tăng huyết áp, bạn có thể làm huyết áp tăng trở lại ngay, mà thậm chí là lên cơn tăng kịch phát, rất nguy hiểm. Tết vốn là thời gian của những chất kích thích, gần như nguy cơ tăng vọt huyết áp là trong tầm tay.

Thứ hai, quên thuốc có thể biến một bệnh dễ trị thành một bệnh khó trị và kháng trị. Ví dụ, viêm gan virut phải vất vả lắm mới tìm ra được liều thuốc sử dụng phù hợp để điều trị. Nếu bệnh nhân quên uống thuốc, virut có cơ hội hồi sinh và kháng lại với liều thuốc ban đầu. Trong một số trường hợp, virut không đáp ứng với thuốc đang điều trị nữa.

Thứ ba, quên thuốc có thể gây ra hiệu ứng phản hồi ngược và làm bệnh thêm trầm trọng. Chủ yếu là bệnh viêm loét dạ dày tá tràng và bệnh Basedow. Nếu bạn uống thuốc đều đặn thì không sao, axit dạ dày sẽ được kiểm soát. Nếu bạn nhớ thuốc thường xuyên thì nồng độ hormon tuyến giáp được hiệu chỉnh về bình thường. Nhưng bạn quên ư? Cơ chế phản hồi ngược mà người ta gọi là cơ chế feedback làm axit dạ dày tiết ra tăng vọt, hormon tuyến giáp trong người bệnh Basedow tăng cao vùn vụt như thể chưa điều trị gì.

Vì thế, người bệnh không thể quên uống thuốc dù chỉ một ngày hay thậm chí là một lần.

4 mẹo nhỏ giúp bạn không quên uống thuốc

1. Để ngay thuốc tại nơi dễ thấy và dễ lấy. Ngày thường bạn có thể để trong phòng riêng nhưng những ngày này thì bạn cứ để ngay phòng khách, gần những thứ thường xuyên lấy như hộp cà phê chẳng hạn. Đừng e ngại hay giấu bệnh tật. Phòng khi có khách thì không quên được.

2. Ghi vào tờ lịch ngày hôm sau là “uống thuốc lúc… giờ...” theo như đơn kê. Ghi như thế, mở mắt ra là bạn nhớ và không thể quên.

3. Để ngay những thuốc hôm sau phải uống vào túi áo. Như vậy, dù bạn có đi chơi nhà ai chăng nữa, đến giờ uống thuốc vẫn có thể lấy thuốc ra uống.

4. Phòng khi ăn uống xong bạn dễ bị quên thì những thuốc sau ăn, bạn có thể uống ngay trước bữa ăn cũng tạm chấp nhận được. Nhưng nhớ là uống thuốc xong phải ăn ngay, hiệu quả của thuốc cũng giảm đi không đáng là bao.


BS.Yên Lâm Phúc
Ý kiến của bạn