Hành trình cùng con tìm cách xóa vết “rễ cây” trên chân
Từ khi sinh ra, em N.T.H (ngụ ở TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) đã có những vết bớt đỏ ở nửa mông và nửa chân. Lo lắng, chị Đ.T.M.D, mẹ của cậu bé đã đưa con trai đến nhiều nơi khám nhưng đều chẩn đoán “đó chỉ là vết bớt bình thường”.
Khi H. 16 tuổi, trong những vết bớt này bỗng nổi lên các mạch máu mà mẹ cậu ví như những chiếc rễ cây to, nhỏ chằng chịt… Chỉ cần vết xước nhẹ vào những cái bớt này, máu sẽ cứ rỉ ra, rất khó cầm lại được.
Hình ảnh đôi chân bị rối loạn mạch máu trước và sau phẫu thuật của bệnh nhân N.T.H.(Bệnh viện FV cung cấp)
Lúc đó, chị D đưa con trai đến một vài nơi tại TP.HCM thăm khám. Các bác sĩ đều chẩn đoán con chị mắc chứng rối loạn mạch máu bẩm sinh. Chị cho con theo điều trị với một bác sĩ và đã được chích xơ vào mạch máu cho cứng lại. Tuy nhiên, khi chích các mạch máu cứng lại chỗ này nhưng lại phình ra ở chỗ khác. Mỗi lần chích, con chị rất đau đớn. Có lần vì đau quá, chi phí điều trị lại tốn kém nên H. đã từng bỏ cuộc. Chị đã ôm con trai vào lòng, vừa khóc vừa nói: “Con ráng điều trị bệnh, chứ con như vậy, cả cuộc đời sau này của mẹ sẽ đau khổ vô cùng”.
Dù N.T.H đã chịu đau đớn trong nhiều lần điều trị nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Chị D cũng từng nhờ bạn là bác sĩ ở nước ngoài hỏi về cách điều trị bệnh cho con. Khi nghe bệnh tình của H., các bác sĩ khuyên gia đình đưa con sang Singapore. Gia đình chị D đã tìm hiểu hướng giải pháp này và được biết con chị sẽ phải sang Singapore điều trị 3 lần. Ước tính mỗi lần hết hàng trăm triệu đồng tiền điều trị và chi phí đi lại, ăn ở.
Trong lúc gia đình đang tìm cách lo chi phí cho con sang Singapore thì chị D tình cờ được giới thiệu PGS.TS.BS Trần Minh Hoàng – khoa Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện FV, người từng được đào tạo và tốt nghiệp chuyên khoa mạch máu và can thiệp mạch máu tại Pháp. BS Hoàng cho biết Bệnh viện FV có trang bị hệ thống máy Laser Biolitec của Đức, có thể thực hiện thủ thuật đốt laser nội tĩnh mạch và chích xơ nên sẽ điều trị được bệnh của con chị. Chị D mừng đến rơi nước mắt khi con trai có thể điều trị ngay trong nước, không phải tốn nhiều tiền ra nước ngoài điều trị.
Hạnh phúc khi con được sống vui vẻ
Bệnh nhân N.T.H đến FV trong tình trạng phần đùi trái bị phù, đỏ, đau và da sắp loét. BS Hoàng chẩn đoán bệnh nhân mắc chứng rối loạn mạch máu bẩm sinh (KLIPPEL-TRENAUNAY-SYNDROME). Đây là một chứng bệnh hiếm gặp, ước tính khoảng 42.000 người mới có một người mắc phải. Theo BS Hoàng, nếu không chữa trị kịp thời, chân của bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng và nguy cơ vỡ mạch máu, dễ dẫn đến tử vong cao.
Bệnh nhân được chụp CT, siêu âm và vẽ bản đồ đánh dấu mạch máu bị tổn thương ở chân trước khi bác sĩ tiến hành thực hiện thủ thuật đốt laser nội tĩnh mạch và chích xơ. Tiến hành thủ thuật, BS Hoàng đã tỉ mỉ chọn lọc từng tĩnh mạch dị dạng để làm laser, tránh xâm lấn và tổn thương các mạch máu lành. Với phương pháp dùng nhiệt từ ánh sáng laser để làm xẹp tĩnh mạch, bác sĩ đã luồn sợi laser vào lòng tĩnh mạch bị giãn. Song song đó là quá trình gây tê kết hợp bơm nước xung quanh tĩnh mạch, giúp giảm ảnh hưởng của tia laser lên các mô xung quanh, hạn chế làm bỏng mô cũng như tránh các biến chứng lên các dây thần kinh cảm giác.
Sau đó, bác sĩ đã tiêm thuốc gây xơ hóa vào vùng mạch máu bị tổn thương cho đến khi không còn hiện tượng giãn tĩnh mạch nông dưới da. Sau hai giờ thực hiện thủ thuật dưới hướng dẫn siêu âm, bệnh nhân đã giảm 90% các triệu chứng. Bệnh nhân xuất viện sau đó 3 ngày và được tiếp tục điều trị duy trì bằng cách dùng thuốc và mang vớ tĩnh mạch.
Theo BS Hoàng, đây là ca bệnh đầu tiên của bệnh viện được ứng dụng laser trong điều trị dị dạng mạch máu và kết hợp đồng thời giữa laser và chích xơ.
Chứng rối loạn mạch máu bẩm sinh là bệnh lí khó nhất trong dị dạng mạch máu. Nếu không điều trị kịp thời, chân của H. có nguy cơ loét, nhiễm trùng và thậm chí là cắt bỏ chân.
Chị D chia sẻ hiện H. đã là sinh viên năm thứ 3 của một trường Đại học. H. học cách nhà 20 km nên hằng ngày tự lái xe máy đi và về. Từ một chàng trai trước đây luôn mặc quần dài vì mặc cảm thì bây giờ con chị đã tự tin mặc quần soọc. Các mạch máu nổi lên trước đây giờ đã “lặn” hết.
Là một người mẹ theo suốt căn bệnh của con từ nhỏ đến lớn, chị D cùng gia đình rất vui mừng và biết ơn bác sĩ vì đã tận tâm điều trị cho con chị. “Tôi không bao giờ quên được hình ảnh BS Hoàng với khuôn mặt mướt mồ hôi bước ra khỏi phòng phẫu thuật sau ca mổ căng thẳng suốt buổi trưa hôm ấy. Nhờ bác sĩ điều trị cho con trai tận tình như vậy mà cháu mới có được những tháng ngày vui vẻ như hôm nay”, chị D tâm sự.