Theo các nhà khoa học, hội chứng hưng cảm là trạng thái hưng phấn của cơ thể có biểu hiện đặc trưng với cảm xúc hưng phấn, khí sắc tăng, hoạt động tăng, tư duy hưng phấn; kèm theo đó có các dấu hiệu rối loạn thực thể như mất ngủ, thèm ăn, gia tăng khả năng hoạt động tình dục, sụt cân...
Biểu hiện lâm sàng
Trên lâm sàng, cơn hưng cảm có đặc điểm là khởi phát nhanh và đột ngột, có thể vài giờ hoặc vài ngày, nhất là khi có một số stress tác động ảnh hưởng. Tuy vậy, trong thực tế đôi khi cơn hưng cảm có thể phát triển qua một giai đoạn từ vài ngày đến vài tuần. Một giai đoạn của hội chứng hưng cảm thường được biểu hiện với những thay đổi hưng phấn về khí sắc, tư duy, hoạt động và một số các rối loạn cơ thể.
Khí sắc hưng phấn:
Người bị hội chứng hưng cảm có khí sắc tăng, thường có biểu hiện vui vẻ, phấn chấn, yêu đời; lạc quan về mọi vấn đề của cả quá khứ, hiện tại và tương lai; cảm thấy tràn trề hạnh phúc, hồ hởi, phấn khởi làm cho những người khác ở chung quanh cũng bị ảnh hưởng và vui lây.
Người có hội chứng này thường hay cười, nói, hát hò nhưng bỗng chốc có thể trở nên cáu gắt, kích động, không tự kiềm chế được. Nếu trường hợp bị hưng cảm mạn tính thì sẽ có khuynh hướng tấn công, hay bực bội, chửi rủa, lăng nhục người khác... Một đặc điểm cũng được ghi nhận là người hưng cảm thường có cái tôi, hay khẳng định bản thân mình, thích khoe khoang, hống hách, ưa thích kiện tụng những vấn đề vụn vặt...
Tuy duy hưng phấn:
Người có hội chứng hưng cảm trong quá trình hoạt động tâm thần thường có biểu hiện tăng tốc, trí não đầy ắp những suy nghĩ dồn dập, những suy nghĩ này chưa xong thì đã tuôn trào ra những suy nghĩ khác. Đồng thời những người này thường có đặc điểm nói chuyện rất nhanh để cố gắng diễn đạt tất cả những ý nghĩ trong một thời gian rất ngắn. Hay nói to, nói nhiều và nói liên tục với những câu nói không cưỡng lại được; lời nói có vần điệu, hay chơi chữ và theo phong cách nói hơi quá, phóng đại, tô màu trong nội dung diễn đạt. Nhiều người có hội chứng hưng cảm bị hoang tưởng tự cao, tin rằng mình là người giàu sang, có địa vị xã hội và chính trị cao... như tin mình là thiên sứ của chúa, là thứ trưởng, là tổng thống, là tỷ phú...
Hoạt động hưng phấn:
Người có hội chứng hưng cảm cũng tin rằng mình chưa từng bao giờ khỏe mạnh và có nhiều năng lực như thế; cảm thấy hoàn toàn không mệt mỏi nhưng không thể làm bất cứ một công việc nào được hoàn chỉnh. Thường những người hưng cảm có đặc điểm làm hết việc này sang việc khác nhưng lại không có việc nào xong xuôi. Đồng thời rất ít khi ngủ, chỉ ngủ được vài giờ trong ngày hoặc ít hơn; đôi khi có các giấc ngủ ngắn trong ngày. Ngoài ra còn có các hoạt động thể lực quá mức hay khủng khiếp, gây phiền hà cho những người khác ở chung quanh. Một số trường hợp đã không có thái độ và hành vi lịch sự, trở nên khiếm nhã, quá khích, sỗ sàng, sàm sỡ... làm cho mọi người rất khó chịu.
Một số rối loạn cơ thể khác:
Ngoài những thay đổi hưng phấn về khí sắc, tư duy và hoạt động đã nêu ở trên; những người có hội chứng hưng cảm còn có biểu hiện một số rối loạn cơ thể khác như: thèm ăn, ăn nhiều, ăn nhanh, ăn một cách ngấu nghiến vì cho rằng không có đủ thời gian dành cho việc ăn uống. Có khả năng tình dục tăng, trở nên suồng sã; thường hay tán tỉnh thô bạo, không biết xấu hổ, có hành vi khiêu dâm và quấy rối tình dục...
Người có hội chứng hưng cảm cần được nhanh chóng làm dịu bớt cơn hưng cảm bằng cách tiếp xúc, nói chuyện một cách nhẹ nhàng, khéo léo, tế nhị; tránh những lời nói có thể làm kích thích tăng thêm trạng thái hưng cảm. Cần nhanh chóng đưa người có hội chứng hưng cảm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, chẩn đoán, tư vấn và hướng dẫn điều trị phù hợp. Trong những trường hợp nặng, người có hội chứng hưng cảm phải được điều trị, chăm sóc tại các bệnh viện chuyên khoa .
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Mời xem tiếp bài 2: Cách xử trí hội chứng hưng cảm ra ngày 11/8/2015