Vì được xác lập là trung tâm không giường bệnh, nên thủ trưởng đơn vị là Giám đốc Trung tâm không có chức năng ký xác định quá trình hành nghề của bác sĩ. Thu nhập của họ là lương và không có bất cứ một khoản thu nhập tăng thêm nào. Làm cách nào để phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện, cơ chế chính sách nào giúp giữ chân nguồn nhân lực?
Vừa mới đây, Trung tâm Cấp cứu 115 đã thông báo cho lãnh đạo UBND TP.HCM cũng như Sở Y tế TP.HCM rằng 23 nhân viên trong đó có 6 bác sĩ, 1 phó giám đốc của Trung tâm đã nghỉ việc. Nguyên nhân phần lớn do khó khăn về kinh tế. Qua đó, Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất cơ chế tăng thêm thu nhập cho các bác sĩ ngoại viện 115 như thế nào?
PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Theo báo cáo của chuyên viên phòng tài chính Sở Y tế TP.HCM, mức thu nhập trung bình của tất cả vị trí của nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 là 6,5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, ngoài lương, phụ cấp ưu đãi nghề được áp dụng đối với vị trí, êkíp trực tiếp ra hiện trường cấp cứu gồm có bác sĩ, trung cấp và lái xe thêm 60% lương. Các vị trí gián tiếp khác như khối văn phòng sẽ được hưởng phụ cấp tương đương 20% lương.
Thu nhập trung bình bao gồm cả phụ cấp và thu nhập tăng thêm của năm 2017 cụ thể:
Bác sĩ: 7,4 triệu đồng/tháng.
Ban giám đốc: 9,5 triệu đồng/tháng.
Khối cao đẳng: 5,8 triệu đồng/tháng.
Trung cấp: 6,5 triệu đồng/tháng (y sĩ và điều dưỡng trung cấp trực tiếp ra hiện trường cấp cứu), khối gián tiếp gồm văn thư và dược sĩ trung cấp: 4,3 triệu đồng/tháng.
Lao động không bằng cấp: khối trực tiếp gồm lái xe: 7,2 triệu đồng/tháng, gián tiếp gồm bảo vệ và hộ lý: 3,7 triệu đồng/tháng.
Sở Y tế TP.HCM đề xuất sẽ hỗ trợ đối với Trung tâm Cấp cứu 115 theo mức hỗ trợ tương đương với cho nhân viên khu điều trị Phong Bến Sắn. Theo đó, hỗ trợ cho bác sĩ mỗi tháng thêm 6 triệu đồng, ban giám đốc là 5,4 triệu đồng, khối cao đẳng là 3,6 triệu đồng, trung cấp và lao động không bằng cấp bao gồm nếu là trực tiếp sẽ hỗ trợ 2,6 triệu đồng, còn gián tiếp sẽ hỗ trợ là 3 triệu đồng (trung cấp) và 2,4 triệu đồng (lao động không bằng cấp).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất hỗ trợ thêm cho nhân viên y tế Cấp cứu Trung tâm 115 như vậy, cơ chế vốn để hỗ trợ cho những bác sĩ làm việc tại vùng sâu, vùng xa như Phong Bến Sắn. Đối tượng chăm sóc lại là những bệnh nhân dễ lây nhiễm như phong, hoặc HIV/AIDS (BV. Nhân Ái) nên được xem là môi trường độc hại cao?
Bà Nguyễn Thị Thu - Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Điều kiện làm việc thiếu thốn đòi hỏi các bác sĩ cấp cứu ngoại viện phải nhạy bén, bản năng xử lý tình huống thật tốt để có thể cứu sống bệnh nhân. Với năng lực đó của mình, các bác sĩ ấy có thể xin được việc làm ở nơi khác một cách dễ dàng và thu nhập có thể cao hơn, điều kiện và môi trường làm việc sẽ có thể thuận lợi hơn. Chúng ta cần phải nghĩ thêm về cải thiện điều kiện làm việc cũng như thu nhập giúp cho lãnh đạo thành phố quan tâm đúng mức làm sao để các nhân viên y tế của trung tâm phát huy năng lực của mình, cũng như an tâm gắn bó lâu dài với đơn vị.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng (áo trắng) làm việc với Trung tâm Cấp cứu 115
Nói đến chuyện ở đâu làm việc khó hơn, ở đâu quan trọng hơn, chúng ta không thể so sánh được đâu. Nếu chúng ta đem công tác của trung tâm Cấp cứu 115 so sánh với BV. Nhân Ái hay Phong Bến Sắn…, mặt nào đó sẽ khập khiễng.
Về cơ chế tăng thu nhập cho bác sĩ cấp cứu ngoại viện, thành phố chưa phải là không có những trường hợp tương tự như cơ chế cho BV. Nhân Ái, cơ chế cho các cơ sở trực thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội… Về cơ bản, tôi đồng thuận hết các đề xuất, nhưng phải có những giải trình cụ thể và chuẩn bị kỹ để còn phải trình bày cho Hội đồng Nhân dân. Chính sách thu nhập cho cán bộ công nhân viên, cần phải có căn cứ trên cơ sở nào đơn vị đề nghị khoản hỗ trợ, phải đưa ra khó khăn của mình có gì “đặc biệt”. Cơ chế đó có thể là xin tăng theo hệ s ố lương cơ bản, hoặc tăng theo một dạng khoán một khoản tiền nhất định như Sở Y tế TP.HCM đang đề xuất.
Trung tâm Cấp cứu 115 vừa đề xuất thành phố xem xét chủ trương tăng từ 2 xe cấp cứu lên 3 chiếc cho các bệnh viện công lập tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh vì rất nhiều nơi, xe cấp cứu vừa thực hiện chuyên môn của đơn vị như chuyển bệnh, hội chẩn; vừa phải kiêm nhiệm cấp cứu ngoại viện? Theo bà, việc đầu tư xe cấp cứu nên như thế nào để đạt được hiệu quả?
Bà Nguyễn Thị Thu: Về mặt chủ trương, thành phố sẽ đồng ý đầu tư để chăm sóc tốt cho sức khỏe cho người dân thành phố cũng như ở các nơi về đây sinh sống, làm ăn, du lịch…, kịp thời cứu được bệnh nhân. Nhưng không thể nói, bất cứ ai tham gia vào trạm cấp cứu vệ tinh đều được tăng thêm xe cấp cứu.
Cụ thể, nơi nào thường phải đi cấp cứu ngoại viện, phát huy được hết công năng của ba chiếc xe cấp cứu thì có thể đầu tư thêm cho đủ 3 chiếc. Những nơi đã có hai chiếc rồi, nhưng bình thường không sử dụng hết công suất xe, chúng ta nên tiết kiệm cho ngân sách. Một phần khác, xe cấp cứu được đầu tư theo thời gian cùng các thiết bị đi theo sẽ bị lạc hậu. Chúng ta có thể đợi đến khi địa bàn ở những nơi này phát triển tốt, công trình nhiều hơn, cư dân đông đúc… đầu tư cũng chưa muộn. Nơi nào xe cứu thương xuống cấp, chuẩn bị không sử dụng được, chúng ta sẽ đầu tư ngay từ bây giờ.
Ngoài ra, những nơi có nhu cầu cấp cứu nhiều, sử dụng được đủ công năng của xe cấp cứu, nhưng từ cơ sở y tế đưa xe xuống địa điểm cần cấp cứu lại không thể đi được vì kẹt xe chẳng hạn, vậy đầu tư xe cấp cứu nữa để làm gì? Người đi đường không còn chỗ để tránh nhằm nhường đường cho xe cứu thương. Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM cần tìm thêm mô hình mới để đầu tư nhằm cấp cứu kịp thời, không phải là xe cấp cứu mà là một loại xe khác.
Phát triển chương trình đào tạo cho bác sĩ cấp cứu ngoại viện sẽ được bắt đầu như thế nào để nhằm đáp ứng nâng cao năng lực chuyên môn của mạng lưới cấp cứu ngoại viện cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại nhà của người dân trên địa bàn thành phố nói riêng, cả nước nói chung?
PGS.TS.BS. Ngô Minh Xuân - Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM: Chăm sóc, cấp cứu tại nhà hiện này càng là nhu cầu hết sức quan trọng với người dân. Ngoài những nhu cầu chăm sóc sức khỏe bình thường hàng ngày, còn có rất nhiều vấn đề liên quan đến cấp cứu thảm họa, ngộ độc… Hiện nay, về mặt nhân sự, chúng ta lấy nguồn nhân viên y tế có sẵn đào tạo thành các bác sĩ cấp cứu ngoại viện. Chúng ta chưa có nơi nào đào tạo chính quy, đặc biệt thu nhập nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện cũng còn khá thấp. Muốn mở mã ngành đào tạo mặc dù đã được Bộ Y tế cũng như Sở Y tế TP.HCM ủng hộ, nhưng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần phải có ít nhất một tiến sĩ về ngành paramedic. Hiện nay chúng ta chưa có tiến sĩ của ngành này...
PGS.TS.BS. Ngô Minh Xuân: Để phát triển cấp cứu ngoại viện, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đã làm việc với Sở Y tế TP.HCM xem xét phương án dùng cử nhân điều dưỡng để đào tạo chuyên về paramedic, vừa có bằng điều dưỡng vừa có bằng paramedic. Như vậy, sau này những người đó có thể vừa làm cử nhân điều dưỡng trong các bệnh viện vệ tinh cấp cứu 115, vừa thực hiện cấp cứu ngoài hiện trường khi cần.
Liên quan đến đào tạo cử nhân điều dưỡng chuyên ngành cấp cứu ngoài bệnh viện và chăm sóc người bệnh nhẹ, người lớn tuổi tại nhà, trường đã tham khảo nhiều mô hình ở nước ngoài như Phần Lan đã kết hợp vừa cấp cứu ngoại viện vừa chăm sóc tại nhà (paramedic nursing - home care), thậm chí có thể làm ngoài giờ. Và đây là một cách đem lại nguồn thu nhập tốt, ổn định cho các nhân viên y tế của mạng lưới cấp cứu ngoại viện. Trước mắt, trường có thể sẽ liên kết với Phần Lan mời giáo sư đến giảng dạy.