Với người Việt, chiếc chiếu không đơn giản chỉ là vật dụng trải ra ngồi hay nằm, nó còn là nét văn hóa rất riêng gắn với nếp nhà, tập tục bao đời của dân tộc. Thế nhưng nét văn hóa này đang mai một trầm trọng, hàng loạt làng nghề dệt chiếu trên cả nước đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ do nhiều nguyên nhân...
Ngày một lụi tàn
Hiện tượng mai một nghề dệt chiếu truyền thống đang xảy ra ở Cà Mau. Nơi đây từng nổi tiếng một thời ở các vùng sản xuất nguyên liệu dệt chiếu như Đầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình, U Minh… Nhưng hiện nay, nước mặn xâm nhập nên nguồn nguyên liệu ít dần, cộng với khó khăn về lao động nên nghề này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Chuyện tương tự cũng đang xảy ra ở TP.HCM. Những làng nghề nổi tiếng ở đây như: làng dệt chiếu Bình An; Bến Hải ở quận Gò Vấp… từng phát triển rất hưng thịnh và trù phú nhưng những năm trở lại đây, một số làng nghề bắt đầu mai một và gần như sắp lụi tàn.
Phát triển các làng nghề truyền thống được xem như một hướng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Tại TP. Đà Nẵng, làng chiếu Cẩm Nê, xã Hòa Tiến (Hòa Vang) từ lâu đã nổi tiếng với những chiếc chiếu hoa vừa có tính ứng dụng, vừa mang giá trị thẩm mỹ cao. Đặc trưng của chiếu Cẩm Nê là mùa hè nằm rất mát, mùa đông lại rất ấm, còn tỏa ra hương thơm dìu dịu. Đặc biệt, chiếu được dệt cói nhuộm sẵn nên hoa văn nổi ở cả hai mặt chiếu chứ không như chiếu in, chỉ có hoa ở mặt trên. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, bị cạnh tranh với nhiều loại chiếu khác, chiếu hoa Cẩm Nê vẫn là một sản phẩm được người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, đó chỉ là quá khứ.
Ngày trước người dân thu mua cói ngay ở Bàn Thạch, Duy Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam). Nhưng nay do vùng trồng cói bị thu hẹp nên muốn mua nguyên liệu bà con phải vào tận Long An và các tỉnh phía Nam, phí vận chuyển rất đắt. Hơn nữa, lúc cả làng còn làm chiếu, sản phẩm làm ra được thu mua rồi đem đi tiêu thụ ở nhiều nơi. Còn bây giờ, do sản phẩm làm ra quá ít, việc thu mua chiếu không còn được duy trì. Điều này khiến cho khả năng cạnh tranh với các loại chiếu khác trên thị trường dần bị giảm sút.
Theo các nhà quản lý, những nguyên nhân chính khiến làng nghề dệt chiếu suy giảm là: Kết cấu hạ tầng làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu duy trì và phát triển của nghề; Chưa quy hoạch được vùng nguyên liệu để cung cấp cho các làng nghề. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu phải mua từ tỉnh ngoài với giá cao nên người sản xuất lâm vào thế bị động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, không còn nhiều động lực bám nghề, họ tìm đến các công việc khác có thu nhập cao hơn.
Cố gắng giữ nghề
Cứ ngỡ nghề dệt chiếu truyền thống lụi tàn nhưng dường như điều đó không ảnh hưởng đến làng Phong Thuận 1 (xã Hưng Hòa - tỉnh Nghệ An). Được công nhận làng nghề năm 2005, làng Phong Thuận 1 có 15 hộ gia đình làm nghề dệt chiếu cói với gần 50 lao động, chủ yếu từ 50 tuổi trở lên. Mặc dù hiện nay có rất nhiều sản phẩm hiện đại thay thế những chiếc chiếu cói thủ công, tuy nhiên, chiếu cói Hưng Hòa vẫn được ưa chuộng. Đó là động lực để những người thợ giữ lửa cho nghề. Cói được dự trữ ở kho quanh năm. Trước khi dệt, các nghệ nhân phải phơi lại một lần nữa để tránh sợi cói bị ẩm mốc và gãy. Sau khi hoàn thành sản phẩm, chiếu cói được phơi nắng một lần nữa để khô đều hai mặt chiếu rồi mới giao hàng cho khách. Đến nay, chiếu cói Hưng Hòa có mặt khắp thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tại miền Tây Nam Bộ có tỉnh Tiền Giang với làng nghề truyền thống dệt chiếu ở xã Long Định (huyện Châu Thành) đã tồn tại khá lâu với những người dân chất phác, gắn bó với nghề non nửa thế kỷ. Khi đến đây, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh chiếu phơi ven tỉnh lộ 867 của gần 300 hộ dân, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động ở vùng nông thôn, giúp họ có mức thu nhập ổn định.
Theo bà con ở đây, nghề dệt chiếu ở xã Long Định do các cư dân vùng chiếu nổi tiếng ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đem vào. Vì thế, chiếu Long Định bao giờ cũng dày dặn hơn, màu sắc, hoa văn cũng tươi tắn và đẹp hơn. Hiện nay, trong quy hoạch phát triển kinh tế của Tiền Giang, việc đầu tư và phát triển các làng nghề truyền thống được xem như một hướng đi quan trọng nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, nghề làm chiếu thực sự trở thành nguồn thu nhập chính trong đời sống của người dân xã Long Định.