Vừa viết, vừa vẽ, tròn cả hai vai

18-06-2016 11:58 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Một cuốn sách vừa hay, vừa đẹp lại vừa đáng quý là sự hài hòa của giọng điệu và hình thức. Nói cách khác, nhà văn và họa sĩ phải tìm được sự đồng điệu.

Một cuốn sách vừa hay, vừa đẹp lại vừa đáng quý là sự hài hòa của giọng điệu và hình thức. Nói cách khác, nhà văn và họa sĩ phải tìm được sự đồng điệu. Tuy nhiên, có những người “đóng cả hai vai” một cách xuất sắc, những tác phẩm mà tác giả tự viết và tự vẽ minh họa ra mắt trong thời gian gần đây đang tạo nên một xu hướng mới của những tác giả trẻ đa tài.

Hồn nhiên, rực rỡ sắc màu

Bạn đọc nhí tại Việt Nam có lẽ đều biết đến nhà văn Võ Diệu Thanh (sinh năm 1975), hiện là giáo viên dạy môn mỹ thuật Trường tiểu học Cồn Vàm B (An Giang). Bắt đầu viết từ năm 18 tuổi, tới năm 2010, tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược của Võ Diệu Thanh đoạt giải Nhì trong Cuộc thi sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 4. Sau đó một năm, chị đoạt giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn trên trang mạng xã hội Yume...

Làm tròn cả hai vai đang tạo nên một xu hướng mới của những tác giả trẻ đa tài.

Hơn 10 năm cầm bút với 4 tập truyện ngắn Lời thề đá, Cô con gái ngỗ ngược, Gạt nước mắt đi, Mười bảy cây số đường ma, một tập tản văn Bờ vai cho cả bờ vai và một cuốn tiểu thuyết Lần đầu thấy trăng, đặc biệt nhà văn Võ Diệu Thanh từng cho ra mắt tập sách đầu tiên viết cho thiếu nhi mang tên Siêu nhân cua. Đây là câu chuyện dễ thương được Võ Diệu Thanh viết từ chính nguyên mẫu học trò của mình ở mái trường tiểu học Chợ Vàm B. Đọc cuốn sách, độc giả được đắm chìm trong không gian của một vùng sông nước Nam Bộ, được làm quen với một lớp học “nhất quỷ nhì ma”, một cô giáo dạy vẽ “không giống ai”.

Học trò của cô giáo Thanh đều là những đứa trẻ rất hiếu động, tinh nghịch, Hưng cùng Nam đã bày rất nhiều trò quậy phá và trêu trọc cô bạn Mai nhút nhát. Ba cô, cậu nhóc suốt ngày đùa nghịch, sau đó lại “méc” cô giáo làm lớp học lúc nào cũng ồn ào. Mỗi đứa một tính nết, nhưng cả ba bạn nhỏ có một điểm chung là đều thích học vẽ... Có thể nói, những trang viết đầy hóm hỉnh và hồn nhiên trong tập truyện dài Siêu nhân cua khiến bạn đọc nhí không khỏi thích thú. Một điều đặc biệt nữa là toàn bộ tranh minh họa trong Siêu nhân cua đều do chính tác giả vẽ. “Chúng hồn nhiên, ngộ nghĩnh và mang đầy sắc màu tưởng tượng phong phú” - một độc giả bày tỏ.

Kỳ ảo và siêu thực

Nếu Võ Diệu Thanh từng mang đến cho thiếu nhi một thế giới hồn nhiên, trong sáng và đầy màu sắc thì họa sĩ kiêm nhà văn Bích Khoa (tên thật Lê Thị Bích Khoa) lại nổi tiếng với nhiều tác phẩm digital-art mang phong cách kỳ ảo, siêu thực. Phong cách mới lạ, trí tưởng tượng vượt qua mọi ranh giới và sự tuyệt vời của kỹ thuật đồ họa đã đưa Lê Thị Bích Khoa trở thành cái tên nổi đình đám trên các trang đồ họa trong và ngoài nước. Tác phẩm của chị luôn có sự cuốn hút lạ kỳ, có sự gần gũi của chất dân gian Á Đông và đường nét sắc sảo của một họa sĩ minh họa. Chị là một trong những họa sĩ trẻ đang mở ra kỷ nguyên kỹ thuật số: thế giới digital-art.

Với những tác phẩm tranh truyện độc đáo trong ý tưởng và minh họa, chị đã giành được nhiều giải thưởng uy tín như giải Nhì Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi thuộc Dự án hỗ trợ văn học Việt Nam - Đan Mạch (2009), giải Bạc sách Đẹp của Giải thưởng sách Việt Nam 2010, giải Grand Prize của Samsung Kidstime’s Author Award 2015 dành cho các tác giả Đông Nam Á. Chị đã có sách được xuất bản sang tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Phần Lan.

Những câu chuyện kỳ bí của Bích Khoa gồm 5 câu chuyện lạ kì, ngộ nghĩnh với tranh minh họa bay bổng, đầy cuốn hút. Một cô bé Bánh Mật không vâng lời mẹ bị tan chảy dưới ánh mặt trời. Một nàng công chúa Mây trốn thiên đình, mải chơi nơi trần gian, suýt bị hóa thành những giọt mưa. Một cậu bé Tóc Rối lười nhác đến nỗi cây cối mọc ngay trên đầu, thành nơi để bầy chim bay đến làm tổ. Một chú nhóc ưa vòi vĩnh bằng cách khóc nhè trong mọi tình huống, đến nỗi nước mắt ngập lụt cuốn trôi chú đi. Hai chị em Mặt Trăng và Mặt Trời tị nạnh đổi phiên gác cho nhau, khiến đêm ngày nơi trần gian rối tung. 5 câu chuyện kỳ bí nhưng không kém phần đáng yêu, ẩn chứa những lời nhắc nhở ý nghĩa dành cho các bé tinh nghịch. Chắc chắn bạn đọc nhí khó lòng “kiềm chế” khi bắt gặp thế giới ngộ nghĩnh mà kỳ ảo của Lê Thị Bích Khoa.

Truyện đồng thoại và những vệt màu sống động

Cũng như Võ Diệu Thanh và Lê Thị Bích Khoa, Vũ Thị Thùy Dung đã xuất bản nhiều sách tranh truyện độc lập, như: Những đồ vật xấu tính, Vương quốc Kẹo Bông, Cánh Cam và những khu rừng kỳ lạ, Chú nhện bị lãng quên, Rận tìm nhà. Đồng thời vẽ minh họa cho các sách khoa học, kỹ năng: Thắc mắc của bé - 10 tập, Chuyến phiêu lưu của bé Nhựa, Họ hàng nhà Sữa, Thần Tài - Thổ Địa. Chị từng đoạt giải Nhất mảng tranh truyện, Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng và Hội nhà văn Đan Mạch tổ chức năm 2011.

Đặc biệt, Tôi, Sóc nhỏ và đám bạn rừng gồm 10 truyện đồng thoại nhỏ xinh, vừa độc lập vừa xâu chuỗi với nhau đã để lại ấn tượng khó quên đối với độc giả nhí. Nghịch ngợm và lạ lẫm, truyện dài đầu tay của Vũ Thị Thùy Dung làm người đọc bất ngờ bởi trí tưởng tượng dồi dào đã tạo ra vô số tình tiết khôi hài, xoay quanh tài kể chuyện của một chú Sóc mê ăn hạt dẻ - cũng là bạn thời thơ ấu của chính tác giả. Từ khuôn miệng liến thoắng của chú, những câu chuyện kỳ quặc về đám bạn rừng lần lượt tuôn chảy, lúc ồn ã lúc rì rầm. Những câu chuyện khéo nhắc ta: khi loài vật lên tiếng, con người nên lắng nghe!

Sách cũng do chính tác giả minh họa và vẽ bìa. Vốn là một họa sĩ trẻ, đã gặt hái khá nhiều giải thưởng sáng tác và vẽ tranh cho sách thiếu nhi, hẳn nhiên, Vũ Thị Thùy Dung biết cách thu hút độc giả nhí của mình bằng những vệt màu sống động mà chị thường tung tẩy trên bản vẽ.

Có thể nói, nhà văn vẽ và họa sĩ viết ở nước ta không phải là hiếm, nhưng một mình “đóng hai vai” như Võ Diệu Thanh, Lê Thị Bích Khoa và Vũ Thị Thùy Dung lại là những trường hợp đặc biệt. Họ tạo ra thế giới tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng và kỳ ảo bằng chính giọng kể, bằng chính những vệt màu của mình.


Nam Phương
Ý kiến của bạn