Ngành du lịch chia sẻ cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã gặp gỡ, trao đổi với đại diện một số khách sạn tại TP Hồ Chí Minh đang được sử dụng để phục vụ cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh có 270 khách sạn đăng ký làm nơi lưu trú cho các y, bác sĩ với khoảng 11.000 phòng, trong đó đã đưa vào sử dụng 117 khách sạn với 6.000 phòng. Đội ngũ nhân viên khách sạn đã được phổ biến, tập huấn, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch khi phục vụ các y, bác sĩ trở về nghỉ ngơi từ các cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến.
Đến nay, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đã phục vụ 52 đoàn công tác, với hơn 4.600 y, bác sĩ, sử dụng khoảng 1.900 phòng lưu trú tại 22 khách sạn thuộc hệ thống Saigontourist. Các y, bác sĩ được phục vụ suất ăn 3 bữa, với gần 94.000 suất ăn.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Khánh cho biết, không chỉ các khách sạn, cơ sở lưu trú mà nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã tích cực tham gia với các hoạt động phòng, chống dịch như sử dụng các xe khách du lịch để vận chuyển F0; đưa người dân, lao động ngoại tỉnh về quê; tham gia phát thuốc, tư vấn cho F0 tại nhà.
Ngành du lịch cũng phối hợp với Sở y tế TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện vận động được 395 khách sạn đăng ký làm điểm cách ly F1, với 13.426 phòng. Các doanh nghiệp lữ hành đều có mong muốn chia sẻ phần nào gánh nặng với những hoàn cảnh khó khăn, cũng là sự tri ân dành cho đội ngũ y, bác sĩ và lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ngành du lịch là một trong những ngành bị thiệt hại trực tiếp, nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Hiện nay những khách sạn đang được sử dụng tăng cường phục vụ y, bác sĩ chống dịch cũng được xem như lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp đã chung tay cùng chính quyền chống dịch, san sẻ một phần căng thẳng, vất vả với đội ngũ y, bác sĩ, Phó Thủ tướng chia sẻ, những người làm công tác chống dịch hiện nay đều rất vất vả, nguy hiểm. Tất cả lực lượng tham gia tuyến đầu, kể các các nhân viên phục vụ tại các khách sạn tham gia tuyến đầu chống dịch đều đối diện nguy cơ lây nhiễm. Đã có những bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội bị lây nhiễm, có người hi sinh.
Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị nhanh chóng tiêm đủ 2 mũi vaccine cho đội ngũ nhân viên các khách sạn phục vụ các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Hiện tại các khách sạn đã có đội ngũ y, bác sĩ lưu trú, cho nên có thể xem xét phương án tổ chức tiêm ngay tại khách sạn.
Được biết, nhiều khách sạn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đang vận hành mô hình "khách sạn cộng đồng miễn phí" cho những người khó khăn. Ðây là chương trình được khởi xướng bởi ông Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc Ngân hàng Thực phẩm (Foodbank) Việt Nam và ông Ðinh Quốc Huy, Giám đốc khách sạn 3 sao Ambassador (quận 1).
Chia sẻ về chương trình này, ông Nguyễn Tuấn Khởi cho biết: "Hiện có không ít bà con lao động, công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh khó khăn về chỗ ở; một số y, bác sĩ, dân quân, tình nguyện viên… đi trực tại các điểm cách ly hay xét nghiệm khu vực phong tỏa gặp khó khăn lưu trú. Chúng tôi đang cố gắng kêu gọi thêm sự đồng hành của nhiều khách sạn khác, để thêm nguồn lực cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh".
Kích cầu du lịch "người Việt Nam đi du lịch Việt Nam"
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.
Trong kế hoạch nêu rõ, việc ưu tiên thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, người lao động tại các trung tâm du lịch, từng bước mở rộng cả nước. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực y tế phòng, chống COVID-19, tổ chức thực hiện tốt quy định 5K. Các đơn vị chức năng tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch, triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn"...
Các lãnh đạo ngành du lịch, địa phương đều xác định dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, do vậy ngành du lịch Việt Nam nên tập trung vào khách nội địa. Để thu hút khách, các địa phương phải liên kết, hình thành liên minh kích cầu với những sản phẩm mới, chất lượng.
Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên và sự đa dạng sinh học, Việt Nam có lợi thế phát triển dòng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch xanh nhấn mạnh tới yếu tố "nhỏ là đẹp" – đảm bảo sự khai thác với quy mô nhỏ, tránh được những tác động về môi trường và xã hội.
Đáng chú ý, ngày 18/9 vừa qua, Cảng HKQT Phú Bài và Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch trên nhằm hợp tác, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh nhằm phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới, góp phần thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ là vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển du lịch nội địa.
Chia sẻ thêm về việc vực dậy thị trường du lịch nội địa sau đại dịch COVID-19, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, thời điểm này ngành du lịch chấp nhận lỗ để tái khởi động, tạo đà phát triển vào các năm tiếp theo. Do đó trước mắt sẽ hướng đến bảo trì, bảo dưỡng cơ sở du lịch; giữ nhân viên, đào tạo nhân viên; giữ thương hiệu, nguồn khách và bù được một phần lỗ.
Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA) nhấn mạnh, du lịch là ngành tiên phong trong hoạt động khôi phục kinh tế của nước nhà. Nhưng để thực hiện tốt các chương trình kích cầu, cần có sự đồng lòng, xây dựng sức mạnh của tập thể với một tâm thế chuẩn bị đón đầu làn sóng du lịch mới.
Để khai thác hiệu quả những lợi thế và nguồn lực phát triển du lịch vùng, doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đã hình thành và phát triển thêm sản phẩm mới, tour tuyến mới đáp ứng đa dạng nhu cầu và thị hiếu của các phân khúc khách du lịch. Riêng ngành du lịch Hà Nội cần đẩy mạnh hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố qua đó mở rộng số lượng doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Đông - Tây Bắc tham gia các chương trình kích cầu; tăng cường liên kết với các tỉnh miền Trung, Nam bộ để có những tour kích cầu nội địa hấp dẫn với chất lượng và giá cả hợp lý.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.