Vùi dương vật bẩm sinh là do thiếu hụt bẩm sinh chiều cao của ống da dương vật, thường kết hợp với một bao quy đầu chật khít, có thể dẫn đến hình thành túi nước tiểu ứ đọng, nằm ở giữa mặt trong của bao quy đầu và quy đầu.
Vùi dương vật được chia làm 3 mức độ.
+ Vùi dương vật nhẹ: không nhìn thấy dương vật; sờ được dương vật trong ống da dương vật.
+ Vùi dương vật trung bình: sờ không có dương vật trong ống da; kéo ống da dương vật xuống xương mu thấy được một phần thân dương vật.
+ Vùi dương vật nặng: ống da dương vật nhỏ, ngắn; dương vật chìm sâu trong lớp mỡ trước xương mu.
Nguyên nhân vùi dương vật
Các nguyên nhân gây vùi dương vật có thể là
+ Bẩm sinh: Bất thường trong cố định da, cân Dartos với cân Buck khiến dương vật bị trượt ra sau; thiếu da bao thân dương vật.
+ Mắc phải do béo phì.
Vùi dương vật gây ra lo lắng cho bệnh nhân và thân nhân về tình trạng không thấy dương vật hoặc dương vật quá nhỏ, gây viêm nhiễm bao qui đầu và đường tiết niệu.
Riêng về vùi dương vật bẩm sinh thì có nhiều giả thuyết nêu ra để giải thích nguyên nhân vùi dương vật. Hiện nay, đa số cùng chung nhận định tật vùi dương vật là do da dương vật cố định kém vào gốc dương vật gây ra hiện tượng thân dương vật bị trượt vào phía trong.
Khi nào cần đi khám vùi dương vật bẩm sinh?
- Khi bố mẹ thấy dương vật của con nhỏ hơn so với các bạn cùng trang lứa
- Trẻ đi tiểu gặp khó khăn
- Trước khi đi tiểu trẻ quấy khóc, dẫy dụa
- Khi đi tiểu bao quy đầu phồng lên, tia nước tiểu yếu, ngắt quãng.
Chẩn đoán vùi dương vật bẩm sinh
Chẩn đoán bệnh thuần túy dựa vào các triệu chứng lâm sàng nhưng cần phải phân biệt với một số bệnh lý dễ nhầm với vùi dương vật bẩm sinh như dương vật bị vùi sau cắt bao quy đầu, bao quy đầu phình to, dương vật nhỏ thực sự do giảm sản các tạng cương.
Khám lâm sàng thấy lớp mỡ ở da xung quanh gốc dương vật dầy, có trường hợp rất dầy so với trẻ cùng độ tuổi. Dương vật như bị lún, bị tụt sâu vào trong lớp mỡ ở xung quanh dương vật. Ngoài ra có thể phát hiện được thêm các triệu chứng khác như hẹp bao quy đầu, da của bao quy đầu viêm đỏ, phù nề, có túi nước tiểu ứ đọng ở giữa quy đầu và bao quy đầu.
Điều trị vùi dương vật bẩm sinh
Trẻ sơ sinh đến tầm 2 tuổi là thời điểm dễ phát hiện lún dương vật ở trẻ nhất. Khi đã chẩn đoán bé bị vùi dương vật, phẫu thuật có thể giúp dương vật dài và thẳng ra. Việc điều trị sớm vùi dương vật là rất cần thiết, đặc biệt cần điều trị trước tuổi đi học để tránh tâm lý ngại ngùng đối với trẻ.
Các biện pháp điều trị vùi dương vật:
- Rạch dọc da mặt bụng dương vật, theo đường giữa. Ở nền của dương vật, tại vị trí cuối cùng của đường rạch da dương vật, kéo dài đường mổ sang cả hai bên, theo đường nằm ngang để đường mổ có hình mỏ neo.
- Cắt các dải xơ, các dây thắng, dính dương vật với các mô ở xung quanh. Đường rạch thêm nằm ngang cho phép cắt các dải xơ, nằm ở các bình diện sâu, quẩn quanh và nối các vật hang với các ở mô xung quanh. Việc cắt dây treo vật hang – mu (sau đó đặt một dải mỡ vào giữa vật hang và xương mu) có thể làm tăng chiều dài của dương vật. Tại nền của dương vật, khâu cân Buck vào mảng trắng của vật hang ở hai bên niệu đạo, bằng chỉ tự tiêu chậm, cỡ chỉ 5/0 hoặc 6/0. Da bao quy đầu được lộn lại để che phủ thân dương vật.
- Có thể hút hoặc bóc tách lấy bỏ mô mỡ ở vùng xung quanh xương mu, nhưng các kỹ thuật này chỉ có hiệu quả nhất thời.
- Bao quy đầu được lộn lại để che phủ thân dương vật. Vì vậy, phải chống chỉ đinh tuyệt đối cắt bỏ bao quy đầu.
- Cuộc mổ kết thúc bằng khâu da ở mặt bụng của dương vật và đặt ống thông tiểu. Dương vật được băng lại bởi một lớp kem chống dính và gạc vô trùng.
Tóm lại: Vùi dương vật là dị tật bẩm sinh với biểu hiện dương vật nhỏ, ngắn do bị lún sâu vào vùng mu, thân dương vật bị tụt ra phía sau chỉ còn ống da bọc dương vật và luôn phối hợp với điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ em. Bệnh nhân phải ấn vào vùng mu để dương vật thò ra khi tiểu tiện. Vùi dương vật ảnh hưởng xấu đến chức năng tiểu tiện, sinh dục và thẩm mỹ.
Vì vậy, cha mẹ nếu nghi ngờ thì đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, điều trị sớm tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Mới đây, bé trai N.N.S (13 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) được mẹ đến khám tại khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì hình dạng dương vật của trẻ dính vào da bìu và kích thước không phát triển so với các bạn cùng trang lứa.
Theo lời của mẹ bé S, khi con bé, gia đình cũng không quan tâm đến hình dáng dương vật của con vì nghĩ chưa dậy thì nên chưa phát triển. Tuy nhiên gần đây, cháu S bày tỏ sự lo lắng về hình dạng bất thường bộ phận sinh dục của mình nên được gia đình đưa đi khám.
Tại khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ đã chẩn đoán bé S có dương vật vùi vào da bìu và chỉ định mổ. Sau 1 giờ, ca phẫu thuật đã được các bác sĩ thực hiện thành công.